Bên cạnh sự phát triển, nhạc Việt năm qua vướng nhiều tranh cãi. Đáng lưu ý nhất là vấn đề bản quyền âm nhạc và ca từ, hình ảnh phản cảm, nhảm nhí.

Vpop đã trải qua một năm sôi động với hàng loạt sản phẩm âm nhạc được ra mắt và thuộc những thể loại khác nhau. Đây là sự phát triển đáng nhớ sau thời gian dài nghệ sĩ tạm dừng hoạt động vì ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, cùng sự phát triển là những tranh cãi không đáng có của thị trường nhạc Việt. Khi vấn đề bản quyền và ca từ vô nghĩa vẫn nổi cộm, Vpop phần nào gây thất vọng cho khán giả.

Ballad đã hết thời?

Nói về thị trường âm nhạc năm qua, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Cường đánh giá việc ra mắt nhiều sản phẩm là điều tích cực cho âm nhạc nước nhà. Theo nhạc sĩ, thời gian gần đây âm nhạc của các ca sĩ trẻ khá văn minh và cập nhật thời đại. Thị trường âm nhạc đã có sự đa dạng, nhiều ca khúc mang màu sắc mới giữ vị trí cao trên bảng xếp hạng bên cạnh thể loại quen thuộc như ballad, âm hưởng Canto pop hay bản nhạc nhẹ nhàng mang phong cách acoutics.

Trong 10 MV được xem nhiều nhất năm qua, Vì mẹ anh bắt chia tay của Miu Lê, Karik đứng đầu. Bài hát hiện đạt 57,7 triệu lượt nghe trên Zing MP3. Trước đó, Vì mẹ anh bắt chia tay đạt top 1 #zingchart real-time và 6 triệu lượt nghe trên Zing MP3 sau một tuần ra mắt.

MONO và Tăng Duy Tân được xem như hiện tượng âm nhạc năm qua. Waiting For You và Bên trên tầng lầu phủ sóng khắp mạng xã hội lẫn đời sống tinh thần của khán giả. Giai điệu của hai bài hát lẫn hình ảnh Mono, Tăng Duy Tân xuất hiện liên tục. Waiting For You mang âm hưởng city pop sôi động, bắt tai, trong khi Bên trên tầng lầu thuộc thể loại deep house – một nhánh của nhạc điện tử. Cả hai MV lọt top những sản phẩm có lượt xem cao nhất năm 2022, trong đó Waiting For You đứng thứ 2.

MONO và Tăng Duy Tân vượt mặt nhiều ca sĩ lâu năm để phủ sóng Vpop năm 2022.

Nhiều sản phẩm khác đạt thành tích tốt và được đón nhận, chẳng hạn Gieo quẻ, Có không giữ mất đừng tìm… Chúng đều có giai điệu thú vị, màu sắc mới mẻ so với Vpop.

Ballad vẫn chiếm thị phần không nhỏ và được một bộ phận nghệ sĩ, khán giả ưa chuộng. Tuy nhiên, nhìn vào thành tích của các ca khúc ballad trong năm qua, có thể thấy thể loại này không còn chiếm thế thượng tôn những năm trước đó. Một ngàn nỗi đau (Văn Mai Hương, Hứa Kim Tuyền) đạt 7,8 triệu lượt xem sau 5 tháng, Chúng ta làm bạn được không của Thiều Bảo Trâm đạt 3,7 triệu sau 5 tháng, Cứu vãn kịp không (Vương Anh Tú) đạt 6,5 triệu lượt… Những thành tích trên khá ổn so với mặt bằng chung nhưng chưa đủ bứt phá.

Ngày đầu tiên của Đức Phúc hay Yêu đương khó quá thì chạy về đây khóc với anh của Erik vẫn đạt lượt xem lớn. Tuy nhiên, khi sản phẩm ra mắt, nhiều khán giả nhận xét Đức Phúc và Erik lặp lại chính mình khi tiếp tục hát ballad. Cả hai đang an toàn thay vì tìm kiếm sự mới mẻ.

Những điều đáng tiếc

Bên cạnh sự đổi mới, Vpop vẫn còn những điều đáng tiếc, nổi cộm là vấn đề ca từ và tranh cãi bản quyền. Thời gian qua, hàng loạt ca khúc bị chỉ trích ca từ nhảm nhí, vô nghĩa. Một trong số đó là Ừ! Em xin lỗi của Hoàng Yến Chibi. Phần điệp khúc lặp đi lặp lại: “Anh muốn chia tay á, không dễ đâu anh” và “Sit down, Sit down, Sit down” khiến khán giả đặt câu hỏi ý nghĩa lẫn thông điệp của bài hát do Khắc Hưng sáng tác là gì.

Tất cả đứng im của Ngô Kiến Huy với câu hát: “Tất cả đứng im, không được nhúc nhích” hay 2, 3 Con mực với câu “2, 3 con mực. Anh yêu em cực” cũng vấp phải tranh cãi tương tự. Ngoài vấn đề ca từ, 2, 3 Con mực của Linh Thộn còn bị ẩn vì lấy beat không xin phép từ nhà sản xuất người Canada.

