Đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên thường có tập quán thu hái và sử dụng nấm tự nhiên để làm thực phẩm. Không ít người đã nhầm lẫn giữa các loại nấm tự nhiên ăn được với các loại có độc tố nguy hiểm, dẫn tới nhiều vụ ngộ độc rất nghiêm trọng.
Các bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm ve sầu đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: MAI CƯỜNG
Nhầm nấm độc là đông trùng hạ thảo
Ngày 5-6, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk), cho biết, đơn vị đang điều trị cho 6 bệnh nhân cấp cứu vì ngộ độc do ăn nấm mọc lên từ xác nhộng ve sầu nhầm tưởng là đông trùng hạ thảo. Trước đó, trưa 3-6, 6 bệnh nhân được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) trong tình trạng nôn ói, đau bụng đi ngoài phân lỏng…, trong đó 3 bệnh nhân có tình trạng lơ mơ, rung giật cơ, rung giật nhãn cầu, tay chân yếu không cử động được. Sau 2 ngày được điều trị tích cực tại bệnh viện, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Các bệnh nhân có triệu chứng nặng cũng đã tỉnh táo.
Tương tự, mới đây một người dân (34 tuổi, ngụ huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) đi ra vườn thì thấy nấm có sừng trông giống đông trùng hạ thảo nên nhổ khoảng 15 cây để nấu ăn. Sau khi ăn, người này vẫn bình thường, nhưng đến trưa hôm sau thì nôn ói nhiều, đau quặn bụng, rối loạn tri giác nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Theo TS-BS Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng tỉnh, bí tiểu, yếu mỏi cơ, đau bụng, nôn ói. Hiện bệnh nhân tiếp xúc được và tự thở; sức cơ tứ chi cải thiện; nhịp tim hơi chậm và đang được theo dõi sát về mạch, huyết áp.
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều ca bệnh ngộ độc nấm rất nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Cụ thể là đơn vị vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc nấm rừng từ Trung tâm Y tế huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) chuyển lên. Trước đó, những bệnh nhân này cùng một gia đình ở xã Mai Hịch có biểu hiện ngộ độc, đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng sau khi ăn trưa tại nhà với thức ăn có nấm rừng nấu canh cùng lá lốt. Mặc dù được điều trị tích cực, giải độc, điều trị sốc, thở máy, lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, thay huyết tương…, nhưng 1 bệnh nhân đã tử vong sau đó do tình trạng tiến triển nặng hơn, suy đa tạng.
Không sử dụng nấm không rõ nguồn gốc
TS-BS Nguyễn Thị Thủy Ngân cho biết, ve sầu đẻ trứng vào trong đất, sau đó phát triển thành ấu trùng (hay còn gọi là nhộng ve sầu). Nhộng ve sầu nằm trong đất, có thể ở bên cạnh các bào tử nấm. Những loài nấm này tấn công và sống ký sinh trên vật chủ (nhộng ve sầu), thay thế các mô của vật chủ và mọc ra các thân cây dài, hút chất dinh dưỡng từ vật chủ khiến vật chủ chết, và phát triển lớn lên bên ngoài của cơ thể vật chủ. “Tùy theo loại nấm ký sinh trên vật chủ mà phân chia thành nấm có lợi cho sức khỏe hay là nấm gây độc cho con người. Hiện không thể xác định chính xác loại nấm nào gây ngộ độc cho bệnh nhân, việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào bệnh sử khai thác được, cũng như triệu chứng ngộ độc của bệnh nhân”, TS-BS Nguyễn Thị Thủy Ngân thông tin.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có hàng trăm ca ngộ độc nấm, trong đó có hàng chục ca tử vong. Các vụ ngộ độc nấm thường xảy ra tại các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lai Châu… và khu vực Tây Nguyên. Hậu quả mà các vụ ngộ độc này để lại hầu hết đều rất nặng nề. TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, hiện trên thế giới có hơn 5.000 loại nấm; trong đó tại nước ta có khoảng 100 loài nấm độc, mà về hình dáng bề ngoài rất khó phân biệt giữa nấm lành ăn được và nấm độc gây chết người. Việc cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém nhưng tỷ lệ tử vong rất cao (trên 50%), có những gia đình đã tử vong cả nhà sau khi ăn phải nấm độc. “Để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng. Hoàn toàn không nên và không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt nấm lành hay nấm độc. Càng không nên ăn thử để khám phá. Các loại nấm độc, kể cả sau khi đun nấu, độc tố vẫn bền vững, không bị phá hủy. Cần lưu ý, có nhiều loại nấm độc, động vật ăn không bị ngộ độc nhưng khi con người ăn vào vẫn có thể bị ngộ độc”, TS-BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới đây cũng đã đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng chống ngộ độc do nấm độc tới các hộ gia đình dưới nhiều hình thức, bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc. Theo đó, người dân tuyệt đối không hái, sử dụng nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc để ăn; khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Dấu hiệu nhận diện nấm độc
Nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc. Bên trong thân cây nấm có màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vảy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc. Bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu.
Theo T.An – M.Khang – M.Cường – T.Thắng (sggp) – Ảnh: T.H