Bóng đá là môn thể thao vua được chơi ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Do đó, chắc chắn không có gì diễn tả được sức hút của một kỳ World Cup được tổ chức 4 năm/lần.
Tuy nhiên, theo Aljazeera, tương lai bóng đá sẽ thay đổi sau mùa World Cup được tổ chức tại Qatar. Trước đây, tâm điểm và sự chú ý của môn thể thao này chỉ tập trung vào các đội bóng đến từ châu Âu và Nam Mỹ, nhưng hiện nay, người hâm mộ đang chuyển dần sự quan tâm của họ về các quốc gia phía Đông.
Đây là lần đầu tiên 5 đội châu Á, bao gồm cả Australia, một thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Á và châu Phi vượt qua vòng loại trực tiếp của giải đấu.
Các đội tuyển này thậm chí còn khiến 4 đội đứng đầu thế giới nhận thất bại: Cameroon thắng Brazil, Maroc tiễn Bỉ và Bồ Đào Nha về nước, Saudi Arabia ghi điểm trước Argentina.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, Nhật Bản đã hạ gục Đức và Hàn Quốc cũng đã có chiến thắng 2-1 lội ngược dòng trước Bồ Đào Nha.
Tất cả những điều bất ngờ này đều diễn ra tại kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức ở Trung Đông.
Sự gần gũi với bóng đá châu Âu
Các quốc gia đang phát triển rất nỗ lực củng cố cấu trúc bóng đá của họ. Đồng thời các đội tuyển quốc gia cũng sở hữu một số cầu thủ góp mặt trong hàng công của các câu lạc bộ cạnh tranh nhất châu Âu. 2 điều này đã khiến bóng đá thế giới có nhiều sự thay đổi.
Cho dù đó là Takehiro Tomiyasu của Nhật Bản, người chơi cho Arsenal, hay Son Heung Min của Hàn Quốc, cầu thủ sáng giá của Tottenham, cả Achraf Hakimi, người hùng Morocco đang chơi cho Paris Saint-Germain, điểm chung của những cầu thủ này là họ đã được chơi bóng với những người giỏi nhất. Lợi thế này khiến họ không còn sợ hãi khi bước vào đấu trường thế giới.
“Một trong những sai lầm lớn nhất của đội tuyển Nhật Bản là họ thường thi đấu với sự dè dặt quá lớn khi đối diện với các đối thủ ở thứ hạng cao hơn. Tâm lý này khiến họ phải trả giá bằng những kết quả đáng buồn”, Dan Orlowitz, một cây viết thể thao tại Nhật Bản từng viết.
Thành công lớn nhất mà đội tuyển Nhật Bản nhận được từ việc có nhiều cầu thủ ở châu Âu là họ được đối mặt với những đối thủ đẳng cấp thế giới hàng tuần, ở những trận Ngoại hạng Anh kinh điển.
Không giống như đội tuyển Nhật Bản ở World Cup 1998, đội tuyển thi đấu ở Qatar có những cầu thủ đã bắt đầu sự nghiệp bóng đá của họ ở các giải đấu lớn như UEFA (Giải Bóng đá Vô địch các Câu lạc bộ châu Âu).
“Bạn không cần sợ Đức và Tây Ban Nha nếu bạn quen chơi với họ trong những bộ đồng phục khác nhau. Sự dũng cảm đó là yếu tố quan trọng đằng sau những chiến thắng của Nhật Bản“, Orlowitz nói thêm.
Điều này cũng đúng khi áp dụng với các quốc gia Trung Đông và châu Phi.
Trò chơi toàn cầu, người hâm mộ toàn cầu
Orlowitz tin rằng màn trình diễn của Nhật Bản trước trận thua Croatia cũng phản ánh sự phát triển của bóng đá ở cấp cơ sở tại quốc gia này. Đặc biệt, việc thành lập các học viện bóng đá có khả năng đào tạo những tài năng đẳng cấp thế giới, chơi bóng được ở châu Âu là yếu tố quan trọng.
Orlowitz nhận định “Dự án DNA” do J.League thành lập để hệ thống hóa các phương pháp đào tạo và phát triển huấn luyện viên, cầu thủ là rất quan trọng.
World Cup ở Qatar cũng đã làm sáng tỏ những thành công từ cấu trúc câu lạc bộ của Saudi Arabia: Hầu hết cầu thủ trong đội hình đánh bại Argentina với tỉ số 2-1 ở trận đấu vòng bảng đều chơi Al Hilal. Đây là câu lạc bộ Saudi Arabia đã lọt vào bán kết Giải vô địch bóng đá thế giới các câu lạc bộ (FIFA Club World Cup).
Hàn Quốc cũng lọt vào vòng 16 đội, tương tự Nhật Bản. Điều này được các chuyên gia đánh giá nhờ vào giải đấu trong nước của họ, K League, đã kết thúc sớm vào năm nay. Điều này cho phép đội tuyển quốc gia có một thời gian huấn luyện ngắn hạn. Trong khi đó, các giải vô địch quốc gia châu Âu năm nay đều trùng với World Cup.
Đồng thời, World Cup lần này cũng hướng tới người hâm mộ ở các quốc gia phía Đông.
Chelston Pinto, huấn luyện viên, cựu cầu thủ của câu lạc bộ bóng đá Ấn Độ, Bengaluru United, cho biết khoảng cách, giá cả khi đến Qatar khá hợp lý với những cổ động viên châu Á. Điều này đã mang số lượng người hâm mộ chưa từng có từ châu lục này đến Qatar. Pinto cũng đến Qatar dự World Cup với tư cách cổ động viên cuồng nhiệt.
“World Cup là một trải nghiệm đặc biệt và tôi chắc rằng người hâm mộ ở châu Á không muốn bỏ lỡ cơ hội này”, Pinto nói.
Có quá nhiều điều kiện thuận lợi để đến Qatar như: Chủ sở hữu thẻ Hayya có vé xem trận đấu sẽ không cần thị thực để nhập cảnh. Các chuyến bay rẻ hơn và khoảng cách từ các nước châu Á cũng thường ngắn hơn. Bên cạnh đó, hầu hết quốc gia châu Á và châu Phi đều có quan hệ tốt với các quốc gia Trung Đông.
Tại World Cup 2018 ở Nga, cổ động viên Trung Quốc có mặt nhiều hơn trên khán đài, áp đảo cả người Anh, mặc dù đội tuyển của họ không vượt qua vòng loại. Tại World Cup Qatar, người Trung Đông và người Ấn Độ nhập cảnh vào Qatar để xem bóng đá chiếm con số lớn nhất.
Tất cả những điều này đều chứng minh các câu lạc bộ lớn ở châu Âu đang dòm ngó đến các thị trường châu Á. Người hâm mộ từ các quốc gia không có đại diện thi đấu vẫn đến sân ủng hộ các đội như Argentina, Brazil, Anh và Đức để theo dõi các cầu thủ bóng đá yêu thích của họ.
Có lẽ các ông lớn của nền bóng đá truyền thống ở châu Âu đang nhận ra tương lai thị trường môn thể thao vua có thể dịch chuyển sang phía Đông. Và thành công của các đội bóng châu Á, châu Phi tại World Cup cùng với niềm đam mê của những người hâm mộ đến từ khắp các quốc gia sẽ là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình đó.