Sanchez là người Tây Ban Nha nhưng từ lâu, ông đã xem Qatar như quê hương thứ hai. Người đàn ông 46 tuổi lần đầu tiên đặt chân đến quốc gia Trung Đông này vào năm 2006, thời điểm ý tưởng về việc đăng cai World Cup còn sơ khai.
17 năm Sanchez làm việc và gắn bó với bóng đá Qatar, người đàn ông từng huấn luyện đội trẻ La Masia chính là chứng nhân quan trọng cho giấc mơ World Cup của bóng đá Qatar. Sau đêm thi đấu cuối cùng của ĐTQG nước chủ nhà tại World Cup 2022, Sanchez rất có thể phải rời ghế HLV trưởng Qatar.
Kết thúc buồn
Tối 29/11 (giờ Hà Nội), những người hâm mộ có mặt trên sân Al Bayt không mong đội chủ nhà giành chiến thắng hay có điểm trước đối thủ. Đội bóng của HLV Louis van Gaal quá mạnh so với họ. Nhưng các cầu thủ Qatar biết rằng họ phải có màn trình diễn tốt hơn thay vì nhận thất bại 0-2.
Người ta có cảm tưởng các cầu thủ Hà Lan không phải đổ mồ hôi trong chiến thắng trước Qatar. Đội chủ nhà đã thua hai trận trước đó theo những kịch bản khác nhau nhưng có điểm chung là họ chơi lép vế hoàn toàn. Còn Hà Lan thậm chí ở một đẳng cấp khác Ecuador và Senegal.
Dưới sự thực dụng của Van Gaal, đại diện châu Âu gần như không để Qatar có một cơ hội rõ ràng nào. Đội chủ nhà không thể chơi bóng theo cách mà họ muốn. Chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) của Qatar chỉ là 0,18, dù họ có tới 5 cú dứt điểm trong cả trận (3 đi trúng đích). Bàn thắng và một màn trình diễn tự hào là thứ người ta chờ đợi và không thấy từ tuyển Qatar ở trận đấu cuối cùng vòng bảng.
Chênh lệch đẳng cấp quá lớn khiến đội bóng châu Á bất lực. Tinh thần thi đấu của họ cũng là vấn đề. Bên ngoài sân, HLV Sanchez chẳng thể đưa ra những điều chỉnh mang tính bước ngoặt nào cho dù ông hiểu đội bóng của mình đến từng chân tơ kẽ tóc.
Sanchez bắt đầu dẫn dắt các đội trẻ Qatar từ năm 2013 và sau đó lên nắm ĐTQG vào tháng 7/2017. Là người trưởng thành từ La Masia, HLV xứ Catalonia cố gắng triển khai lối chơi kiểm soát bóng. Qatar thể hiện tốt trong giai đoạn trước giải, đánh bại Panama và Honduras trong khi hòa Chile và Slovenia.
3 năm trước, Sanchez còn giúp Qatar làm nên lịch sử khi vô địch Asian Cup lần đầu tiên. Chính vì thế, những chỉ trích dành cho chiến lược gia người Tây Ban Nha sau hai thất bại trước Ecuador và Senegal là không quá gay gắt.
Ở nhiều nền bóng đá, việc bị loại sớm chỉ sau hai trận vòng bảng World Cup có thể khiến HLV ĐTQG bị sa thải ngay lập tức. Đã xuất hiện những tin đồn về việc Sanchez sẽ rời đi sau World Cup 2022. Nhiệm vụ của ông dường như đã hoàn thành và thật đáng tiếc khi nó kết thúc cay đắng.
Trong phòng họp báo sau trận thua Hà Lan, các phóng viên nói với Sanchez rằng Qatar là đội chủ nhà có thành tích tệ nhất lịch sử World Cup. Ông đáp: “Về thống kê, bạn có thể sử dụng chúng theo ý muốn. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đặt mục tiêu vào vòng 16 đội hay tứ kết. Chúng tôi muốn xem những gì chúng tôi có thể làm. Tuyển Qatar rất thực tế về những gì chúng tôi có thể làm“.
