Thời gian làm việc của các thần tượng Hàn Quốc có thể bị giới hạn. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới những nhóm nhạc có thành viên nhỏ tuổi.

Trong bài viết có tiêu đề “New Jeans và IVE sẽ bị hạn chế hoạt động. Thế giới âm nhạc run sợ với điều khoản của ‘Đạo luật Lee Seung Gi’” đăng ngày 16/5, tờ Ten Asia chỉ ra vấn đề đang khiến giới thần tượng Kpop lo ngại.

Theo đó, quốc hội Hàn Quốc đang bàn luận việc sửa đổi Đạo luật Công nghiệp Văn hóa và Nghệ thuật Đại chúng. Sửa đổi nhằm điều chỉnh giờ làm việc của các thần tượng, đặc biệt ca sĩ vị thành niên.

Đạo luật Lee Seung Gi

Danielle của nhóm nhạc nữ New Jeans năm nay 18 tuổi. Hai thành viên khác của nhóm là Haerin, Hyein lần lượt 17 và 15 tuổi. Em út của IVE, Lee Seo, 16 tuổi. Trong khi đó, hai em út của nhóm nhạc NMIXX, Le Sserafim là Kyu Jin, Eun Chae cũng đang ở tuổi 17. Tất cả họ đều được tự do ca hát vì không có hạn chế về giờ làm việc.

Thông thường, các thần tượng và công ty quản lý tự điều chỉnh lịch trình để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, sắp tới, các thần tượng trẻ như Haerin, Lee Seo, Kyu Jin… có thể bị giới hạn thời gian hoạt động vì luật biểu diễn đang được đưa ra thảo luận để sửa đổi. Và các công ty quản lý hiện rất lo ngại trước “Đạo luật Lee Seung Gi” đang được thảo luận tại quốc hội.

Điểm chính của sửa đổi là giới hạn số giờ làm việc của nghệ sĩ giải trí. Nghệ sĩ trên 15 tuổi được làm việc tối đa 35 giờ mỗi tuần. Độ tuổi từ 12 đến 15 được giới hạn trong 30 giờ làm việc mỗi tuần và trẻ em dưới 12 tuổi là 25 giờ mỗi tuần. Đó là quy định giới hạn giờ làm việc tương tự quy định 52 giờ một tuần đối với nhân viên văn phòng. Việc sửa đổi luật nhằm ngăn chặn các công ty giải trí đối xử bất công với những ca sĩ trực thuộc.

Ý kiến sửa đổi luật được đưa ra sau khi tranh cãi giữa Lee Seung Gi và công ty quản lý Hook Entertainment nổ ra. Sự việc làm bùng nổ những bàn tán xung quanh hợp đồng không công bằng giữa nghệ sĩ và công ty quản lý. Cụ thể, kể từ khi Lee Seung Gi gia nhập Hook Entertainment, anh đã không được trả thu nhập trong âm nhạc. Từ đó, vấn đề môi trường làm việc dành cho những người nổi tiếng được đưa ra bàn luận.

Và bản chất là ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc không công bằng. Trên thực tế, sau sự việc của Lee Seung Gi, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã tiến hành giám sát lao động đối với các công ty giải trí và những cơ quan khác. Kết quả thanh tra phát hiện 43 trường hợp không ký hợp đồng lao động, không sao kê lương, không thanh toán chế độ ngày nghỉ lễ.

Do đó, Lim Jong Seong – thành viên của Ủy ban Văn hóa và Thể thao của Quốc hội – đã đề xuất sửa đổi Đạo luật Phát triển Công nghiệp Văn hóa và Nghệ thuật Đại chúng.

Việc này đã làm nảy sinh những lo ngại từ lãnh đạo các công ty giải trí. Họ cho rằng dự thảo không phản ánh được tiếng nói của ngành giải trí hiện tại.

