Nếu bạn muốn chuyển giờ ngủ lên sớm hơn, bạn nên ngủ trưa không quá 30 phút, tắt đèn, tắt điện thoại di động khi vào giường.

Chất lượng giấc ngủ kém có liên quan tới giờ giấc đi ngủ của bạn. Ảnh: Pinterest
Chất lượng giấc ngủ kém có liên quan tới giờ giấc đi ngủ của bạn. Ảnh: Pinterest

Đi ngủ sớm và dậy sớm được coi là một trong những dấu hiệu của một cuộc sống khỏe mạnh. Ngược lại, những người đi ngủ muộn và dậy muộn khó đảm bảo chất lượng giấc ngủ như những người đi ngủ sớm. Đồng thời, họ dễ cảm thấy mệt mỏi hơn vào ban ngày, dễ bị trầm cảm.

Nhiều người hay ngủ muộn muốn thay đổi thói quen. Tuy nhiên điều này không dễ vì chu kỳ giấc ngủ của chúng ta có tính lặp lại, thay đổi ngay không thể là chuyện ngày một ngày hai. Nhưng chỉ cần bạn muốn thay đổi, vẫn có phương pháp để ngủ sớm hơn như dưới đây.

1. Tạo thói quen đi ngủ vào một giờ cố định

Một số người đã nghe nói về phương pháp này, nhưng không nhiều người thực sự làm điều đó. Nếu mỗi ngày bạn đi ngủ vào một giờ cố định, đồng hồ sinh học sẽ từ từ thay đổi, khi gần đến giờ, cơ thể cảm thấy buồn ngủ.

Đồng thời, bạn cũng có thể duy trì giờ ngủ cố định bằng cách tạo thói quen làm sẵn các việc như đánh răng, rửa mặt, tắm rửa… khi đến giờ sắp đi ngủ và báo hiệu cơ thể đã sẵn sàng để nghỉ ngơi.

2. Tắt đèn, tắt điện thoại di động, để phòng ngủ tối

Ánh sáng có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của chúng ta. Khi môi trường tối, cơ thể sẽ muốn ngủ. Nhưng nhiều người đi ngủ muộn sẽ chơi điện thoại di động và xem máy tính. Các thiết bị điện tử này phát ra ánh sáng xanh, ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học và làm chậm quá trình đi vào giấc ngủ. Do đó, nếu bạn muốn đi ngủ sớm, hãy cố gắng đừng nằm trên giường và nghịch điện thoại di động.

3. Không chợp mắt quá lâu

Chợp mắt vào buổi trưa thực sự có thể giúp con người hồi phục, nhưng nếu bạn ngủ quá lâu, bạn có thể không ngủ được vào ban đêm. Nếu bạn đã đặt giờ thức dậy mới, hãy cố gắng tránh ngủ nướng hoặc ngủ bù, kể cả khi bạn chưa ngủ đến 3-4 giờ sáng hôm trước. Hoặc hôm đó bạn buồn ngủ, thời gian nghỉ trưa cũng không được quá nửa giờ. Mỗi ngày chợp mắt 15-20 phút là vừa phải, khi ngủ dậy sẽ không thấy chóng mặt, đảm bảo sức lực cho buổi chiều.

4. Không uống quá nhiều cà phê

Nếu bạn uống 400 mg caffein (khoảng 2 đến 3 tách cà phê lớn) trong vòng 6 tiếng trước khi đi ngủ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Do đó, nếu bạn đang ngủ không ngon giấc, tốt hơn là nên uống ít cà phê. Nếu bạn thực sự thích uống, hãy tính toán thời gian.

5. Quy tắc làm việc và nghỉ ngơi

Nếu thực sự khó thích nghi với việc đi ngủ sớm và dậy sớm, đừng ép buộc bản thân quá nhiều, chỉ cần tuân theo thói quen làm việc và nghỉ ngơi thoải mái nhất của bạn. So với thời gian làm việc và nghỉ ngơi tương đối đều đặn, cho dù là thường xuyên ngủ sớm dậy sớm, hay thường xuyên ngủ muộn dậy muộn, cơ thể càng sợ hãi thói quen làm việc và nghỉ ngơi không điều độ.

Đối với hầu hết người trưởng thành, ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày là tốt nhất, tuy nhiên tình trạng cụ thể của mỗi người là khác nhau. Nếu bạn đã nằm trên giường một thời gian dài (chẳng hạn 20 phút) mà vẫn tỉnh táo, đừng lo lắng, hãy đứng dậy và làm gì đó thư giãn, đọc sách, dọn dẹp nhà cửa, dần dần bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ. Việc điều chỉnh giờ đi ngủ không dễ dàng lúc đầu, nhưng sau đó nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp.

Theo Hằng Trần (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link