Tăng huyết áp khi mang thai nếu không kiểm soát kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bà bầu và thai nhi như tiền sản giật, tiểu đường, sinh non, trẻ nhẹ cân.
Phụ nữ mang thai nên kiểm soát huyết áp của mình trong suốt thai kỳ để bảo vệ bản thân và em bé. Ảnh: Firstcryparenting.
Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90 bắt đầu trong nửa sau của thai kỳ (thường là sau 20 tuần) và kết thúc ngay sau khi sinh con. Tình trạng này xảy ra trong khoảng 6-8% trường hợp mang thai.
Khi mang thai, huyết áp cao có thể ảnh hưởng đến cơ thể bạn theo những cách khác với bình thường. Nếu huyết áp cao không được kiểm soát, cả bạn và thai nhi đều có nguy cơ bị biến chứng.
Dấu hiệu và rủi ro
Theo Cleveland Clinic, huyết áp cao đôi khi được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì hầu hết người bệnh không nhận thấy huyết áp của mình đang cao. Ngoài việc bác sĩ nói với bạn rằng huyết áp của bạn cao, một số dấu hiệu khác là:
- Sưng (phù nề).
- Nhức đầu.
- Tăng cân đột ngột.
- Thay đổi về tầm nhìn.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Mỗi lần chỉ đi tiểu một chút.
- Đau bụng.
Bạn có thể có nhiều khả năng bị huyết áp cao khi mang thai nếu bạn:
- Dưới 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi.
- Đã từng bị tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật trong các lần mang thai trước.
- Có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp thai kỳ.
- Bị tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ.
- Bị rối loạn hệ thống miễn dịch, chẳng hạn bệnh lupus.
- Mắc bệnh thận.
- Đa thai (sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn).
Huyết áp cao có thể biểu hiện với các triệu chứng như nhức đầu, phù nề, buồn nôn. Ảnh: Clevelandclinic.
Biến chứng
Huyết áp cao khi mang thai tác động đến cơ thể bạn khác với khi bạn không mang thai. Tim phải làm việc nhiều hơn khi mang thai vì nó phải bơm nhiều máu hơn. Điều này gây thêm áp lực cho cơ thể.
Huyết áp cao cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng của nhau thai. Điều này có nghĩa là thai nhi có thể không nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển với tốc độ bình thường. Cả bạn và con bạn đều có nguy cơ cao bị biến chứng trước, trong và sau khi chuyển dạ nếu bạn bị huyết áp cao.
Bị huyết áp cao khi mang thai làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn sau này trong cuộc sống, chẳng hạn tăng huyết áp mạn tính, vấn đề về tim và đột quỵ. Ngoài ra, một người bị tăng huyết áp mạn tính trước khi mang thai có nguy cơ mắc chứng tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ cao hơn khi mang thai.
Bên cạnh đó, mẹ mắc huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe cho trẻ sơ sinh, chẳng hạn sinh non, kích thước trẻ sơ sinh nhỏ, tử vong khi còn nhỏ.
Huyết áp cao khi mang thai có thể làm giảm lưu lượng chất dinh dưỡng và oxy qua các mạch máu, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nếu cần phải sinh sớm, điều này có thể gây ra các biến chứng như sinh nhẹ cân và khó thở nếu phổi của trẻ chưa phát triển đầy đủ.
Kiểm soát huyết áp cao khi mang thai
Vì nguyên nhân gây ra huyết áp cao khi mang thai vẫn chưa được biết, rất khó để ngăn ngừa tình trạng này. Điều tốt nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa huyết áp cao khi mang thai (và khi không mang thai) là:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Chế độ ăn uống lành mạnh.
- Đi bộ, đạp xe, tập yoga hoặc một số hình thức tập thể dục khác vài lần mỗi tuần.
- Tránh hút thuốc và đồ uống có cồn.
- Nghỉ ngơi nhiều.
Theo Hindustan Times, Abhilasha V, Giám đốc Dinh dưỡng lâm sàng & HOD (Ấn Độ) gợi ý thêm các mẹo dinh dưỡng để phụ nữ mang thai tránh xa các vấn đề về huyết áp:
– Chế độ ăn uống cân bằng, ít natri kết hợp với hoạt động thể chất thường xuyên, ngủ ngon, tránh hút thuốc, uống rượu.
– Duy trì chỉ số BMI khỏe mạnh cũng rất quan trọng vì béo phì cũng là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp.
– Chế độ ăn uống bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, chất béo tốt, nhiều trái cây tươi và rau củ kết hợp với phương pháp nấu nướng phù hợp.
– Cắt giảm lượng caffeine.
– Chọn đúng loại protein như đậu lăng, đậu, quả hạch, hạt, thịt nạc, trứng và cá có dầu tốt cho sức khỏe.
– Dùng sữa ít béo và các chế phẩm từ sữa, ăn nhiều rau quả, chú trọng thực phẩm giàu kali.
– Cắt giảm chất béo bão hòa, thịt đỏ, thịt chế biến, chất béo chuyển hóa, thực phẩm đóng gói.
– Uống đủ nước.
Theo Phương Mai (zing) – Ảnh: T.H