Chi Pu đã tạm dừng phát hành album sau khi hai MV Black Hickey và Sashimi bị chỉ trích dữ dội. Black Hickey được cho là gợi dục, cổ xúy ngoại tình nơi công sở. Trong khi đó Sashimi do Hứa Kim Tuyền sáng tác gây tranh cãi ca từ nhảm nhí, nhạy cảm, đầy tính ẩn dụ.

Khi tranh cãi nổ ra, ông Phạm Cao Thái – Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cho biết lãnh đạo Bộ đã nắm thông tin về các MV và trao đổi với Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly để xem xét, xử lý từng trường hợp cụ thể.

Chi Pu vốn có thể rút kinh nghiệm sau bài học của Bình Gold hay Sơn Tùng trước đó không lâu. Rapper Bình Gold ẩn tất cả MV bị chê nhảm nhí, phản cảm như Bốc bát họ, Ông bà già tao lo hết, Trơn, Quan hệ rộng, Lái máy bay. Trong khi đó, Sơn Tùng thậm chí bị xử phạt 70 triệu đồng vì There’s No One At All phát hành ngày 28/4 có nội dung tiêu cực.

Với Đi trong mùa hè của Đen, phần ca từ bị chỉ trích cổ xúy sự vũ phu của đàn ông đồng thời làm lệch lạc tinh thần chơi đẹp của thể thao. Sau tranh cãi, rapper xin lỗi và cho biết sẽ rút kinh nghiệm.

“Lời của bài hát, khi ngắt riêng từng đoạn, từng câu làm mọi người có thể hiểu khác đi ý nghĩa, thông điệp tôi muốn truyền tải, lan tỏa. Đây là điều đáng tiếc. Đen luôn trân trọng, biết ơn tất cả ý kiến đóng góp. Tôi xin ghi nhận tất cả ý kiến này để hoàn thiện hơn các tác phẩm sau này”, anh cho biết.

Tranh cãi muôn thuở về bản quyền

Theo trao đổi, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Cường nhận định: “Luật Sở hữu Trí tuệ càng chặt chẽ nên đương nhiên mọi vấn đề vi phạm bản quyền đều phải được xử lý. Việc sử dụng âm nhạc thuộc về chủ nhân tác phẩm để kinh doanh trên các nền tảng hoặc biểu diễn ở sân khấu mà có doanh thu nhưng lại chưa có văn bản hay thư từ xác nhận, đồng ý của các tác giả là điều đáng trách”.

Tuy nhiên, đến năm 2022, khi vấn đề bản quyền liên tục được nhấn mạnh trong âm nhạc, nhiều ca sĩ vẫn vướng tranh cãi. Không ít người trong số đó thậm chí có nhiều năm hoạt động.

Ngoài nội dung được cho là bạo lực, Ngôi sao cô đơn ra mắt tháng 7 của Jack bị chỉ trích đạo nhái. Sau khi nghe ca khúc, khán giả cho rằng âm nhạc giống Blinding Lights còn nội dung tương đồng cảnh phim Phi vụ triệu đô.

Tháng 9, quản lý của Tăng Duy Tân cho biết Uyên Linh chưa xin phép nhưng đã biểu diễn ca khúc Bên trên tầng lầu. Thông tin này khiến dư luận xôn xao. Sau đó, theo trao đổi, đại diện của Uyên Linh giải thích nữ ca sĩ chỉ hát ngẫu hứng vài câu theo yêu cầu của khán giả trong đêm nhạc. Tuy nhiên, đại diện của Uyên Linh đã liên hệ với quản lý Tăng Duy Tân để giải thích và tránh hiểu lầm không đáng có.

Ba tháng trước đó, ACV Entertainment – công ty nắm bản quyền ca khúc Ai chung tình được mãi – thông tin Đan Trường, Lệ Quyên và Tùng Dương biểu diễn bài hát khi chưa được sự đồng ý. Trong trường hợp của Tùng Dương, trách nhiệm thuộc về đơn vị tổ chức sự kiện bởi đây không phải đêm nhạc cá nhân của Divo.

Nhưng với Đan Trường và Lệ Quyên, họ là những ca sĩ kỳ cựu nên việc vướng tranh cãi bản quyền gây nhiều thất vọng. Khi đó, Đan Trường khẳng định đã đóng tiền bản quyền ca khúc Ai chung tình được mãi cho VCPMC.

Tuy nhiên, sóng gió chưa kịp qua đi, Đan Trường tiếp tục bị nhạc sĩ Nguyễn Đình Dũng tố sử dụng trái phép ca khúc Từng yêu suốt 2 năm. Sau những tranh cãi, Đan Trường lên tiếng xin lỗi đồng thời gỡ bản cover. Vụ việc ảnh hưởng khá lớn tuổi uy tín của nam ca sĩ.

Theo Minh Hạo (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link