Ít vận động, không ăn lương thực chính, lo lắng nhiều, thức khuya… đều là những thói quen khiến bạn dễ tăng đường huyết.

Tiểu đường, hay đái tháo đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng với biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn bình thường do cơ thể thiếu hụt insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả hai, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.

Người bệnh tiểu đường nếu duy trì thói quen tốt có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, trong khi đó các thói quen xấu sẽ khiến đường huyết ngày càng tăng cao, biến chứng đến sớm. Dưới đây là 7 thói quen xấu mà người mắc tiểu đường dễ mắc hơn cả.

1. Ít vận động

Ngồi lâu là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngồi lâu cũng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, việc nằm lâu xem tivi, nghịch điện thoại… đều là những biểu hiện của ít vận động.

Biện pháp đối phó: Sau khi ngồi 30-60 phút, hãy đứng dậy và vận động trong 1-5 phút, chẳng hạn như pha một tách trà, đi vệ sinh, rửa trái cây, ngồi xổm…

2. Thức khuya

Giấc ngủ có quan hệ mật thiết với sự khởi phát của bệnh tiểu đường. Thời gian ngủ quá ngắn, chất lượng giấc ngủ không tốt ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết, dễ gây biến chứng.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bệnh nhân tiểu đường nếu ngủ dưới 6 tiếng mỗi đêm có khả năng khiến lượng đường trong máu lúc đói trở nên bất thường; nếu ngủ trên 9 tiếng sẽ có tác động tiêu cực đến huyết sắc tố glycosyl hóa.

Biện pháp đối phó: Đi ngủ trước 23h, đảm bảo thời gian ngủ đủ 8 tiếng, cố gắng không ngủ ít hơn 6 tiếng.

Thức khuya không tốt cho sức khỏe, đặc biệt người bị tiểu đường.
Thức khuya không tốt cho sức khỏe, đặc biệt người bị tiểu đường.

3. Lo lắng quá nhiều

Căng thẳng nhiều có thể khiến con người trở nên lo lắng, tâm trạng không tốt. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến lượng đường trong máu lúc đói tăng lên đáng kể. Nếu hiện tượng này xảy ra, trước tiên hãy học cách giải tỏa tâm lý cho bản thân.

Biện pháp đối phó: Thường xuyên liên lạc với gia đình và bạn bè, kết bạn nhiều hơn, mở rộng tầm nhìn, làm phong phú đời sống tinh thần, bớt lo lắng và vui vẻ hơn.

4. Hút thuốc và uống rượu

Hút thuốc có thể dễ dàng gây ra bệnh mạch máu lớn do tiểu đường, làm tăng nguy cơ tử vong sớm.

Kiêng rượu có lợi cho việc kiểm soát đường huyết lâu dài. Rượu có thể gây ra những dao động lớn về lượng đường trong máu và khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn.

Biện pháp đối phó: Bỏ hút thuốc và cố gắng không uống rượu. Nếu phải uống, cố gắng không uống quá hai lần mỗi tuần, mỗi lần không quá 150 ml, không uống khi bụng đói vì dễ hạ đường huyết.

5. Thích ăn cháo

Nhiều người tiểu đường có sở thích ăn cháo. Tuy nhiên món ăn này có độ hồ hóa cao (hiện tượng tinh bột hút nước, trương nở, tăng thể tích), dễ tiêu hóa và hấp thu, lại lưu trong dạ dày thời gian ngắn, nếu ăn nhiều rất dễ bị ngấy và gây tăng đường huyết.

Biện pháp đối phó: Nếu thích ăn cháo hoặc súp, hãy chọn cháo/súp rau củ.

6. Uống thuốc nhưng không ăn kiêng

Một số bệnh nhân tiểu đường nghĩ miễn là họ uống thuốc hạ đường huyết hoặc insulin, họ có thể ăn thoải mái. Trên thực tế, với trình độ y tế hiện nay, bất kể bạn dùng loại thiết bị cao cấp nào hay loại thuốc nào, nếu không thể kiểm soát chế độ ăn uống thì rất khó để giữ cho lượng đường trong máu ổn định.

Uống thuốc tiểu đường nhưng không ăn uống kiêng khem khiến thuốc ít phát huy tác dụng.
Uống thuốc tiểu đường nhưng không ăn uống kiêng khem khiến thuốc ít phát huy tác dụng.

7. Ăn uống mất cân bằng

Thói quen ăn uống thiếu cân bằng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tiểu đường. Chìa khóa để kiểm soát chế độ ăn uống là tuân thủ nguyên tắc “dinh dưỡng cân bằng, kiểm soát hợp lý và kiên trì lâu dài”.

Không ăn trái cây

Ăn trái cây điều độ không những không làm tăng lượng đường trong máu mà còn giúp giảm chỉ số đường huyết, ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường khác nhau, chẳng hạn như bệnh tim mạch, bệnh thận do tiểu đường và bệnh võng mạc.

Nghiên cứu cho thấy so với những bệnh nhân tiểu đường không ăn bất kỳ loại trái cây nào, người ăn trái cây tươi 1-4 lần và hơn 5 lần một tuần giúp giảm nguy cơ mất kiểm soát lượng đường trong máu lần lượt là 20% và 30%.

Biện pháp đối phó: Nếu muốn kiểm soát đường huyết ổn định, có thể ăn khoảng 200 g trái cây mỗi ngày. Nên chọn trái cây ít đường như táo và dâu tây.

Không ăn thịt

Nếu bạn chỉ ăn ngũ cốc nguyên hạt và rau quả, có thể lúc đầu lượng đường trong máu của bạn sẽ giảm, nhưng lâu dần, cơ thể sẽ thiếu chất dinh dưỡng. Không chỉ khối lượng cơ bắp giảm, bạn sẽ gầy đi, lượng đường trong máu tăng thay vì giảm, khả năng miễn dịch trở nên yếu hơn và cơ thể cũng dễ suy sụp.

Biện pháp đối phó: Trung bình mỗi ngày nên ăn 50-75 g thịt gia súc, gia cầm và 50-100 g tôm, cá. Người tiểu đường nên ưu tiên cá và tôm, tiếp theo là thịt gia cầm; thịt lợn, thịt bò và thịt cừu nên được ăn ở mức độ vừa phải.

Không ăn lương thực chính (cơm, ngô, mì…)

Nếu bạn không ăn hoặc ăn ít thực phẩm chính trong một thời gian dài, lượng carbohydrate mà cơ thể hấp thụ sẽ không đủ, chức năng của tế bào tuyến tụy suy giảm, từ đó khiến lượng đường trong máu tăng cao.

Bỏ qua các loại thực phẩm thiết yếu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiễm toan ceton (một biến chứng của bệnh tiểu đường). Duy trì thói quen này lâu dài cũng dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, suy giảm sức đề kháng.

Biện pháp đối phó: Ăn các thức ăn khác trước, cuối cùng mới đến lương thực chính, mỗi bữa chỉ nên giới hạn khối lượng trong một nắm tay.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link