Một số nơi trên thế giới rất khắc nghiệt, cư dân địa phương phải sống trong sự đe dọa của cả các yếu tố tự nhiên và nhân tạo.
Sa mạc Danakil, Ethiopia: Cảnh quan sa mạc Danakil trông giống như hành tinh khác với núi lửa, hồ dung nham, suối nước nóng và mạch nước phun bốc hơi lên từ lòng đất. Đây là một trong những nơi nóng và khắc nghiệt nhất trên thế giới. Mặc dù vậy, những người khai thác muối ở Danakil vẫn sinh sống gần khu vực này. Ảnh: Lafforgue.
Hồ Nyos, Cameroon được biết đến là một địa điểm “chết chóc” do hoạt động núi lửa dưới bề mặt hồ. Magma bên dưới hồ giải phóng carbon dioxide, từ từ lọc qua nước. Hồ nước này là nơi xảy ra thảm họa thiên nhiên kinh hoàng vào năm 1986, dẫn đến cái chết của hơn 1.700 người. Người ta nghi ngờ rằng một trận lở đất hoặc động đất đã gây ra sự giải phóng đột ngột đám mây carbon dioxide, giáng xuống khu vực xung quanh và khiến cư dân ngạt thở. Ảnh: Thierry Orban.
Vanuatu, Nam Thái Bình Dương: Vanuatu có cảnh quan tuyệt đẹp như một thiên đường nghỉ dưỡng tuy nhiên quốc đảo nhỏ bé này là một trong những khu vực có nguy cơ xảy ra thảm họa thiên nhiên cao nhất thế giới. Người dân địa phương thường xuyên phải trải qua các trận động đất, bão, phun trào núi lửa và sóng thần. Ảnh: Rare-gallery.
Biển Aral, Trung Á: Nằm giữa Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan, biển Aral từng là một hồ nước rộng lớn nhưng đã bị cạn kiệt nhanh chóng kể từ những năm 1960, sau khi các dự án thủy lợi của Liên Xô chuyển hướng nước. Kết quả là nơi này trở thành một trong những thảm họa sinh thái nghiêm trọng nhất trong thời gian gần đây. Thuốc trừ sâu và các hóa chất nông nghiệp khác từ vùng đất xung quanh cũng làm ô nhiễm hồ. Các hạt bụi ô nhiễm từ hồ nước cạn kiệt trở thành mối nguy hiểm cho sức khỏe cư dân gần đó. Ảnh: Shutterstock.
Đảo Vozrozhdeniya, biển Aral: Tại biển Aral có một địa điểm thậm chí còn nguy hiểm hơn. Đảo Vozrozhdeniya giữa hồ từng được Liên Xô sử dụng để thử nghiệm vũ khí sinh học. Căn cứ vẫn đang hoạt động dù có một loạt vụ tai nạn đã xảy ra. Một số vũ khí sinh học được cho là đã được cất giữ ở đây, bao gồm cả bào tử bệnh than và bệnh dịch hạch. Ảnh: iStock.
Norilsk, Nga: Norlisk là nơi sinh sống của 177.000 cư dân và tuổi thọ trung bình của họ được khảo sát là thấp hơn 10 năm so với phần còn lại của dân số Nga. Việc nấu chảy quặng niken là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở thành phố độc hại này. Một lượng khí thải được giải phóng vào không khí, gây ra mưa axit và sương mù. Ảnh: Slava Stepanov.
Hồ Natron, Tanzania: Hồ nước ở Đông Phi này trông như ở trên sao Hỏa. Nước của hồ chứa đầy khoáng chất và tốc độ bay hơi cao, điều này cho thấy nước có tính kiềm rất cao. Hồ được nuôi dưỡng bởi các suối nước nóng tự nhiên và nước có thể đạt tới 60 độ C, có thể làm bỏng da. Các hóa chất tự nhiên trong nước cũng có thể ướp xác những sinh vật chết trên hồ và để lại hóa thạch kỳ lạ. Ảnh: Shutterstock.
Centralia, Mỹ: Ngày nay Centralia ở Pennsylvania trở thành một thị trấn hoang vắng, sau khi hứng chịu thảm họa nghiêm trọng vào năm 1962. Một đám cháy bãi rác lan sang các mỏ than bên dưới thị trấn khiến mọi nỗ lực dập lửa đều thất bại và ngọn lửa vẫn tiếp tục âm ỉ. Các hố sụt thải ra những luồng carbon dioxide độc hại nóng bỏng bắt đầu mở ra khắp thị trấn. Vào những năm 1980, chính phủ đã mua lại đất và di dời những người dân của Centralia đến nơi khác. Ảnh: Pinterest.
Pripyat, Ukraine: Thảm họa Chernobyl năm 1986 được coi là sự cố hạt nhân thảm khốc nhất trong lịch sử. Một vụ nổ lò phản ứng hạt nhân khiến người dân toàn thị trấn Pripyat lân cận phải sơ tán ngay lập tức. Đến nay, mức độ phóng xạ ở đây vẫn rất cao và thị trấn vẫn không phải là nơi có thể ở được mà chỉ nên đến thăm trong thời gian ngắn. Ảnh: Jorge Franganillo.
Thung lũng chết, Mỹ: Thung lũng ở California giữ kỷ lục về nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trên thế giới. Nhiệt độ ở sa mạc này thường vượt quá 50 độ C vào mùa hè. Đây cũng là điểm sâu nhất Bắc Mỹ với độ sâu 86 m dưới mực nước biển. Ảnh: Cat Connor.
Dzerzhinsk, Nga: Sản xuất hóa chất và sinh học trong thời kỳ Xô Viết đã dẫn đến ô nhiễm trên diện rộng ở Dzerzhinsk và khu vực xung quanh. Theo một số nguồn tin, dân số địa phương có tuổi thọ chỉ 47 tuổi. Một hồ nước ở thành phố được gọi là “hố đen” và là một trong những vùng nước ô nhiễm nhất trên thế giới. Một lượng đáng kể chất thải hóa học đã được đổ vào hồ và chỉ cần ở gần nơi này cũng có hại cho sức khỏe con người. Ảnh: iStock.
Theo An Ngọc (zing) – Ảnh: T.H