Tham vọng đưa nhạc Việt ra quốc tế của Sơn Tùng với single “Making My Way” rất đáng hoan nghênh, nhưng anh dường như đang lặp lại những gì Kpop từng làm và thất bại.
Sơn Tùng M-TP chưa bao giờ giấu giếm tham vọng đưa âm nhạc của mình tiến ra thị trường quốc tế. Từ khi phát hành single Chạy ngay đi, âm nhạc của anh đã có sự chuyển biến. Việc chịu ảnh hưởng của làn sóng Kpop được thay bằng những âm thanh trap, điện tử mang đậm màu US-UK.
Hãy trao cho anh lại là một bước tiến mới khi anh hợp tác với một trong những rapper hàng đầu xứ cờ hoa – Snoop Dogg. There’s No One At All là dấu ấn đậm nét nhất cho công cuộc Mỹ tiến của Sơn Tùng nhưng đáng tiếc single chưa gây được tiếng vang như mong đợi.
Quay trở lại trong năm nay với Making My Way, Sơn Tùng thay đổi khá nhiều trong chiến dịch tiếp cận khán giả. Tham vọng rất lớn nhưng thành quả có như Sơn Tùng mong đợi?
Mất đi bản sắc
Có thể thấy rõ Making My Way được xây dựng dựa trên những nhịp điệu của Moombahton/reggaeton rất thịnh hành ở thị trường âm nhạc Âu, Mỹ. Trước đây chất liệu này Justin Bieber sử dụng cho album Purpose đạt được rất nhiều thành công. Gần đây rapper Bad Bunny đạt liên tiếp những kỷ lục stream cũng có âm thanh này trong sản phẩm. Chính Sơn Tùng cũng từng sử dụng nhịp điệu reggaeton trong sản phẩm Hãy trao cho anh.
Tuy nhiên, nếu Hãy trao cho anh hay các sản phẩm thành công khác đều kết hợp nhịp điệu này với các giai điệu mạnh mẽ, hợp thời hơn như tropical house, future bass, thì cách dùng của Sơn Tùng trong Making my way hơi nhàm chán. Tiếng bass quá dày, đặc biệt là ở chorus (điệp khúc) đã lấn át chính giọng ca của anh. Điều đó phần nào làm giảm hiệu quả của đoạn hook (phần bắt tai, năng lượng nhất), không đạt được sự bắt tai như các sản phẩm âm nhạc trước đây của anh.
Từ trước đến nay, đoạn hook chính là điểm mạnh nhất trong các sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng. Khán giả có thể thường xuyên phàn nàn Sơn Tùng hát rất nhanh, lướt chữ khó nghe trong các verse, nhưng không thể phủ nhận khi đến chorus, anh hát các câu ngắn lặp đi lặp lại rất dễ nghe, rõ ràng và thu hút. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi kể từ There’s No One At All khi anh tự đặt giọng hát của mình chìm khuất phía dưới âm thanh rất sâu.
Ở There’s No One At All, dìm sâu giọng hát nhưng câu hook vẫn được Sơn Tùng lặp đi lặp lại liên tục. Do đó, ca khúc vẫn đạt hiệu quả bắt tai nhất định. Ở Making My Way, anh đã không làm như thế, mà thay vào đó là đoạn outro được xây dựng với lyrics và giai điệu riêng.
Đó không hẳn là tệ khi bài hát có phần sáng tác khá dày dặn và phát triển thú vị để người hâm mộ có thứ để khám phá qua nhiều lượt nghe. Tuy nhiên, đoạn hook ở đây chưa đủ mạnh để người nghe đại chúng có thể nhớ đến bài chỉ sau 1-2 lượt nghe như cách Sơn Tùng vẫn chinh phục khán giả từ trước đến nay.
Khả năng phát âm tiếng Anh của Sơn Tùng cũng chưa thực sự tốt. Do bài hát có tiết tấu nhanh, cộng với lối hát lướt chữ quen thuộc, anh làm mất khá nhiều âm đuôi ở các từ như alright, late, night…
Điều này không phải vấn đề quá lớn khi hát tiếng Việt nhưng lại khá tối kỵ trong tiếng Anh. Sơn Tùng đã cố gắng viết lời sao cho những chữ cuối câu rơi vào từ không cần âm đuôi phần nhiều, nhưng không thể tránh được 100%.
Có đang đi vào vết xe đổ?
