Khoảnh khắc gây tranh cãi trên sàn diễn cao cấp đã tạo ra một cuộc tranh luận nảy lửa về vấn đề bảo tồn động vật hoang dã và những điều đang chi phối ngành thời trang hiện đại.

Tại Tuần lễ thời trang cao cấp ở Paris (17-22/1), các người mẫu Irina Shayk, Naomi Campbell và Shalom Harlow đã lần lượt đi trên đường băng trong trang phục được trang trí bằng đầu sư tử, sói và báo của thương hiệu Schiaparelli.

Kylie Jenner cũng diện thiết kế gắn đầu sư tử tham dự show diễn. Các mô hình mô phỏng có kích thước thật được làm hoàn toàn từ xốp và nhà thiết kế Daniel Roseberry đã nhấn mạnh rằng “không có con vật nào bị hại” trong quá trình sáng tạo của mình, theo Independent.

Bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ bài thơ Inferno của nhà văn người Italy Dante, với những con vật nhằm mục đích nhắc nhở “không có thiên đường nếu không có địa ngục, không có niềm vui mà không có nỗi buồn, không có sự ngây ngất nào của sáng tạo mà không có sự tra tấn của nghi ngờ”.

Còn Schiaparelli giải thích việc sử dụng các bản sao động vật này là để “tôn vinh vẻ đẹp của thế giới tự nhiên”. “Báo, sư tử và sói – tương ứng đại diện cho dục vọng, lòng kiêu hãnh và sự hám lợi – tìm thấy hình hài ở đây trong những tác phẩm mô phỏng đầy ngoạn mục”.

Tuy nhiên bất chấp thông điệp là gì, những thiết kế này lại gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng, khi mọi người chỉ trích Schiaparelli ngầm khuyến khích việc săn bắn động vật hoang dã.

Theo Glamour, dù thiết kế đằng sau những tác phẩm này có ấn tượng, phức tạp và tinh tế đến đâu đi chăng nữa, với sức mạnh của hình ảnh và sự ảnh hưởng không thể phủ nhận của những hãng thời trang lớn, tác động đạo đức phải luôn được ưu tiên hơn tính thẩm mỹ.

Tranh cãi

Will Travers OBE, đồng sáng lập của Born Free, một tổ chức từ thiện quốc tế về động vật hoang dã có chiến dịch Keep Wildlife in the Wild, cho biết: “Bất cứ thứ gì làm mê hoặc, biến thành hàng hóa và tầm thường hóa sư tử, sói và báo tuyết, dù giả hay không, và việc miêu tả chúng như ‘chiến lợi phẩm đáng có’, theo quan điểm của Born Free, là sai lầm nghiêm trọng”.

Động vật hoang dã và thế giới tự nhiên, bao gồm một số loài mang tính biểu tượng nhất, đang bị đe dọa nghiêm trọng.

“Khi bộ phim Born Free được thực hiện vào năm 1964, với sự tham gia của cha tôi, Bill Travers MBE quá cố, và mẹ tôi, Dame Virginia McKenna DBE, có khoảng 200.000 con sư tử hoang dã trên khắp châu Phi. Bây giờ có thể chỉ còn khoảng 20.000. Không còn thời gian. Đây là cơ hội để chúng ta thể hiện sự quan tâm của mình bằng cách chấm dứt nạn săn bắn, cần bảo vệ động vật hoang dã trong tự nhiên và biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn”.

Ngược lại, Ingrid Newkirk không đồng ý với phản ứng dữ dội đối với bộ sưu tập mới của Schiaparelli. “Vẻ ngoài của Kylie tôn vinh vẻ đẹp của sư tử, và có thể là một tuyên bố chống lại hoạt động săn tìm chiến lợi phẩm, trong đó các gia đình sư tử bị chia cắt để thỏa mãn lòng tự trọng của con người”.

Khi được hỏi về mối quan tâm của nhiều người rằng bộ sưu tập này có thể khuyến khích săn bắn động vật với sự trở lại của xu hướng thời trang, Ingrid đưa ra quan điểm rằng mức độ giống thật của các thiết kế chứng tỏ rằng không cần sử dụng động vật thực sự để theo đuổi nghệ thuật.

