Giống như các gia đình đa văn hóa khác ở Seoul, vợ chồng Song Joong Ki khó lòng nhận phúc lợi khi mua nhà ở hay cho con vào trường công lập.
Các hãng tin tức Hàn Quốc đã liệt kê một loạt phúc lợi mà những gia đình đa văn hóa như nam diễn viên Song Joong Ki và vợ của anh, diễn viên người Anh Katy Louise Saunders, sẽ đủ điều kiện nhận khi họ chào đón con đầu lòng vào năm nay.
Danh sách các phúc lợi bao gồm đặc quyền đơn giản như giảm giá hóa đơn điện thoại hàng tháng cho đến những lợi ích nhạy cảm hơn về mặt xã hội như ưu tiên trong xổ số nhà ở cộng đồng và đăng ký cho con vào trường công.
Điều này nhanh chóng gây ra sự phẫn nộ với người dân trong nước và sự bối rối cho cả các gia đình đa văn hóa.
Người Hàn Quốc gọi đó là “phân biệt đối xử ngược”, để lại những bình luận như “Xin hãy tập trung vào chính người dân của đất nước này”. Trong khi đó, các gia đình có vợ hoặc chồng là người nước ngoài thậm chí còn không hề biết đến chính sách phúc lợi dành cho mình, theo Korea JoongAng Daily.
Gia đình Song Joong Ki có nhận phúc lợi?
Song Joong Ki rất có thể sẽ không nộp đơn nhận bất kỳ phúc lợi đa văn hóa nào được liệt kê trong các bài báo, xét về thu nhập và địa vị của nam diễn viên.
Bộ Bình đẳng giới và Gia đình phụ trách các chính sách về gia đình đa văn hóa cũng không thể đưa ra câu trả lời dứt khoát, vì nhiều lợi ích không được cung cấp bởi cơ quan này.
Một số phúc lợi chỉ dành cho một vài thành phố, khu vực nhất định và cũng không giới hạn trong các gia đình đa văn hóa.
Ví dụ, phí hỗ trợ chăm sóc trẻ em mà một số trang tin báo cáo là lợi ích dành riêng cho các gia đình đa văn hóa, thực tế được cung cấp cho tất cả các gia đình Hàn Quốc gửi con từ 5 tuổi trở xuống ở nhà trẻ.
Trước đây, trợ cấp khi kết hôn với người nước ngoài, vé máy bay cho vợ/chồng nước ngoài hồi hương, phí hỗ trợ y tế, giảm giá hóa đơn điện thoại hàng tháng và các khoản vay dài hạn, lãi suất thấp có thể đã được cung cấp bởi các doanh nghiệp tư nhân và chính quyền địa phương. Nhưng ngày nay, các chính sách này hầu như không còn tồn tại, đặc biệt là ở khu vực Seoul.
Con em của các gia đình đa văn hóa được ưu tiên nhất định khi vào các trường mẫu giáo và nhà trẻ công lập, nhưng còn phải tính đến nhiều yếu tố khác (như mức thu nhập).
Xổ số nhà đất cũng tương tự. Khoảng 10% số nhà ở ưu đãi không chỉ dành cho các hộ gia đình đa văn hóa, mà còn cho nhiều đối tượng khác như những người có thu nhập thấp, cựu chiến binh và người tàn tật.
Kim Myeong Ok từ bộ phận gia đình đa văn hóa của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho biết: “Nhiều lợi ích được liệt kê thực tế dành cho những người kém may mắn trong xã hội, có thể bao gồm các gia đình đa văn hóa nhưng không nhất thiết phải luôn như vậy”.
Còn Cha Yoon Kyung, giáo sư danh dự của Khoa Giáo dục Đại học Hanyang và cựu Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Đa văn hóa Hàn Quốc, nhận định: “Các gia đình đa văn hóa từng được coi là nhóm thiểu số trong xã hội và chính sách của nhà nước chủ yếu được hình thành để giúp đỡ những người này, nhưng ngày nay, phạm vi của từ ‘đa văn hóa’ đã được mở rộng, cả về số lượng và sự đa dạng.
Chỉ vì ai đó là thành viên của một gia đình đa văn hóa, điều đó không có nghĩa là người đó nghèo hoặc cần sự hỗ trợ của chính phủ, giống như Song Joong Ki. Xã hội Hàn Quốc không còn nên vạch ra ranh giới giữa ‘gia đình Hàn Quốc’ và ‘gia đình đa văn hóa’ khi cung cấp phúc lợi”.
Khó khăn
Theo giáo sư Cha, Hàn Quốc là một trong số ít, nếu không muốn nói là quốc gia phát triển duy nhất, vẫn định nghĩa về “gia đình đa văn hóa”.
Gia đình đa văn hóa theo Đạo luật hỗ trợ gia đình đa văn hóa là hộ có vợ hoặc chồng mang quốc tịch nước ngoài hoặc đã nhập quốc tịch Hàn Quốc. Mục đích như đã nêu trong đạo luật là “hỗ trợ thích nghi sớm, định cư ổn định cho các gia đình đa văn hóa” và “thúc đẩy hôn nhân quốc tế lành mạnh, nâng cao khả năng tiếp thu đa văn hóa của xã hội Hàn Quốc”.
Choi Yoo Jeong, nhà nghiên cứu của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, nói rằng định nghĩa có hiệu lực vào năm 2018, thời điểm mà Hàn Quốc bắt đầu nhận ra tương lai đất nước không còn quá đồng nhất về sắc tộc nữa.
Các chính sách của chính phủ về gia đình đa văn hóa xuất hiện vào những năm 1990 và tập trung vào phụ nữ nước ngoài, chủ yếu là người Đông Nam Á, lấy chồng ở khu vực nông thôn.
Kể từ đó, Hàn Quốc đã trải qua một sự thay đổi lớn về nhân khẩu học với số lượng các gia đình đa văn hóa tăng gấp 4 lần. Năm 2021, Dịch vụ Thông tin Thống kê Hàn Quốc báo cáo rằng có 1.119 triệu người là thành viên của gia đình đa văn hóa.
Các gia đình đa văn hóa được xem là một phần quan trọng của tương lai Hàn Quốc, trong bối cảnh tỷ lệ sinh ngày càng giảm.
Tuy nhiên, các nghiên cứu của chính phủ cho thấy vẫn có những khó khăn riêng đối với những gia đình đa văn hóa. Bài báo về Song Joong Ki làm sáng tỏ vấn đề cấp bách: tư tưởng bài ngoại.
Theo nghiên cứu đo lường mức độ chấp nhận đa văn hóa vào năm 2021, người trưởng thành Hàn Quốc đạt 52,27/100 điểm, thấp hơn 0,54 điểm so với lần nghiên cứu trước được thực hiện vào năm 2018.
Theo báo cáo, tình trạng phân biệt đối xử, đặc biệt là tại nơi làm việc, vẫn còn rất phổ biến. Các gia đình đa văn hóa có thu nhập trung bình thấp hơn so với những người Hàn Quốc khác, mặc dù con số này vẫn tăng lên hàng năm.
Theo Lê Vy (zing) – Ảnh: T.H