Trong khí thế thắng lợi của Đoàn Thể thao TP.HCM tại Đại hội Thể thao Toàn quốc lần thứ IX – 2022 với 128 huy chương vàng, 119 huy chương bạc và 138 huy chương đồng, khi các vận động viên Thành phố bước lên sàn đấu và giành vinh quang, thì ở hậu cứ công việc của các y, bác sĩ, nhân viên y tế cũng khó khăn, vất vả và phức tạp không kém.

Các ‘chiến binh’ blouse trắng – Những con người đóng góp thầm lặng cho thành công thể thao thành phố

Có thể nói TP. Hồ Chí Minh là đoàn thể thao duy nhất thành lập Tiểu ban Y tế Đại hội để chăm sóc sức khoẻ, bệnh lý và phòng chống Doping, xử trí chấn thương cho vận động viên tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần IX – 2022. Với 22 thành viên là các nhà chuyên môn y học thể thao, các y bác sĩ, lương y, kỹ thuật viên, điều dưỡng được quy tụ từ các đơn vị: Phòng Khoa học và Y học Thể thao, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện 115, Trung tâm TDTT Hoa Lư, Phú Thọ…

Để có được những thành công của các VĐV tại Đại hội TDTT của thể thao thành phố là sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế

Tiểu ban Y tế đã triển khai các công việc chăm sóc y tế và cử các cán bộ y tế phụ trách các đội thể thao trong suốt quá trình tập huấn và thi đấu tại Đại hội lần này. TS. Lý Đại Nghĩa – Trưởng tiểu ban Y tế cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là:

  • Kiểm soát an toàn dịch tễ, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên Đoàn thể thao Thành phố tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022;
  • Chăm sóc sức khỏe, xử lý sơ cứu chấn thương, hồi phục chấn thương cho vận động viên trong suốt quá trình diễn ra Đại hội;
  • Tư vấn dinh dưỡng, hướng dẫn phòng chống doping, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cho VĐV trong suốt quá trình tham dự giải.
  • Xây dựng và triển khai các phương án xử trí phòng dịch Covid-19 cho Đoàn Thể thao Thành phố”.

Trong giai đoạn tập huấn 3 tháng trước Đại hội, Tiểu ban y tế đã phân công cán bộ y tế theo dõi tình hình sức khỏe VĐV trong quá trình tập luyện và thi đấu. Kiểm tra giám định huấn luyện. Phòng ngừa chấn thương. Điều trị, hồi phục cho VĐV sau chấn thương. Kiểm soát quá trình sử dụng thuốc, hướng dẫn phòng chống doping. Hướng dẫn, tổ chức kiểm tra sức khỏe cho toàn thể vận động viên thi đấu Đại hội.

Quấn tay để hạn chế chấn thương dành cho VĐV trước khi tham gia thi đấu

TS. Lý Đại Nghĩa chia sẻ: “Trong giai đoạn thi đấu từ 22/11 đến 20/12/2022, Đoàn Thành phố với hơn 1.500 thành viên (cán bộ, HLV, VĐV) tham dự Đại hội, như vậy với đội ngũ y tế 22 thành viên thì trung bình 1 cán bộ y tế phụ trách chăm sóc sức khoẻ cho 70 người. Khối lượng công việc khá lớn trong bối cảnh khí hậu ở miền Bắc giai đoạn này dễ phát sinh các bệnh lý do thời tiết (cảm cúm, dị ứng, viêm hô hấp, phế quản… kể cả tiêu hoá). Tiểu ban Y tế chúng tôi tổ chức 3 cụm y tế chính tại Quảng Ninh (phục vụ hơn 15 môn thể thao) do ThS. Phạm Thanh Nghị phụ trách, tại Hà Nội (hơn 10 môn thể thao) do BS. Trần Quang Trình phụ trách và tại Hải Phòng (hơn 8 môn thể thao) do BS. Nguyễn Viết Thịnh phụ trách. Ngoài ra, Tiểu ban Y tế cũng phân công các y, bác sĩ phụ trách từng đội thể thao có nguy cơ chấn thương cao và các môn thi đấu ở các tỉnh khác”.

Dung hòa sức khỏe gữa VĐV và nhiệm vụ chỉ tiêu thành tích

TS. Nghĩa chia sẻ: “Trách nhiệm của HLV là chỉ đạo VĐV thi đấu và đạt thành tích cao nhất, trong khi đó trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ tiên quyết nhất, ưu tiên nhất vẫn là sức khoẻ và sự an toàn cho vận động viên. Do vậy, trong quá trình công tác, chúng tôi buộc phải “dung hòa” cả hai mục tiêu quan trọng này. Nhiều trường hợp VĐV chấn thương nặng, bác sĩ khám lâm sàng khuyến nghị phải dừng thi đấu như trường hợp VĐV V.H.A. tổn thương, thoát vị đĩa đệm, trong khi VĐV này là thành viên quan trọng trong đội hình chính ở trận chung kết. Sau khi trao đổi hiện trạng, tư vấn cho VĐV và nhận được sự quyết tâm thi đấu của em, chúng tôi đã hội ý nhanh lãnh đạo tiểu ban để quyết định phương án xử trí, phác đồ điều trị và điều động kỹ thuật viên “taping” nhiều kinh nghiệm từ Quảng Ninh về khẩn cấp tại Hải Phòng để hỗ trợ taping (băng dán cố định thể thao) giúp VĐV thi đấu hoàn thành xuất sắc bài thi ở trận chung kết này. Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi, điều trị và hồi phục cho các VĐV chấn thương cả sau khi Đại hội kết thúc”.

Các VĐV được bác sĩ hỗ trợ hồi phục thể lực sau những phút giây thi đấu căng thẳng tại Đại hội TDTT Toàn Quốc lần thứ IX – 2022

Chấn thương thể thao luôn là vấn đề nhức nhối trong thi đấu thể thao thành tích cao, chấn thương thể thao không chỉ cướp đi những năng khiếu, tài năng thể thao mà còn để lại di chứng về sức khoẻ trong suốt cuộc đời còn lại của VĐV. Việc quan tâm chăm sóc sức khoẻ cho VĐV là công tác quan trọng và cấp thiết trong sự phát triển thể thao nước nhà trong giai đoạn hiện nay.

Một số khoảnh khắc chăm sóc của đội ngũ bác sĩ tại Đại hội TDTT lần này

G.Huân

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link