Cầu thủ Evan Dimas là người đại diện cho tuyển Indonesia nhận giải Fair Play. Trước đó, Indonesia đã hòa 2-2 với Thái Lan trong trận chung kết lượt về nhưng chấp nhận thua chung cuộc với tỷ số 2-6 vào tối 1/1/2022.
Không có gì tranh cãi về vị trí á quân của Indonesia. Tuy nhiên, việc họ nhận danh hiệu Fair Play đã gây khó hiểu, đặc biệt khi nhìn vào thống kê thẻ phạt, số lần phạm lỗi và lối chơi của đội tuyển này.
Tranh cãi
Số liệu của AFF Cup cho thấy Indonesia thi đấu 8 trận và có 13 thẻ vàng, 0 thẻ đỏ. Họ xếp sau tuyển Thái Lan với 17 thẻ vàng. Thầy trò ông Shin dẫn đầu với số lần phạm lỗi là 143, Thái Lan có 117 pha.
Lối chơi của Indonesia cũng để lại ấn tượng không đẹp. Họ là đội có số lần tắc bóng nhiều nhất với 138 pha, tỷ lệ thành công chỉ đạt 63%.
Theo tìm hiểu của Zing, tuyển Indonesia và Thái Lan có lợi thế là thi đấu nhiều trận nhất. Họ có cùng 8 trận nhưng Indonesia có ít thẻ vàng hơn. Vậy nên nếu lấy Campuchia chỉ có 2 thẻ vàng sau 4 trận ra so sánh thì không công bằng cho đội tuyển đã vào chung kết.
Ban tổ chức AFF Cup quy định giải thưởng Fair Play sẽ do Ủy ban Kỷ luật AFF quyết định. Tiêu chí của giải thưởng sẽ xét theo Bộ luật Fair Play của FIFA gồm 10 điều. Hướng dẫn này không đề cập đến tiêu chí xét số thẻ phạt.
Điều đầu tiên là “Tinh thần Fair Play”, sau đó lần lượt là “Chơi vì chiến thắng nhưng cũng chấp nhận thất bại”, “Thi đấu theo tinh thần của luật bóng đá”, “Tôn trọng đối thủ, đồng đội, trọng tài, quan chức và khán giả”, “Phát huy sự thú vị của bóng đá”…
Theo chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú, cựu quyền Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lý giải thì Indonesia nhận giải Fair Play vì thái độ thi đấu tích cực. “Họ đã thua 0-4 ở chung kết lượt đi nhưng vẫn chơi một trận hay và sòng phẳng với Thái Lan tại lượt về“, ông bình luận.
Lý giải của ông Phan Anh Tú trùng với mục một – “Tinh thần Fair Play. “Chơi đẹp đòi hỏi sự dũng cảm và cá tính. Nó làm ta hài lòng và có khi được tưởng thưởng xứng đáng hoặc có thể thua. Chơi đẹp cho ta sự tôn trọng”, luật Fair Play của FIFA giải thích.
“Chiến thắng là mục tiêu của mọi trận đấu. Bạn không thể ra sân với suy nghĩ chuẩn bị cho một thất bại. Nếu không chơi để thắng có nghĩa là bạn lừa dối đối thủ và người xem, thiếu nghiêm túc với chính mình”, mục 2 lý giải về cách “Chơi vì chiến thắng nhưng cũng chấp nhận thất bại”.
Có thể tin rằng AFF Cup đã nhìn nhận thái độ không bỏ cuộc của tuyển Indonesia là một hành động đẹp và trao giải Fair Play cho họ vì điều đó.
Quy tắc của AFF
Có một điều đáng chú ý là số thẻ phạt được AFF quy định để phân chia thứ hạng xếp hạng ở vòng bảng nếu có hai đội trở lên sở hữu cùng chỉ số. Tuy nhiên, nó không được đề cập như cách xét thành tích để chọn đội đạt danh hiệu Fair Play.
Cụ thể, một thẻ vàng được tính 1 điểm, thẻ đỏ gián tiếp (2 thẻ vàng) là 3 điểm, thẻ đỏ trực tiếp là 3 điểm và thẻ vàng và một thẻ đỏ trực tiếp là 4 điểm. Đội nào có ít điểm hơn thì sẽ được xếp hạng cao hơn.
Ở AFF Cup 2018, Malaysia là đội nhận giải Fair Play. Giải thưởng năm đó cũng gây chú ý khi thầy trò ông Tan Cheng Hoe có số thẻ phạt cao nhất giải là 19 thẻ vàng và 2 thẻ đỏ. Người hâm mộ có thể nhìn thấy điểm chung trong hai đội đoạt giải Fair Play gần nhất: Họ đều thua trong trận chung kết. Danh hiệu Fair Play vì thế còn giống như một lời an ủi gửi tới đội á quân.
Một quan chức AFF cho biết Tổng thư ký AFF là người hiểu rõ tiêu chí và lý do vì sao Indonesia được trao giải Fair Play. Bên cạnh đó, thẻ phạt chắc chắn không phải yếu tố quyết định đội nào giành giải này khi Malaysia và Indonesia đã chứng minh điều đó.
Ngoài hai đội vào chung kết, các đội ở bán kết cũng có cơ hội nhận giải này. Danh hiệu Fair Play hiếm khi thuộc về các đội dừng bước sau vòng bảng. Lịch sử của giải đấu từng có Việt Nam (2014), Malaysia (2012) và Philippines (2010) nhận giải thưởng này khi bị loại ở bán kết.
Nếu không phải Indonesia, tuyển Việt Nam có thể là ứng viên cho giải Fair Play. Thầy trò ông Park Hang-seo thi đấu 6 trận, lãnh 8 thẻ vàng, bằng Singapore và Philippines. Chủ nhà AFF Cup 2020 có thêm 3 thẻ đỏ trong khi Philippines bị loại từ vòng bảng. Giống với Indonesia, tuyển Việt Nam cũng thua Thái Lan 0-2 ở lượt đi nhưng thi đấu kiên cường để hòa đối thủ 0-0 tại lượt về.
Giải thưởng Fair Play của AFF Cup lần đầu được trao vào năm 2008 khi Việt Nam lên ngôi vô địch. Năm đó, Thái Lan vừa là á quân vừa là đội nhận giải Fair Play.