Những bước đi dò dẫm mở đường của Sơn Tùng tại thị trường Âu, Mỹ rất giống với những gì Kpop đã làm vào khoảng 15 năm về trước. Khi đó, 2 ca sĩ solo đình đám bậc nhất Hàn Quốc thời đó là BoA và Se7en chính thức tuyên bố Mỹ tiến với các single được sản xuất bởi các nhà sản xuất Âu, Mỹ.
Họ hát hoàn toàn bằng tiếng Anh, sử dụng những chất liệu âm nhạc thịnh hành nhất tại US-UK thời điểm đó, thậm chí mời những tên tuổi đình đám tại Mỹ góp giọng (như Se7en kết hợp với Lil’ Kim trong Girls). Nhưng đáng tiếc, cả 2 đều nhanh chóng rút lui và hầu như không tạo được dấu ấn nào đáng kể.
Nguyên nhân của sự thất bại ấy, là chiến lược quá vội vàng khi chưa có được bước đệm vững chắc. BoA và Se7en dù là ngôi sao ở quê hương, nhưng hoàn toàn chưa được biết đến ở Âu, Mỹ. Nền âm nhạc Hàn Quốc khi đó còn rất non trẻ nếu so với US-UK hay thậm chí Nhật Bản.
Khi BoA và Se7en xuất hiện tại Mỹ, những điểm yếu được bộc lộ rõ ràng: Phát âm tiếng Anh chưa tốt, âm nhạc không có yếu tố đặc trưng, giống như biết bao bài hát US-UK khác vẫn được ra mắt mỗi ngày.
Chỉ sau khi PSY gây bão truyền thông với Gangnam Style, Kpop cũng bắt đầu có vị trí vững chắc, tạo dựng được chất liệu và âm thanh riêng. Lúc này, thành công mới bắt đầu đến với những giấc mơ Mỹ tiến của BTS, BlackPink ở hiện tại.
Họ không ngay lập tức vồ vập lấy thị trường Mỹ bằng âm thanh Mỹ, lyrics (ca từ) Mỹ, mà tạo dấu ấn, thiện cảm bằng chính màu sắc, chất liệu riêng. Khi phát hành những ca khúc thuần tiếng Anh, họ cũng nêm nếm chất liệu US-UK vừa đủ, không quá lấn át màu sắc cá nhân. Khán giả yêu thích BTS, BlackPink bởi họ là chính họ, chứ không phải một nghệ sĩ châu Á đang cố gắng trở thành một phần của nền công nghiệp âm nhạc US-UK.
Cách làm của Sơn Tùng hiện tại rất giống với những gì BoA và Se7en đã từng làm, gột bỏ đi hầu như toàn bộ bản sắc âm nhạc đã xây dựng trong nước để khoác lên mình lớp áo mới Âu – Mỹ hơn. Cũng rất khó cho Sơn Tùng bởi nền âm nhạc Vpop hiện tại còn non trẻ hơn cả Kpop vào thời điểm 15 năm trước, chưa đủ mạnh để hậu thuẫn cho Sơn Tùng, giúp anh có thể đi theo phương hướng của BTS hay BlackPink. Tuy nhiên, với tấm gương rõ nét, cơ hội thành công của Sơn Tùng ở thị trường quốc tế là chưa nhiều.
Đặc biệt, với một bài hát hầu như không còn quá nhiều dấu ấn của Sơn Tùng giai đoạn trước, anh chủ yếu đang mở đường cho chính mình tại thị trường nước ngoài mà thôi. Khán giả nước ngoài có thể nhớ đến Sơn Tùng với chất liệu âm nhạc đặc sệt Âu, Mỹ và yêu thích nó, nhưng chưa chắc đã đủ yêu thích để quan tâm đến Vpop. Lý do là những gì Sơn Tùng làm đang khác xa những thứ đang diễn ra tại nhạc Việt. Thậm chí, khán giả quốc tế chưa chắc đã đủ quan tâm để biết anh đến từ Việt Nam.
Making My Way vẫn là một ca khúc được sản xuất với chất lượng ổn, có phần mới lạ khi đặt vào bối cảnh của Vpop. Tuy nhiên, nếu là một ca khúc dành cho tham vọng lớn hơn của Sơn Tùng, bài hát bộc lộ nhiều điểm bất ổn. Với vị thế tại Vpop, Sơn Tùng có thể thoải mái thử nghiệm vẫn đạt thành công nhất định, nhưng vươn ra quốc tế là bài toán khó.
Theo Nam Trần (zing) – Ảnh: T.H