Thất bại được dự báo
Qatar trở thành nước chủ nhà thứ hai bị loại khỏi World Cup ở vòng bảng sau Nam Phi của năm 2010. Nhưng đại diện châu Phi cũng không thua trong cả 3 trận vòng bảng. Họ hòa Mexico trong lượt đầu và thậm chí thắng Pháp ở trận cuối cùng vòng bảng. Về phần Qatar, họ chơi 3 trận, thua cả 3, chỉ ghi được 1 bàn và để thủng lưới 7 lần.
Bóng đá Qatar chuẩn bị rất kỹ cho World Cup 2022. Trước trận khai mạc, Sanchez nói ông và các cầu thủ đã hy sinh rất nhiều thứ: “Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều. Chúng tôi đã ở nước ngoài, xa gia đình trong một thời gian dài. Bây giờ, chúng tôi muốn thể hiện mình là ai“.
Kể từ khi giành quyền đăng cai World Cup vào năm 2010, tuyển Qatar có 12 năm để chuẩn bị cho lần đầu tiên tham dự giải đấu. Họ không tiếc tiền đầu tư cho ĐTQG, đưa đội tham dự Copa America hay Gold Cup, có nhiều chuyến du đấu tại châu Âu.
Nền bóng đá của họ được tạo các điều kiện tốt nhất về công nghệ, số liệu thống kê hay cơ sở hạ tầng. Aspire và Apetar, khu phức hợp đào tạo trẻ và sức khỏe thể thao tại Qatar, được mô tả là “tốt nhất thế giới”.
Tuy nhiên, bóng đá Qatar đã tiến xa tới đâu trong một thập niên qua ngoài bộ mặt của ĐTQG? Những cầu thủ nội của họ vẫn chỉ chơi trong nước, các ngôi sao sáng nhất nền bóng đá thất bại (hoặc không dám) ra nước ngoài thi đấu. Sau trải nghiệm đáng quên ở các giải Áo hay Tây Ban Nha, Almoez Ali lúc này hài lòng với vị thế đang có tại Al-Duhail. Một ngôi sao đáng chú ý khác Akram Afif đã trở về quê nhà thi đấu từ năm 2020 sau chuỗi ngày dự bị tại Bỉ và Tây Ban Nha.
Tất nhiên, người ta cũng có thể nói rằng Saudi Arabia đã gây địa chấn trước Argentina nhờ phần lớn các cầu thủ chơi trong nước. Giống Qatar, bóng đá Saudi Arabia cũng thất bại trong việc đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu nhiều năm qua.
Song, nội lực và bề dày truyền thống của Saudi Arabia vẫn tốt hơn Qatar. Một thập niên qua, không có CLB Qatar nào lọt vào chung kết AFC Champions League. Bất chấp được đầu tư nguồn lực lớn và được xem như CLB giàu nhất châu lục, đội đương kim vô địch Qatar, Al-Sadd, liên tục gây thất vọng ở AFC Champions League thời gian qua. Lần gần nhất họ lên ngôi ở châu Á là vào năm 2011.
Trong khi đó, Al-Hilal, đội bóng có 9/11 cầu thủ đá chính cho Saudi Arabia ở World Cup 2022, 4 lần vào chung kết cúp châu Á trong một thập niên qua. Al-Hilal cũng đang là đội giàu thành tích nhất ở AFC Champions League khi 4 lần bước lên ngôi cao nhất. Ngoài Al-Hilal, những CLB khác của Saudi Arabia như Al-Ahli hay Al-Ittihad cũng tiến sâu ở giải châu Á.
Bóng đá Qatar sẽ còn nhiều việc phải làm nếu muốn tái hiện thành tích dự World Cup. Muốn thế, Qatar cần duy trì vị thế hàng đầu châu Á và phải bảo vệ chức vô địch Asian Cup vào năm sau.