Trong nền ẩm thực Trung Quốc, ớt là một trong những gia vị không thể thiếu trong đa số các món ăn.
Ẩm thực Tứ Xuyên là nơi ra đời những món cay làm tê đầu lưỡi của thực khách. Ảnh: May Tse.
Tục ngữ Trung Quốc có câu “Người Tứ Xuyên không sợ cay, người Hồ Nam cay không sợ, người Quý Châu sợ không cay”. Qua đó có thể thấy người dân đất nước tỷ dân này yêu thích các món cay đến mức nào.
Ẩm thực Tứ Xuyên (Chuan cai) là một trong “tứ đại ẩm thực truyền thống của Trung Quốc”, cùng với ẩm thực ở Sơn Đông, Giang Tô và Quảng Đông.
Theo SCMP, tỉnh Tứ Xuyên, nằm ở phía tây nam Trung Quốc, có địa hình gồm một lưu vực sông lớn và nhiều dãy núi. Những đặc điểm này đã hình thành khí hậu ẩm ướt, rất thích hợp cho nông nghiệp.
Được mệnh danh “vùng đất trù phú”, Tứ Xuyên được thiên nhiên ưu đãi với các nguyên liệu đa dạng và khác biệt. Nổi bật nhất là hạt tiêu Tứ Xuyên, loại gia vị được sử dụng phổ biến trong ẩm thực nơi đây.
Theo tác giả Ashlyn Chak, lý do người dân ăn cay nhiều nằm ở điều kiện khí hậu. Tứ Xuyến vốn là vùng ẩm ướt, lạnh giá quanh năm. Trong y học Trung Quốc, khí hậu ẩm ướt được coi là không tốt cho sức khỏe.
Vì vậy, để chống chọi với độ ẩm cao và cái lạnh thấu xương, người dân Tứ Xuyên phải sử dụng nhiều ớt và hạt tiêu vào các món ăn của mình.
Thực chất ớt không có nguồn gốc từ châu Á. Chúng được du nhập từ châu Mỹ vào thế kỷ 15, khi được các thương lái mang sang thông qua các hoạt động thương mại.
Ban đầu, các món cay từ ớt chỉ dành cho những người nông dân nghèo ở vùng tây nam Trung Quốc. Ảnh: Chilli Fagara.
Theo ông Cao Yu, giảng viên tại ĐH Tế Nam (Sơn Đông, Trung Quốc), phải mất 50 năm, ớt mới bắt đầu được đưa vào ẩm thực địa phương.
Tuy ớt được du nhập thông qua đường biển, gia vị này lại bắt đầu nổi tiếng ở đất liền, tại tỉnh Quý Châu xa xôi, nghèo khó.
Ở đó, người dân không thể sản xuất ra muối và thuế muối của triều đình lại quá cao. Họ bắt đầu sử dụng ớt như một cách để tăng hương vị cho món ăn. Từ đó ớt trở thành loại gia vị được ưa chuộng trong vùng.
Độ phổ biến của ớt ngày càng tăng dần lên. Phần đông những người nông dân nghèo ở Tây Nam Trung Quốc đều sử dụng ớt trong món ăn của mình.
Trong khi đó, ông Cao cho biết tầng lớp quý tộc và triều đình lại phản đối việc thêm ớt vào món ăn. Với họ, chúng là một loại thực phẩm thô và không tốt cho sức khỏe.
Ớt vẫn bị cấm trong ẩm thực của tầng lớp thượng lưu, ngay cả sau khi nhà Thanh sụp đổ.
“Các món cay từ ớt vẫn chưa được biết đến rộng rãi mãi cho đến những năm 1990, khi dòng người bắt đầu di cư từ nông thôn lên thành thị. Từ đó các món cay được phổ biến khắp cả nước”, ông Cao giải thích thêm.
Theo trang Six Tone, giờ đây, ớt đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong văn hóa ăn uống của người Trung Quốc.
Không chỉ xuất hiện ở các nhà hàng truyền thống, ớt cay còn được chế biến trong các món ăn tại các cửa hàng tiện lợi và các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh.
Trong những năm đầu hoạt động tại Trung Quốc, McDonald’s tập trung bán những sản phẩm mà họ đã thành công tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên nó lại không hợp khẩu vị của người dân địa phương. Theo thời gian, hãng thức ăn nhanh nổi tiếng này phải “nhập gia tùy tục” để phù hợp với thị trường Trung Quốc.
Điển hình cho việc đó là sự ra đời của món Spicy McWings (cánh gà chiên cay). Nó được đánh giá có thể đạt tới 1.000 đơn vị nhiệt Scoville, cay hơn một số loại lẩu ở Tứ Xuyên.
Thành phố Trùng Khánh nổi tiếng với món lẩu cay đầy ớt và hạt tiêu. Trước đây, nơi này từng là thủ đô tạm thời của Trung Quốc trong Thế chiến 2.
Để tránh những đợt không khích, chính quyền lúc bây giờ đã xây dựng những hầm trú ẩn trong núi cho người dân.
Ăn lẩu cay trong hầm trú ẩn là một trải nghiệm nên thử khi ghé thăm thành phố Trùng Khánh. Ảnh: Benjamin Williams.
Theo AP, ngày nay, các hầm trú ẩn trở thành các nhà hàng lẩu, nơi có nhiệt độ mát mẻ nhờ có gió tự nhiên. Người dân địa phương gọi nó là “lẩu hang động”.
Bên trong các nhà hàng, bàn ghế xếp thành một đường men theo lối hành lang. Không gian quán được trang trí bằng những hình vẽ của các máy bay chiến đấu.
Thực khách tự bỏ lòng bò, thịt, cá và rau vào nước dùng đang sôi đầy ớt đỏ và hạt tiêu Tứ Xuyên cay nồng.
“Chúng tôi tránh cái nóng mùa hè trong những hầm tránh bom này,” Tang Rong Gang, một thực khách, chia sẻ với AP. “Ở đây khá mát mẻ, là một nơi lý tưởng để ở trong mùa hè”, anh Rong cho biết.
Theo Gia Nghi (zing) – Ảnh: T.H