Theo Trương Hồng Sơn, mặc dù đã giảm đáng kể lượng đường và chứa nguyên liệu chuyển hóa chậm, bánh ăn kiêng chỉ nên được dùng cho bữa phụ.
Chuyên gia khuyến cáo bánh ăn kiêng được làm chủ yếu từ những nguyên liệu chuyển hóa chậm, đường huyết thấp nhưng không nên ăn quá nhiều. Ảnh: Indulgexpress.
Mặc dù nhận thức được nhiều tác hại từ tiêu thụ nhiều bánh ngọt, vẫn có nhiều người không cưỡng lại được với thức tráng miệng hấp dẫn này. Vì khó từ bỏ sở thích, nhiều người đã tìm đến sản phầm thay thế khác như bánh không đường, bánh không tinh bột.
Trên nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok, người tiêu dùng chỉ cần nhập từ khoá “bánh không đường”, “bánh ăn kiêng” hay “bánh healthy”, hàng loạt hội nhóm bán hàng sẽ hiện lên.
Nguyễn Thị Trang (32 tuổi, ở Võ Chí Công, Hà Nội) cho biết bản thân là “tín đồ bánh ngọt”. Trước đây, vì còn trẻ nên Trang thoải mái hơn trong việc lựa chọn các loại bánh yêu thích. Nhưng sau khi bước qua tuổi 30, bản thân chị nhận thức được lượng đường trong bánh gây tăng cân, đồng thời làn da bị lão hóa nhanh.
Khi đi tập và được bạn bè mách cho các tiệm bánh online chuyên bán bánh ít calo, chị đã đặt thử. Từ đó, chị thay đổi thói quen ăn bánh thông thường bằng những loại không sử dụng đường khác.
Còn Bùi Thanh Hà (nữ, 20 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại cho biết bản thân từng đặt bánh ăn kiêng và không có ý định mua lại. Bởi giá của một chiếc bánh không đường thường đắt gấp 3 trong khi mùi vị không hấp dẫn.
Do đó, Hà quyết định không ăn đồ ngọt. Tuy nhiên, vào những buổi như “cheat day” hay còn gọi là “ngày ăn gian” vào cuối tuần, cô sẽ cho bản thân thoải mái thưởng thức một chiếc bánh kem truyền thống mà không nghĩ về số đường nạp vào cơ thể.
Sự thật về bánh ăn kiêng
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nhận định bánh ăn kiêng là các loại bánh được làm chủ yếu từ những nguyên liệu chuyển hóa chậm, chỉ số đường huyết (GI) thấp, chậm tăng đường huyết.
GI là chỉ số đường huyết của thực phẩm chứa tinh bột như ngũ cốc, lúa mạch, các loại hạt giàu dinh dưỡng như hạt chia, yến mạch, ngô, bột mì nguyên cám, bột mì đen, trái cây, đậu phộng… thay vì các thành phần không tốt cho cơ thể như đường, bơ, kem, mỡ động vật…
Vậy nên các loại bánh ăn kiêng đạt tiêu chuẩn thường không đường. Hoặc người làm sử dụng đường ăn kiêng hoặc trái cây tạo hương vị ngọt cho món bánh.
Tuy nhiên, vì hàm lượng đường thấp hoặc không có đường nên kết cấu và hương vị của bánh ăn kiêng này sẽ không được ngon, hấp dẫn như các loại bánh ngọt thông thường.
Trong bánh ngọt chứa một số thành phần khác không tốt cho sức khoẻ như gluten, dầu thực phẩm hydro… Ảnh: Pixabay.
Đặc biệt, TS Sơn lưu ý trong bánh ngọt, không chỉ đường là thành phần không tốt cho sức khỏe. Điển hình là gluten trong bột làm bánh có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng của ruột. Dầu thực vật hydro hóa chứa chất béo chuyển hóa thường xuất hiện khi nướng bánh ở nhiệt độ cao. Ngoài ra, trong bánh ngọt còn chứa các chất phụ gia thực phẩm không tốt cho sức khỏe, chẳng hạn phẩm màu.
“Kể cả khi ăn bánh không đường thì bạn vẫn không nên ăn quá nhiều, kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng. Nếu đang cần giảm cân thì cần hạn chế hơn nữa” TS Sơn nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ thêm bên cạnh việc ăn bánh không đường, bạn vẫn nên kết hợp chế độ ăn với nhiều rau củ quả tươi để tăng cường chất xơ, vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
“Không dùng bánh không đường để làm bữa ăn chính, chỉ dùng để làm bữa phụ, dùng khi cơ thể thiếu năng lượng hoặc chống đói”, chuyên gia khuyên.
Những người nên kiêng ăn bánh ngọt
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, việc tiêu thụ quá nhiều đường trong bánh ngọt có thể dẫn đến tăng cân, mỡ nội tạng, mụn trứng cá, bệnh tiểu đường type II, stress, lão hóa da, sâu răng…
Nghiêm trọng hơn, đường còn khiến cơ thể con người tăng nguy cơ phát triển một số bệnh lý nghiêm trọng như tim mạch, gan nhiễm mỡ, ung thư…
Bác sĩ Sơn khuyến cáo những trường hợp sau nên hạn chế hoặc kiêng ăn nhiều bánh ngọt:
– Người bệnh tiểu đường type II, mỡ máu, mỡ nội tạng, béo phì, gan nhiễm mỡ…: Những chiếc bánh ngọt nhiều đường có thể góp phần tăng cân và tăng mỡ cơ thể.
Ngoài ra, việc ăn nhiều đường kéo dài làm tăng đề kháng với insulin. Kháng insulin làm cho lượng đường trong máu tăng lên, làm trầm trọng thêm bệnh béo phì, gan nhiễm mỡ và tiểu đường type II.
– Người mắc bệnh tim mạch: Tiêu thụ quá nhiều đường có thể gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, huyết áp cao, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch. Nghiêm trọng hơn, ăn quá nhiều đường còn có thể dẫn đến đột quỵ.
– Người bị mụn trứng cá: Trong bánh ngọt có chứa nhiều carbohydrate tinh chế và đường bổ sung, có thể gây tăng đột biến lượng đường trong máu, dẫn đến tăng tiết androgen, sản xuất dầu và viêm – tăng sự phát triển và làm trầm trọng thêm tình trạng của mụn trứng cá.
– Người bệnh ung thư: Ăn quá nhiều đường dẫn đến béo phì, tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây kháng insulin… làm giảm tác dụng điều trị ung thư và khiến bệnh nặng hơn.
– Người bị trầm cảm: Dùng nhiều đường có liên quan đến suy giảm nhận thức, các vấn đề về cảm xúc như lo lắng và trầm cảm, gây hại đến sức khỏe tinh thần, đặc biệt ở những người đang mắc bệnh trầm cảm.
– Trẻ em: Trẻ em khi ăn quá nhiều bánh ngọt chứa đường bổ sung có thể dẫn đến các bệnh lý béo phì, sâu răng…
– Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai cũng không nên ăn quá nhiều bánh ngọt do nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đối như tăng huyết áp, tiền sản giật, sảy thai, nhiễm khuẩn tiết niệu, đẻ non, thai to, em bé chậm phát triển, dị tật sơ sinh…
Theo Trịnh Phương (zing) – Ảnh: T.H