Da mẩn đỏ là biểu hiện của viêm nhiễm, do nhiều tác nhân đến từ môi trường hoặc thói quen ăn uống không hợp lý.
Da mặt có thể bị đỏ do nhiều yếu tố. Ảnh: iStock.
Nhiều người trong chúng ta có một chút ửng hồng trên mặt khi tức giận hoặc xấu hổ. Bên cạnh đó, da mặt bị đỏ còn là vấn đề liên quan đến sinh lý.
Đỏ mặt xảy ra khi các mạch máu nhỏ dưới da mặt bị giãn ra. Bác sĩ da liễu Vladyslava Doktor, chủ sở hữu Trung tâm Da liễu Boston ở Massachusetts, giải thích: “Các mạch máu mở rộng làm tăng lưu lượng máu, tạo ra đốm đỏ trên da mặt”.
Theo bác sĩ Doktor, dưới đây là 7 nguyên nhân khiến da mặt bị đỏ và cách giải quyết chúng.
Bệnh Rosacea
Tiến sĩ Doktor cho biết rosacea là bệnh lý ngoài da khiến da mặt đỏ bừng, dễ ửng đỏ. Đây được coi là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đỏ bừng mặt.
Theo học viện Da liễu Mỹ (AAD), khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, rượu, một số loại thực phẩm, đồ uống nóng hoặc do căng thẳng, bạn có thể mắc bệnh này. Các nốt ban đỏ thường xuất hiện đầu tiên ở quanh mũi và má, sau đó, lan rộng ra bên ngoài.
Nếu xuất hiện các triệu chứng, bạn nên đi gặp bác sĩ để được tư vấn về bệnh tình cũng như chế độ ăn uống hợp lý.
Những cơn bốc hỏa sau thời kỳ mãn kinh sẽ khiến bạn luôn trong trạng thái lo lắng, nhịp tim tăng nhanh. Ảnh: Shutterstock.
Cơn bốc hỏa
Theo Mayo Clinic, sau khi mãn kinh phụ nữ sẽ dễ gặp các cơn bốc hỏa khiến cơ thể trở nên nóng đột ngột. Khi đó, trên mặt, cổ xuất hiện nhiều hơn các vết thâm, đổ mồ hôi, nhịp tim tăng nhanh, đầu óc luôn trong trạng thái lo lắng. Tuy nhiên, chúng có xu hướng xuất hiện đột ngột và biến mất trong vòng vài phút.
Theo Cleveland Clinic, thay đổi lối sống như mặc quần áo nhiều lớp, tránh quá nóng, sử dụng quạt, uống đồ lạnh, giảm cân là một trong những biện pháp tự nhiên tốt nhất cho các cơn bốc hỏa. Bạn cũng có thể trao đổi bác sĩ về việc uống thuốc hormone, chống trầm cảm, chống động kinh để giảm thiểu những cơn bốc hỏa.
Ăn đồ cay
Capsaicin là hợp chất tạo nên vị cay của ớt khiến cơ thể nóng lên, da mặt đỏ bừng khi ăn. Đôi khi, nó có thể khiến bạn chảy nước mắt hoặc chảy nước mũi.
Mặt đỏ bừng khi ăn đồ cay là điều bình thường. Marisa Garshick, bác sĩ da liễu tại Phòng khám da liễu và Phẫu thuật thẩm mỹ (Mỹ), cho biết nếu ăn cay khiến cơ thể khó chịu, bạn nên từ bỏ.
Uống thuốc
Tiến sĩ Doktor cho biết một số loại thuốc theo toa có thể gây tác dụng phụ bao gồm tình trạng đỏ bừng mặt. Các loại thuốc cao huyết áp như thuốc giãn mạch, thuốc chẹn canxi làm giãn các mạch máu để tăng lưu lượng máu khiến da mặt dễ bị đỏ.
Một số loại thuốc khác có thể gây đỏ mặt bao gồm:
– Thuốc kháng nội tiết tố nam được sử dụng để kiểm soát ung thư tuyến tiền liệt và PCOS.
– Bromocriptine được sử dụng để điều trị vô sinh hoặc một số vấn đề về kinh nguyệt.
– Cholinergics, thường dùng cho những người mắc bệnh Alzheimer, bệnh tăng nhãn áp và bí tiểu.
– Thuốc ức chế miễn dịch.
– Thuốc bổ sung sắt (với liều lượng rất cao).
– Niacin (vitamin B3).
– Morphin (thuốc giảm đau).
– Steroid (thuốc giảm viêm).
– Tamoxifen điều trị một số loại ung thư vú.
– Thuốc tuyến giáp
Nếu gặp tình trạng đỏ mặt sau khi uống thuốc, bạn nên gặp bác sĩ để thăm khám và điều chỉnh loại thuốc hợp lý.
Uống rượu
Bạn không đơn độc nếu cảm thấy nóng lên, da mặt đỏ sau khi uống rượu. Theo Viện Quốc gia về Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu (NIAAA), rượu giải phóng hợp chất histamine khiến mặt bạn đỏ bừng.
Nếu dễ bị đỏ mặt vì rượu, bạn nên hạn chế hoặc từ bỏ chúng. Tránh dùng thuốc kháng histamine (như Benadryl) hoặc các loại thuốc OTC khác để kiểm soát vấn đề. Chúng sẽ không ngăn được mẩn đỏ, khiến cơ thể bạn khó chuyển hóa rượu hơn.
Bạn nên tránh xa các thực phẩm chứa hợp chất nitrates, sulfites nếu không muốn đỏ mặt, thở khó. Ảnh: Shutterstock.
Nhạy cảm với thực phẩm
Tiến sĩ Doktor cho biết một số loại thực phẩm có chứa các hợp chất có thể gây đỏ bừng mặt bao gồm:
– Nitrates (có trong thịt xông khói, xúc xích Italy, giăm bông) khiến đỏ mặt, đau đầu.
– Sulfites (có trong trái cây sấy khô, nước ngọt đóng chai, nước ép trái cây, rượu táo, bia, rượu vang, dưa chua, các thực phẩm đóng gói khác) khiến đỏ bừng mặt, thở khò khè.
Bạn sẽ cần tránh các loại thực phẩm khiến mặt đỏ bừng hoặc gây ra các triệu chứng tương tự. Bạn nên gặp chuyên gia để được tư vấn về chế độ ăn uống phù hợp với bản thân.
Dị ứng gluten
Gluten là một loại protein có trong lúa mì, yến mạch, lúa mạch, lúa mạch đen. Nếu dị ứng với gluten, bạn có thể bị chóng mặt, da mặt bị đỏ, sốc phản vệ rất hiếm gặp.
Tiến sĩ Doktor giải thích: “Nó có thể dẫn đến đỏ bừng mặt do phản ứng đặc biệt của hệ miễn dịch với thực phẩm có chứa gluten”.
Theo Cleveland Clinic, các triệu chứng phổ biến khác có thể bao gồm đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, mệt mỏi, nhức đầu và buồn nôn hoặc nôn.
Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng này, bạn nên từ bỏ những thực phẩm chứa gluten. Cleveland Clinic lưu ý men vi sinh có thể giúp làm giảm các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, nhưng không cải thiện tình trạng đỏ bừng mặt.
Theo Thu Hương (zing) – Ảnh: T.H