Theo bác sĩ Niến, người mắc hội chứng ruột kích thích nên tránh ăn các đồ ăn gây kích thích, rối loạn tiêu hóa.

Người bị hội chứng ruột kích nên điều chỉnh chế độ ăn và thay đổi lối sống. Ảnh: Pixapay.

Hội chứng ruột kích thích là rối loạn chức năng của đại tràng, tái đi tái lại nhiều lần nhưng không thấy bất kỳ tổn thương thực thể nào về giải phẩu, tổ chức học cũng như sinh hóa ở ruột.

Theo trao đổi, bác sĩ chuyên khoa I Lý Kha Niến, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cho biết nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, do đó không có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp điều trị chủ yếu bao gồm điều chỉnh chế độ ăn và thay đổi lối sống.

Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

Người bị hội chứng ruột kích thích thường 2 triệu chứng điển hình gồm:

– Đau bụng: Người mắc bệnh thường bị đau quặn cơn, cũng có khi đau âm ỉ, tức nặng dọc khung đại tràng.

– Rối loạn tiêu hóa: Bệnh nhân khi đi vệ sinh sẽ gặp tình trạng như phân lỏng, táo bón hoặc táo lỏng xen kẽ, thường có nhầy trong phân nhưng không trong máu.

Ngoài ra, người bệnh còn có một số triệu chứng khác như: Đầy hơi, tức nặng bụng, trung tiện nhiều, ăn xong muốn đi vệ sinh ngay, cảm giác đi ngoài không hết…

Các triệu chứng này thường liên quan đến chế độ ăn uống. Khi người bệnh ăn các thức ăn không phù hợp, ngay lập tức sẽ xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đầy bụng, đầy hơi óc ách, muốn đi vệ sinh. Nếu kiêng khem ăn uống, các triệu chứng này sẽ biến mất.

Hội chứng ruột kích thích kiêng ăn gì?

Theo bác sĩ Niến, người mắc hội chứng này nên tránh ăn các đồ ăn gây kích thích, rối loạn tiêu hóa. Nếu bản thân đã ăn một loại thực phẩm mà có biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa vài lần, nên hạn chế và tốt nhất không ăn loại thực phẩm đó.

Nếu cơ thể có tình trạng đầy hơi, chướng bụng, cần tránh các thực phẩm sinh hơi như đồ uống có gas, một số loại rau như bắp cải, bông cải xanh, bông cải trắng…

Người bệnh hạn chế sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa nếu có biểu hiện không dung nạp lactose. Nên dùng ít một hoặc kết hợp sữa với các loại thực phẩm khác để hạn chế tình trạng này.

Trường hợp người bệnh không dung nạp Gluten thì nên tránh ăn các thực phẩm chứa Gluten như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen…

ruot kich thich anh 1

Người mắc hội chứng này nên tránh ăn các đồ ăn gây kích thích, rối loạn tiêu hóa. Ảnh: Intheknow.

Ngoài ra, việc hạn chế sử dụng các chất kích thích, rượu, bia, cafe, gia vị cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ… cũng tốt hơn cho tình trạng này.

Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn uống, người bị hội chứng ruột kích thích cần thực hiện lối sống khoa học, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tập luyện đều đặn; xây dựng tinh thần luôn được thoải mái, tránh lo âu, căn thẳng kéo dài…

Ăn gì khi bị hội chứng ruột kích thích?

Bác sĩ Niến khuyến cáo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân đối các loại thực phẩm là giải pháp cơ bản giúp phòng ngừa và cải thiện hiệu quả hội chứng ruột kích thích.

Người bệnh cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm bao gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Người bị hội chứng ruột kích thích nên sử dụng các thức ăn được chế biến mềm, dễ tiêu hóa, ăn chậm, nhai kỹ. Người bệnh không nên ăn quá no, tốt nhất nên chia thành nhiều bữa nhỏ, mỗi lần ăn lượng thức ăn vừa phải để giảm bớt áp lực cho hệ tiêu hóa.

Trường hợp có biểu hiện táo bón, bệnh nhân tăng cường chất xơ để thúc đẩy nhu động ruột, kích thích tiêu hóa, ăn các loại thực phầm như: ngũ cốc, rau lang, rau mồng tơi, khoai lang, chuối, bơ, đu đủ…

Nếu bị tiêu chảy, bạn nên áp dụng chế độ ăn ít chất xơ và uống đủ nước, trung bình 2 lít/ngày.

Bổ sung nhóm thực phẩm giàu omega-3 cho cơ thể để chống oxy hóa, bảo vệ hệ tiêu hóa trước sự tấn công của các gốc tự do. Các thực phẩm có hàm lượng omega-3 cao gồm: cá hồi, quả hạnh, bơ, dầu oliu,…

Đặc biệt, để sức khỏe tiêu hóa tốt hơn, bạn không nên để cơ thể vận động mạnh hoặc nằm ngủ ngay sau bữa ăn.

Theo Huy Hoàng (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link