Nếu nhắc đến chim cút, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến những món ăn thơm ngon hấp dẫn như chim cút chiên bơ, nướng… Vậy còn lợi ích dinh dưỡng thì thế nào?
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn biết thêm về những lợi ích thần kỳ của chim cút cũng như cách dùng đúng để không ảnh hưởng sức khoẻ.
Giá trị dinh dưỡng của chim cút
Giống như phần lớn các loại thịt khác, thịt cút cũng là nguồn protein dồi dào cho cơ thể. Một khẩu phần 85g thịt chim cút nấu chín không da chứa khoảng 110 calorie, 19g protein và 5g chất béo, bao gồm 1g chất béo bão hòa. Nếu bạn áp dụng chế độ ăn 2.000 calorie, khẩu phần này có thể cung cấp 35% lượng protein của bạn trong ngày và 6% lượng chất béo và chất béo bão hòa được khuyến nghị. Trong Y học cổ truyền, chim cút thậm chí được mệnh danh là “nhân sâm” động vật nhờ nguồn protein phong phú mà chúng mang lại.
Loại chim nhỏ bé này cũng mang đến một sự phong phú về các loại vitamin và khoáng chất. Tiêu thụ một khẩu phần chim cút cung cấp cho bạn 35% nhu cầu niacin khuyến nghị mỗi ngày, 25 % nhu cầu vitamin B-6, 15 % cho riboflavin và thiamine, 10 % tổng nhu cầu vitamin C cần thiết. Với một khẩu phần loại chim này, bạn cũng có thể nhận được 25% nhu cầu phốt pho, 20% sắt, 15% kẽm và 6% magiê cho tổng lượng nhu cầu khoáng chất mỗi ngày.
Phốt pho giúp ích cho chức năng thận, tăng trưởng tế bào và củng cố xương. Sắt cần thiết để hình thành hemoglobin và vận chuyển ôxy xung quanh cơ thể bạn, và kẽm rất quan trọng để hình thành DNA và protein, chữa lành vết thương và chức năng miễn dịch. Đặc biệt, những người bị rụng tóc, tóc hư tổn hoặc bị bạc có thể ăn cút để bổ sung axít pantothenic, có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa các vấn đề liên quan.
Chim cút tuy nhỏ nhưng giá trị dinh dưỡng mang lại vô cùng to lớn
Tác dụng đối với sức khỏe
Không chỉ cần thiết cho những người tập gym, thể hình, ăn chim cút cũng có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ.
Duy trì nét thanh xuân và sức sống dẻo dai
Không chỉ giàu protein, thịt cút cũng có hàm lượng chondroitin cao, thành phần quan trọng trong cấu trúc của sụn khớp, giúp xương cốt khỏe, vận động dẻo dai, bền bỉ. Thậm chí, hàm lượng dưỡng chất này còn tương đương với nhung hươu. Đều đặn ăn chim cút sẽ giúp bổ sung dinh dưỡng, từ đó giúp cơ thể tràn đầy sinh lực.
Nhanh phục hồi chức năng vật lý và vết thương
Nếu muốn vết thương nhanh hồi phục, mau liền sẹo, bạn có thể ăn chim cút hầm đậu đỏ. Cút có hàm lượng collagen cao, trong khi đó, đậu đỏ giúp thanh nhiệt, bổ máu và ổn định lượng hormone, có thể thúc đẩy phục hồi thể chất và mau lành vết thương.
Bổ não, tăng cường trí nhớ và tư duy và tuổi thọ
Nhờ hàm lượng phospholipid phong phú, ăn thịt cút thường xuyên có thể giúp đẩy nhanh quá trình các tế bào mô trao đổi chất, từ đó giảm lão hóa tế bào não và thần kinh. Bilirubin trong gan chim cút cũng ở mức tốt nhất nên có thể giúp ngăn ngừa các bệnh về động mạch.
Dùng chim cút đúng cách để tăng cường sức khoẻ
Bạn có thể dùng loài chim này để làm nhiều món ngon. Và cũng có thể dùng để chữa bệnh tăng cường sức khoẻ nếu dùng đúng liều, đúng loại.
- Với những người bị mỡ máu cao, béo phì, tăng huyết áp: Dùng 1 con cút bỏ nội tạng, sau đó nhồi 20g đậu đỏ chưng chín để ăn. Mỗi ngày ăn một con và ăn liên tục trong 2 tuần.
- Để ích khí dưỡng huyết cho người ho lâu, thiếu máu hoặc những trường hợp suy dinh dưỡng do tiêu chảy kéo dài: Dùng 2 con cút, 50g hoài sơn, 100g gạo tẻ để nấu cháo ăn. Lưu ý, khi nấu cháo, bạn nên thêm gừng hành.
- Muốn bổ tỳ, ích thận, dưỡng tâm, an thần: Dùng 2 con chim, 2 lạng củ cải xào cùng nhau, nêm thêm hành, gừng, rượu và giấm muối đun lên cho đến khi chín thì dọn ra ăn nóng.
Không chỉ là món ngon, chim cút cũng là bài thuốc chữa bệnh
- Ăn ngon ngủ yên, dưỡng da, giảm béo: Nấu 5 con cút, 50g ý di, 200g xà lách, tương, sữa, gừng, hành cùng với nhau. Khi nước sôi, vớt bọt hạ lửa nấu chim đến khi thịt mềm. Khi ăn, rưới nước dùng lên trên thịt chim cút.
- Lưng đau gối mỏi: Hầm 3 con cút, 30g câu kỷ tử, 15g đỗ trọng để ăn. Lưu ý, chỉ ăn thịt, uống nước và bỏ lại phần thuốc đã nấu.
- Người già yếu, mệt mỏi, mặt sưng, chân tay khô, sợ lạnh: Dùng 2 – 3 con chim cút cùng 18g ngũ gia bì, 45g hoàng kỳ, 30g phục linh cho vào nồi đun lửa to cho đến khi thịt chín nhừ. Món này sẽ không thích hợp với những người âm hư hoả vượng, bạn lưu ý nhé!
- Chữa ho các loại, suy nhược, đoản hơi: Dùng 2g Đông trùng hạ thảo, 100g canh gà, gừng, hành, hạt tiêu, muối trộn đều và chia làm 5 phần để cho vào bụng 5 con chim cút đã làm sạch. Cho nước canh và chim vào nồi chưng cách thuỷ để ăn cái uống nước.
Lưu ý khi ăn chim cút
Chim cút bổ, nhưng không phải ai cũng phù hợp. Với những người dạ dày nóng, có ham muốn nhiều thì không nên ăn. Mẹ bầu cũng nên hạn chế không ăn chim cút. Bạn có thể ăn thịt gà, thịt bò, rau xanh để bổ sung các dưỡng chất mà chim cút mang lại.
Bên cạnh đó, do chim cút chứa ít chất béo hơn nên chim cút có thể dễ bị khô nếu bạn không nấu đúng cách. Chiên không tốt cho sức khỏe như các phương pháp nấu ăn khác, vì nó liên quan đến việc sử dụng nhiều chất béo hơn. Cho dù bạn sử dụng phương pháp nào, hãy nấu chim cút cho đến khi nó đạt đến nhiệt độ bên trong là 165 độ F để hạn chế nguy cơ mắc bệnh truyền qua thực phẩm.
Chim cút giàu dinh dưỡng nhưng cũng có nhiều chất béo. