“Stranger Things”, “Yellowjackets” và “Hacks” là ba trong số những bộ phim, chương trình bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công của 11.500 biên kịch Mỹ.
Cuộc đình công chống lại các công ty, hãng phim của khoảng 11.500 biên kịch thuộc Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) đã bước sang tuần thứ hai, theo NBC News.
Sự kiện dự kiến kéo dài khi phía Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP) – tổ chức đại diện cho hơn 350 công ty sản xuất phim và truyền hình của Mỹ – kiên quyết không thông qua đề xuất chỉnh sửa hợp đồng lao động mới của WGA.
Các chuyên gia cho biết, tác động của cuộc đình công sẽ ảnh hưởng đến không chỉ ngành kinh doanh, sản xuất truyền hình và điện ảnh Hollywood, mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế Nam California.
Hoãn ghi hình, phát sóng nhiều tác phẩm
Theo NBC News, nhóm chương trình đêm muộn là những đối tượng đầu tiên bị thiệt hại do lịch trình hàng đêm và tính chất thời sự của họ, có thể kể đến The Tonight Show Starring Jimmy Fallon, Late Night With Seth Meyers, The Late Show With Stephen Colbert, Jimmy Kimmel Live!, Last Week Tonight With John Oliver và Real Time With Bill Maher.
Trong đó, nhà sản xuất Saturday Night Live tuyên bố tạm dừng mùa thứ 48 vì nữ diễn viên Drew Barrymore rời ghế MC chương trình MTV Movie & TV Awards, Variety đưa tin.
“Tôi lắng nghe tiếng nói của các nhà biên kịch. Để thể hiện sự tôn trọng họ, tôi sẽ ngừng việc ở MTV Movie & TV Awards, ủng hộ cuộc đình công”, Barrymore chia sẻ. Cô nhấn mạnh: “Giá trị đẹp đẽ của truyền hình và điện ảnh Hollywood được tạo nên từ sự sáng tạo của họ”.
Anh em nhà Duffer, Matt và Ross, thông báo ngừng sản xuất phần 5 của loạt phim Stranger Things. Series ăn khách được người hâm mộ nóng lòng đón đợi phần mới, nhưng có lẽ phải khá lâu nữa khán giả mới có dịp tái ngộ dàn diễn viên.
Tương tự, biên kịch Jen Statsky tuyên bố phim truyền hình Hacks chiếu trên HBO không thể tiếp tục ghi hình. Là một phần của WGA, Quinta Brunso – nhà sáng tạo và ngôi sao của sitcom Abbott Elementary từng đoạt giải Emmy – cũng không còn tâm trạng tập trung vào “đứa con” của mình.
Kể với NBC News, biên kịch Ashley Lyle nói kịch bản phần 3 của Yellowjackets bị gián đoạn chỉ sau một ngày WGA tiến hành đình công. Phim trường Cobra Kai được báo cáo đóng cửa, hoãn ghi hình phần 6 cho tới lúc tình hình ổn định.
Các phim chiếu rạp chịu chung số phận. Trong khi lịch ra rạp trong 6 tháng đầu năm 2024 gần như vẫn được giữ nguyên, các phim từ nửa sau của năm 2024 có thể gặp khó khăn vì quá trình sản xuất nhiều khả năng bị trì hoãn từ quý IV năm 2023.
Hiện tại, hàng loạt dự án lớn nhỏ ở Hollywood phải chịu cảnh “đắp chiếu”. Theo Oliver Mayer – giáo sư viết kịch tại trường Nghệ thuật Sân khấu USC thuộc Đại học Nam California – tất cả phim, chương trình đã, đang hoặc chuẩn bị phát sóng đều chịu tổn thất ngay cả khi cuộc đình công kết thúc sớm hơn dự kiến.
“Thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD”
Như một lẽ dĩ nhiên, AMPTP không muốn vụ đình công xảy ra. Vì theo họ, sẽ có đến 20.000 công nhân tại 600 xưởng sản xuất bị mất việc, hàng tỷ USD tiền lương của 800.000 người trong ngành điện ảnh và truyền hình bị đe dọa.
Tổn hại còn được nhìn thấy ở lực lượng lao động hỗ trợ sản xuất, chẳng hạn tài xế, bộ phận phụ trách phục trang, nhà cung cấp thực phẩm, thợ mộc và công nhân xưởng gỗ. Chẳng mấy chốc, hiệu ứng gợn sóng đã hình thành và làm chao đảo nền kinh tế.
Dan Schultz, đại diện của dịch vụ cho thuê thiết bị tiệc ở Burbank, California, tỏ ra bi quan khi nói: “Chúng tôi gần như không trụ vững sau đại dịch Covid-19. Sẽ chẳng ngạc nhiên lắm nếu chúng tôi phá sản giữa vụ đình công này”.
Phát biểu trên LA Times, nhà sử học điện ảnh Jonathan Kuntz tại trường Sân khấu, Điện ảnh và Truyền hình UCLA, nhận định kinh tế của khu vực Nam California sẽ bị chao đảo nhiều nhất. Tổn thất phải tính bằng tỷ USD.
Chung góc nhìn này, Todd Holmes, phó giáo sư quản lý phương tiện giải trí ở Cal State Northridge, nói nếu cuộc đình công kéo dài 3 tháng, nền kinh tế địa phương sẽ thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD. Dự đoán được ông đưa ra dựa trên ước tính về hậu quả của vụ đình công năm 2007 và bao gồm cả lạm phát.
Do các cuộc đàm phán hiện tại phức tạp hơn trước, Holmes không ngạc nhiên nếu phía WGA kéo dài thời gian đình công, và chắc chắn, tổn thất sẽ vượt xa con số 2 tỷ USD của cách đây 16 năm.
Nhớ lại 100 ngày đình công của 12.000 biên kịch Mỹ từ tháng 11/2007 đến tháng 2/2008, giáo sư Oliver Mayer thở dài. Ông hồi tưởng: “Đó là giai đoạn cực kỳ đau đớn. Toàn bộ kinh tế của thành phố Los Angeles đã trượt dốc”.
Tới thời điểm này, chưa có tín hiệu đáng mừng nào cho việc WGA và AMPTP đi đến thỏa thuận chung. Trước tình hình căng thẳng leo thang, Gavin Newsom – Thống đốc bang California – cho biết sẽ đứng ra làm trung gian hòa giải các cuộc đàm phán “trong phạm vi cả hai bên đều sẵn sàng”.
Ông bày tỏ suy nghĩ: “Đình công gây ra hậu quả nghiêm trọng, trực tiếp và gián tiếp. Mỗi người trong chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi vụ này. Chúng tôi rất lo lắng về những gì đang diễn ra bởi vì cả hai bên (WGA và AMPTP) đều chưa chịu ở cùng chiến tuyến”.
Theo Quốc Minh (zing) – Ảnh: T.H