Nằm trong chuỗi sự kiện thuộc Lễ Hội Sen Đồng Tháp lần thứ 1 năm 2022. Sáng ngày 20 tháng 5, tại Hội trường UBND Tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long lần thứ 2 năm 2022 với chủ đề “Hợp tác và hành động”. Tập trung chuyên sâu nội dung “nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM trong bối cảnh mới”.
Đến dự hội thảo, về phía lãnh đạo Trung Ương có sự tham gia của Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam. Về phía Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, có sự hiện diện của Ông Lê Quốc Phong, UVTW Đảng – Bí thư Tỉnh uỷ, ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh, ông Đoàn Tấn Bửu – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cùng các Đại diện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành Tỉnh…
Tại Hội thảo ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Tháp đã chia sẻ: “Diễn đàn lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển du lịch địa phương. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, liên kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là của TP.HCM và các địa phương bạn trong vùng ĐBSCL. Đồng Tháp cam kết sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho cơ chế liên kết hợp tác phát triển du lịch liên vùng ngày càng bền chặt, hiệu quả. Trong những ngày, Đồng Tháp đang rộn ràng với chuỗi hoạt động của Lễ hội Sen lần thứ nhất, chào mừng sinh nhật Bác hồ kính yêu. Chúng tôi trân trọng kính mời quý đại biểu dành thời gian tham gia Lễ hội, trải nghiệm tình đất, tình người Đồng Tháp.”
Từ năm 2019, các chương trình liên kết du lịch TP.HCM và những vùng trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi và hiệu quả, lan tỏa đến cộng đồng và doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và ĐBSCL đã trở thành điểm sáng, luôn được đánh giá cao, đã góp phần lớn truyền cảm hứng trong phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo của TP.HCM và các tỉnh. Nhằm Kế thừa, phát huy các kết quả đạt được của Diễn đàn lần thứ nhất năm 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung khai thác thế mạnh du lịch gắn với nông nghiệp của từng địa phương, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, mở rộng không gian, hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng; hoàn thiện các chương trình du lịch đặc trưng kết nối các tuyến, điểm du lịch của TP.HCM và 13 tỉnh Đồng Bẳng Sông Cửu Long.
Trong những năm trở lại đây, du lịch nông nghiệp ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bên cạnh việc góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp thúc đẩy hội nhập kinh tế, xuất khẩu tại chỗ và xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại.
Năm nay với 22 bài tham luận đến từ nhiều đơn vị đã nêu bật lên tầm quan trọng của việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các tỉnh thành tham gia. Du lịch nông nghiệp là mô hình được nhiều nước trên thế giới đã thực hiện và mang lại thành công nhất định. Mô hình này giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành Nông nghiệp và Du lịch đồng thời mang lại nguồn lợi về kinh tế song song với việc sản xuất nông nghiệp cơ bản.
Du lịch nông nghiệp trên thế giới thật sự đã có những bước tiến vượt bậc, bên cạnh việc mang lại những lợi ích kinh tế, loại hình du lịch này còn góp phần giới thiệu những đặc trưng văn hóa mỗi vùng, miền, mỗi quốc gia ra thế giới, qua đó xây dựng thương hiệu du lịch, nâng cao nhận biết về hình ảnh, vị thế cho quốc gia, dân tộc.
Ở Việt Nam hiện nay, du lịch nông nghiệp đã và đang dần trở thành một xu hướng mới, một loại hình trải nghiệm mới lạ bên cạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện du lịch thể thao biển, du lịch văn hóa tâm linh, khám phá… Cùng với đó, hoạt động du lịch gắn với tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức của con người về bảo vệ thiên nhiên, môi trường và trải nghiệm cuộc sống gắn bó với tự nhiên, với sản xuất nông nghiệp, nhất là ở những địa bàn nông thôn thuần túy gắn với bản sắc văn hóa bản địa ngày càng trở nên hấp dẫn và cần thiết đối với việc lan toả thông điệp về nguồn tới giới trẻ hiện nay. Đây cũng là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên trước những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, tác động của quá trình toàn cầu hóa, cũng như những tác động về văn hoá truyền thống dân tộc… do vậy, du lịch nông nghiệp cần được tập trung “hợp tác và hành động” đúng với chủ đề của Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long lần thứ 2 năm 2022 nhằm lan tỏa mạnh mẽ và có thêm nhiều động lực phát triển trong thời gian tới tại TP.HCM cùng 12 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung và riêng Đồng Tháp “Đất Sen Hồng” nói riêng.
Ảnh: Lê Kim Hưng
Thể Thao Văn Hoá – Sài Gòn Thể Thao