Với ưu đãi của thiên nhiên cùng chiến lược phát triển mới, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế đang hướng đến dòng sản phẩm du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe.

Du lịch chăm sóc sức khỏe đang là hướng phát triển mới. Ảnh: N.Q.

Sau 2 năm bùng phát dịch Covid-19, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế đang có sự dịch chuyển, chú trọng hơn đến phát triển hình thức du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe.

Đây không phải là hình thức du lịch mới, trên thế giới đã có nhiều quốc gia áp dụng, mang lại hiệu quả cao. Thừa Thiên – Huế là vùng đất có đầy đủ các yếu tố, lợi thế để phát triển ngành du lịch này.

Phát triển mạnh sau đại dịch

2 năm qua, nhiều nghiên cứu và thực tiễn đều đã chứng minh dịch bệnh làm thay đổi nhu cầu của du khách quốc tế, nội địa và cả nội tỉnh. Du khách chú trọng chăm sóc sức khỏe, hạn chế tiếp xúc đông người trong mùa dịch nhiều hơn.

Với xu hướng này, nhiều điểm đến, khu nghỉ dưỡng trong suốt giai đoạn dịch bệnh vừa qua đã chủ động khai thác nhiều dịch vụ mới, tập trung vào gói “Wellness” (chăm sóc sức khỏe). Chính gói sản phẩm này quyết định khả năng thu hút khách của những điểm nghỉ dưỡng suốt 2 năm bị tác động bởi dịch bệnh.

Du khách tắm khoáng nóng ở khu du lịch Alba Thanh Tân. Ảnh: Hoàng Mai.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, đánh giá rằng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi sau đại dịch hiện nay, nó đang trở thành xu thế du lịch mới được nhiều dòng khách quốc tế và nội địa ưa chuộng.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng buộc phải đóng cửa hoặc cho nhân viên nghỉ việc vì không có khách. Nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng, duy trì một lượng nhân sự nòng cốt để chờ đến khi dịch được khống chế, du khách quay trở lại.

Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến nghỉ dưỡng tại khu nghỉ dưỡng Suối khoáng nóng Alba Thanh Tân vẫn ổn định trong suốt 2 năm dịch, nguồn doanh thu còn tốt hơn trước dịch.

Lý giải vấn đề này, theo bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc điều hành Alba Hotels, khi môi trường sống càng hiện đại, mọi người bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc đến sức khỏe.

“Nhu cầu các dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe là xu hướng phát triển của thế giới. Sau Covid thì nhu cầu này càng phát triển mạnh”, bà Mai nói.

Điểm đến trên bản đồ thế giới về Wellness

Bà Mai đánh giá khi dòng khách hướng đến chăm sóc sức khỏe ngày càng có nhu cầu phát triển, những vùng càng ít bị đô thị hóa, công nghiệp hóa sẽ thu hút.

Thừa Thiên – Huế nói chung và TP Huế nói riêng vẫn giữ được môi trường xanh, sạch, đẹp… đây chính là tiền đề để xây dựng thành phố wellness, không chỉ đơn thuần là các resort, khách sạn. Huế có thể trở thành điểm đến trên bản đồ thế giới về dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Địa phương này có tới 7 nguồn nước khoáng nóng, trong đó có 2 nguồn nước khoáng nóng và đã được khai thác, hình thành các khu nghỉ dưỡng phục vụ cho sức khỏe và du lịch như Khu nghỉ dưỡng Alba Wellness Valley by Fusion và Khu nghỉ dưỡng Kawara Mỹ An Onsen.

Ngoài ra, Huế là vùng đất có bề dày truyền thống về Đông y, hệ thống Tây y cũng phát triển với cơ sở vật chất tốt như Bệnh viện Trung ương Huế.

Các chuyên gia về du lịch nhận định diễn đàn du lịch Huế 2022 vừa diễn ra ở Huế đầu tháng 11 là “phát súng” đầu tiên, dù trước đó cũng có những đề án manh nha khởi động.

Du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe được du khách ưa chuộng. Ảnh: N.Q.

Diễn đàn đã đưa ra những định hướng cụ thể hơn về việc du lịch Huế sẽ phát triển theo hướng chăm sóc sức khỏe. Địa phương này sẽ dần được du khách biết đến là địa điểm du lịch chăm sóc sức khỏe bên cạnh những nơi nổi tiếng như Phuket, Bali…

Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, cơ sở du lịch, dịch vụ, Thừa Thiên – Huế đang có nhiều tiềm năng để đón đầu dòng khách nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe, một xu hướng đang rộ lên sau 2 năm cả thế giới phải đối mặt với Covid-19.

Ngành du lịch tỉnh đang chú trọng vào kế hoạch quảng bá các lợi thế này nhằm thu hút du khách trong giai đoạn bình thường mới và kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng dự án du lịch, trong đó có mảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo các mô hình thực sự đẳng cấp để tạo thương hiệu khác biệt cho hình thức du lịch này ở Thừa Thiên – Huế.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế, cho biết ngành du lịch tỉnh đang định hướng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe như một dòng sản phẩm bổ trợ cho sản phẩm du lịch di sản – văn hóa – lễ hội, nhằm tăng thêm sự hấp dẫn, sự mới mẻ của điểm đến địa phương.

“Ngành du lịch đang có ý tưởng sẽ vận động chính quyền và nhân dân TP Huế cùng các ban, ngành liên quan, phối hợp với các cơ sở nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tham gia hưởng ứng cuộc vận động đang thành trào lưu trên thế giới: “World Wellness Weekend” (Kỳ nghỉ cuối tuần chăm sóc sức khỏe toàn cầu), nhằm kích cầu du lịch gắn với loại hình ‘Wellness’ và thu hút lượng du khách quan tâm đến Huế để cùng tham gia hoat động này với cộng đồng địa phương”, ông Phúc chia sẻ.

Theo Điền Quang (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link