Giới âm nhạc Hàn Quốc bất bình

Bởi vậy, 5 tổ chức, bao gồm Hiệp hội quản lý Hàn Quốc, Hiệp hội các nhà sản xuất giải trí Hàn Quốc, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hàn Quốc, Hiệp hội ngành công nghiệp nhãn hiệu âm nhạc Hàn Quốc và Hiệp hội nội dung âm nhạc Hàn Quốc, đã đưa ra một tuyên bố chung vào ngày 16/5. Trọng tâm của tuyên bố là họ bày tỏ mối lo ngại ngành văn hóa đại chúng có thể xấu đi do việc sửa đổi luật.

Thành viên các hiệp hội chỉ ra việc sửa đổi luật có thể làm tổn hại đến sự tăng trưởng của ngành vì nó không phản ánh đúng thực tế. Hoạt động của các thần tượng sẽ bị hạn chế rất nhiều khi số giờ làm việc của họ ngày càng thu hẹp.

“Tôi rất vui nếu mọi thứ diễn ra theo luật. Tuy nhiên, các nhà lập pháp phải xem xét tác dụng phụ trước khi ban hành luật. Thế giới say mê Kpop. Kpop được xuất khẩu như một nội dung văn hóa Hàn Quốc và đóng vai trò quan trọng. Vụ việc hợp đồng không công bằng của cá nhân Lee Seung Gi đã lan sang vấn đề thể chế. Mục đích là tốt, nhưng nếu bỏ qua những yếu tố đặc trưng của ngành, nó chỉ có thể trở thành một điều luật tồi tệ”, một chuyên gia trong ngành âm nhạc nói với Ten Asia.

Kyu Jin và một số các thần tượng nhỏ tuổi và có thể bị giới hạn thời gian làm việc nếu sửa đổi luật được thông qua. Ảnh: JYP.

“Những hạn chế về giờ làm việc ở trên là không thực tế. Nếu sửa luật như hiện nay, vấn đề công bằng trong ngành nghệ thuật cũng khó được giải quyết triệt để. Việc sửa đổi luật mà không bàn bạc với những người làm việc trực tiếp trong ngành âm nhạc sẽ tạo nên hạn chế trong việc phát triển nền văn hóa đại chúng ra bên ngoài”, đại diện 5 hiệp hội bày tỏ trong thông cáo báo chí ngày 16/5.

Trên thực tế, hầu hết nhóm nhạc thần tượng đang dẫn đầu ngành công nghiệp âm nhạc đều bao gồm các thành viên nhỏ tuổi. New Jeans đã vươn lên hàng ngũ nhóm nhạc hàng đầu chỉ sau ít tháng ra mắt và một nửa trong số thành viên của nhóm chưa đủ tuổi thành niên.

Nếu luật sửa đổi được ban hành, họ lập tức phải đối mặt với những khó khăn trong các hoạt động giải trí. Ví dụ, thời gian làm thủ tục nhập cảnh, thời gian bay, chờ đợi, đi lại giữa các địa phương hoặc lưu diễn nước ngoài đều được coi là giờ làm việc. Đồng nghĩa họ gặp trở ngại lớn trong các hoạt động ở nước ngoài. IVE hay Le Sserafim, NMIXX… rơi vào tình huống tương tự.

Hệ thống đào tạo thần tượng của Kpop cũng có nhiều điểm bất cấp so với luật sửa đổi. Các thần tượng thường bắt đầu làm thực tập sinh ở độ tuổi thanh thiếu niên. Nếu luật sửa đổi được thông qua, thời gian luyện tập để trở thành thần tượng của các thực tập sinh sẽ bị giới hạn khoảng 25 giờ một tuần.

Do đó, dự luật đặt gánh nặng lên không chỉ những thần tượng khao khát được ra mắt mà cả các công ty giải trí, đặc biệt khi họ đầu tư số tiền lớn để đào tạo nhóm nhạc.

Theo Minh Hạo (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link