Kết hợp gạo tẻ và một số phương thuốc đông y, người bị tăng huyết áp có thể có những món cháo vừa dễ ăn vừa mang lại lợi ích sức khỏe.

Đối với người tăng huyết áp, bên cạnh việc dùng thuốc, một chế độ ăn uống hợp lý khoa học có thể phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp hiệu quả…

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp

– Do di truyền: Nếu bố mẹ hoặc người thân của bạn bị tăng huyết áp thì bạn cũng có nguy cơ mắc tăng huyết áp.

– Ngồi nhiều, ít vận động: Là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp. Vì vậy, để phòng ngừa tăng huyết áp và các bệnh mạn tính, bạn nên duy trì hoạt động thể lực, đây là cách tự nhiên giúp giảm huyết áp hiệu quả.

– Ăn quá mặn: Muối giữ nước trong cơ thể và có thể làm gia tăng gánh nặng cho tim, tăng nguy cơ bị huyết áp cao. Do đó, để giữ huyết áp ở mức bình thường và phòng tránh các bệnh tim mạch thì mỗi người nên hạn chế ăn mặn.

– Uống nhiều rượu: Uống quá nhiều rượu có thể gây tăng huyết áp đột ngột, dẫn tới suy tim, đột quỵ và loạn nhịp tim.

– Thừa cân hoặc béo phì: Do rối loạn mỡ máu, vữa xơ động mạch gây tăng huyết áp.

– Giới tính: Ở độ tuổi dưới 45 tuổi, nam giới dễ bị tăng huyết áp hơn nữ giới. 45-60 tuổi, nguy cơ tăng huyết áp ở cả hai giới là như nhau. Trên 60 tuổi, phụ nữ có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn nhiều so với nam giới.

– Người cao tuổi tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và bệnh tim mạch do khi về già khí huyết lưu thông kém dẫn tới tăng huyết áp lên hệ tim mạch.

Một số món cháo cho người tăng huyết áp

Cháo hà thủ ô tốt cho người tăng huyết áp

– Nguyên liệu: Sinh hà thủ ô 5g, táo đỏ 4 quả, gạo tẻ 100g.

– Cách làm: Hà thủ ô nghiền bột mịn, nấu chung với gạo, táo. Lúc đầu dùng lửa lớn nấu sôi, sau đó giảm nhỏ lửa ninh nhừ. Chia ăn 2 lần/ngày

– Công dụng: Kiện tỳ tiêu mỡ, thích hợp với bệnh tăng huyết áp, tiểu đường kèm mỡ trong máu, tỳ vị không điều hòa.

benh cao huyet ap anh 2

Hà thủ ô sau khi thu hái.

Cháo câu kỷ

– Nguyên liệu: Câu kỷ tử 30 g, gạo tẻ 100 g.

– Cách làm: Lấy hai thứ nấu thành cháo. Ăn sáng, tối.

– Công dụng: Bổ thận dưỡng âm, sáng mắt, tiêu mỡ… thích hợp với bệnh cao huyết áp, tiểu đường, mỡ trong máu.

Cháo ngô, nấm tai mèo (mộc nhĩ)

– Nguyên liệu: Ngô 100 g, nấm tai mèo 10 g, gia vị vừa đủ.

– Cách làm: Rửa sạch mộc nhĩ, ngâm cho mềm, thái nhỏ. Nấu ngô cho chín nhừ rồi bỏ mộc nhĩ vào. Dùng trong bữa ăn hàng ngày.

– Công dụng: Khử ứ trọc, hạ mỡ máu… thích hợp với bệnh cao huyết áp, tiểu đường, mỡ trong máu.

Cháo đào nhân

– Nguyên liệu: Gạo tẻ100 g, đào nhân 15 g.

– Cách làm: Đào nhân ép lấy nước bỏ bã, cho gạo vào nước ấy nấu thành cháo, ăn sáng chiều.

– Công dụng: Hoạt huyết hóa ứ. Thích hợp với bệnh tăng huyết áp, tiểu đường kèm theo bệnh mạch vành.

Cháo sơn dược

– Nguyên liệu: Sơn dược 40 g, hà thủ ô 30 g, gạo tẻ 100 g, táo đỏ 5 quả.

– Cách làm: Đem sơn dược, hà thủ ô, nấu lấy nước, lấy nước ấy nấu gạo với táo thành cháo, ăn sáng chiều.

– Công dụng: Tư bổ gan thận, ích khí dưỡng âm… thích hợp với bệnh tăng huyết áp, tiểu đường kèm theo bệnh mạch vành.

Cháo hoàng kỳ

– Nguyên liệu: Hoàng kỳ 15 g, bạch thược (sao) 10 g, đương quy 10 g, gạo tẻ 60 g, táo tàu 4 quả.

– Cách làm: Lấy hoàng kỳ, bạch thược, quế chi, sắc với 400 ml nước lấy 150ml, bỏ bã. Cho gạo, táo vào nồi nấu thành cháo, cháo chín thì cho nước thuốc vào khuấy đều. Ăn vào buổi sáng.

– Công dụng: Ích khí, dưỡng huyết.. thích hợp với người có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao.

Cháo gạo lứt, đảng sâm

– Nguyên liệu: Gạo lứt 80 g, đảng sâm 10 g, sơn tra 7 g.

– Cách làm: Gạo lứt vo sạch, đảng sâm rửa sạch, cắt miếng; sơn tra rửa sạch, bỏ hoa hột, cắt miếng. Nấu ba thứ thành cháo, lúc đầu dùng lửa lớn nấu sôi, sau vặn lửa nho nấu thêm chừng 30-50 phút. Mỗi ngày ăn một lần, vào bữa ăn sáng.

– Công dụng: Bổ khí huyết, hạ huyết áp.

Theo Zing – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link