Nhật Bản có nền ẩm thực phong phú và đa dạng. Đặc biệt, các nhà hàng ở đây thường có những văn hóa và quy tắc riêng mà thực khách nên lưu ý.
1. Không nhận tiền tip: Văn hóa Nhật Bản nhấn mạnh sự chăm chỉ, tôn trọng và công bằng. Vì vậy, việc nhận tiền tip từ khách du lịch có thể được coi là một hành động thô lỗ vì bạn đang cho rằng các nhân viên không kiếm được mức lương công bằng. Một số nhà hàng có tính thêm phí dịch vụ bổ sung, khoảng 10-15% trên tổng hóa đơn nên bạn không cần phải gửi thêm tiền tip. Hầu hết nhân viên phục vụ sẽ từ chối nhận tiền tip một cách lịch sự nhưng cũng có một vài trường hợp họ chấp nhận tiền boa để tránh gây bối rối cho khách. Ảnh: Ikidane Nippon.
2. Không mang giày dép vào quán: Những Izakaya thường có quy tắc không mang giày dép vào quán. Quán Izakayas chủ yếu là địa điểm được nhiều người lựa chọn sau một ngày dài ở văn phòng. Nơi đây phục vụ đồ uống có cồn và thức ăn nhẹ. Do truyền thống lâu đời, bạn sẽ được yêu cầu cởi bỏ giày dép và cất chúng vào trong tủ khóa ở lối vào. Ảnh: Just Japan Stuff.
3. Các món ăn sẽ không được lên cùng một lúc: Ở Nhật Bản, việc lên các món ăn cách nhau khoảng 10-20 phút là chuyện bình thường. Nếu bạn gọi món ăn nhẹ hoặc thứ gì đó có thể nấu nhanh, các món ăn ấy sẽ được phục vụ trước. Những món khó nấu hơn sẽ được lên sau ngay khi thức ăn được nấu chín. Nếu đi theo nhóm, việc những người khác hoàn thành món ăn của họ trước trong khi bạn mới bắt đầu ăn là điều khá phổ biến. Tuy nhiên, cách phục vụ như vậy sẽ giúp món ăn của bạn luôn tươi ngon nhất có thể. Ảnh: Wondrium Daily.
4. Món otoshi có thể không được miễn phí: Otoshi được coi là một món ăn nhẹ nhỏ trong khi chờ thức ăn của bạn được mang lên. Món này sẽ được thêm vào hóa đơn bất cứ khi nào bạn gọi rượu, giá trung bình khoảng 400-700 yen (3-6 USD). Phong tục otoshi cho phép bạn ăn ngay lập tức lúc đói hoặc bạn có thể nhâm nhi một chút gì đó trong lúc chờ thức ăn chính được phục vụ. Điều đặc biệt là bạn sẽ không bao giờ biết món otoshi có gì vì mỗi nhà hàng sẽ khác nhau. Món otoshi điển hình có thể bao gồm thịt hấp, rau, dưa chuột muối, salad truyền thống, miếng cá nướng hoặc mì. Ảnh: Gurunavi.
5. Luôn ăn hết thức ăn: Người Nhật cho rằng thật thô lỗ khi để thức ăn thừa trên đĩa. Điều này còn liên quan đến một trong những khái niệm cơ bản trong văn hóa Nhật Bản, mottainai, cảm giác hối tiếc vì đã lãng phí thứ gì đó. Đó là lý do tại sao hầu hết khẩu phần ăn của người Nhật khá nhỏ. Bạn sẽ không cảm thấy bị quá no và dẫn đến lãng phí thức ăn. Tất nhiên có một vài trường hợp ngoại lệ như bạn dị ứng với thức ăn nên không thể hoàn thành phần ăn. Lúc này, bạn chỉ cần thông báo với nhân viên phục vụ. Ảnh: Live Japan.
6. Cửa hàng thức ăn nhanh: Khẩu phần ăn ở các cửa hàng thức ăn ở Nhật nhanh thường nhỏ hơn ở những quốc gia khác. Điều này cũng liên quan đến khái niệm mottainai được đề cập trước đó. Nếu bạn đang đói và cần một bữa ăn rẻ tiền, nhiều cửa hàng thức ăn nhanh ở Nhật Bản sẽ sẵn sàng phục vụ bạn. Ảnh: Savor Japan.
7. Buffet và tabehoudai hoàn toàn khác nhau: Khác với tiệc buffet truyền thống, tabehoudai là một bữa ăn tự chọn có trong thực đơn. Bạn có thể ăn uống bao nhiêu tùy thích và sẽ chi trả cho một mức giá cố định. Tabehoudai còn cho bạn một khoảng thời gian 90-120 phút để thưởng thức món ăn. Tùy thuộc vào nhà hàng, bạn sẽ phải tự phục vụ hoặc gọi đồ ăn đến bàn của mình. Một số nhà hàng thậm chí sẽ cung cấp một vỉ nướng nhỏ để bạn nướng thịt. Ảnh: Live Japan.
8. Không nên ăn trong lúc đi: Ăn uống trong lúc di chuyển được coi là một hành động thô lỗ ở hầu hết vùng Nhật Bản. Điều này đặc biệt đúng với những nơi công cộng như nơi thờ cúng bao gồm chùa hay đền thờ. Vì vậy, bạn nên tránh ăn uống xung quanh những khu vực này bằng mọi giá. Lý do là Nhật Bản tự hào về việc có một số con đường sạch nhất trên thế giới. Việc ăn uống ngoài trời có thể để lại nhiều rác hơn. Ngoại lệ chính là những băng ghế công cộng gần máy bán hàng tự động hay trong các lễ hội ẩm thực đường phố. Ảnh: Live Japan.
Theo Minh Vũ (zing) – Ảnh: T.H