“Giống như sự nổi lên của lông thú giả đã khiến việc mặc đồ làm từ lông động vật trở nên lỗi thời, những chiếc đầu thú giả siêu thực này cho thấy hoạt động săn bắn để lấy chiến lợi phẩm phải được đưa vào dĩ vãng và bất kỳ ai muốn trang trí tường nhà mình bằng đầu sư tử giờ đây có thể chọn những thiết kế sáng tạo, đẹp đẽ, đáng trân trọng này. Các thiết kế sáng tạo của Schiaparelli cho thấy động vật hoang dã cần được ngưỡng mộ chứ không phải bị tiêu diệt”.

Naomi Campbell diện trang phục gắn đầu sói. Ảnh: Shutterstock.

Nhưng câu hỏi cần đặt ra là liệu những thiết kế thời trang cao cấp được vẽ, điêu khắc hoàn toàn bằng tay này có khả thi khi sản xuất trên quy mô rộng hơn không?

“Bán linh hồn” cho mạng xã hội

Trong bài viết “Schiaparelli’s animal stunt only serves to prove one thing about modern fashion” trên Independent, tác giả Olivia Petter không chỉ bàn về vấn đề bảo tồn động vật, mà còn đặt câu hỏi rộng hơn: Điều gì đang chi phối ngành công nghiệp thời trang hiện đại? Liệu ngành thời trang có đang “bán linh hồn” của mình cho mạng xã hội hay không?

Việc đặt những chiếc đầu động vật khổng lồ lên quần áo là một ý tưởng đầy khiêu khích, sẵn sàng châm ngòi tranh cãi. Cũng giống như việc để Bella Hadid ngực trần và trình diễn váy phun sơn ngay trên sàn catwalk.

Một số người có thể nói rằng vai trò của thời trang trong văn hóa là gây sốc và sau đó là tạo ra những cuộc thảo luận. Nhưng cuộc thảo luận đó có giá trị như thế nào khi hầu như sau mỗi buổi diễn mọi người không còn nói về thời trang, hay thậm chí là nghệ thuật?

Khi bàn về show diễn của Schiaparelli, không ai thực sự đang nói tới Inferno. Mọi người cũng không phản ánh ý nghĩa của việc làm mờ ranh giới giữa cái thật và cái giả, như Roseberry khẳng định trong lời giới thiệu show diễn, hoặc bất kỳ tác phẩm thủ công tỉ mẩn nào khác mà nhà thiết kế này tạo ra trong bộ sưu tập.

Tất cả chỉ đang chia sẻ những bức ảnh về một con sư tử đã chết.

Tương tự như vậy, sau những tính toán của Coperni trong phần trình diễn của Hadid, không ai ngoài ngành nói về tính nghệ thuật tuyệt vời của chiếc váy phun sơn hay chất liệu đột phá đã được sử dụng để tạo ra trang phục.

Thay vào đó, mọi người chủ yếu nói về thân hình, sự uyển chuyển của Hadid. Tất cả được thể hiện dưới các clip ngắn trên TikTok.

Ngày nay, mạng xã hội đã tạo ra “văn hóa ăn liền”, nơi nhiều điều trở nên viral thông qua một clip 5-10 giây. Kylie Jenner đeo một con vật trên ngực có lẽ được đánh giá sẽ dễ lan truyền hơn một tác phẩm nghệ thuật trình diễn đẹp mắt.

Ngày nay, mạng xã hội đã tạo ra “văn hóa ăn liền”, nơi nhiều điều trở nên viral thông qua một clip 5-10 giây. Kylie Jenner đeo một con vật trên ngực có lẽ được đánh giá sẽ dễ lan truyền hơn một tác phẩm nghệ thuật trình diễn đẹp mắt.

Khi một thứ gì đó lan truyền, nó sẽ thu hút toàn bộ sự chú ý, nhưng cũng nhanh chóng trở thành “hàng dùng một lần” sau một đêm.

“Đáng buồn thay, đây là cách mà nhiều người trong chúng ta hiện nay tiêu thụ thời trang, và do đó, là cách các nhà thiết kế điều chỉnh show diễn của mình: Những khoảnh khắc nổi bật không yêu cầu ngữ cảnh để tạo tác động. Đó là thứ hoàn toàn tương phản với nghệ thuật, điều luôn đòi hỏi sự tập trung, kiểm tra, nghiên cứu. Nhưng có lẽ nhiều người không còn đủ kiên nhẫn với điều đó nữa”, Olivia Petter viết.

Theo Lê Vy (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link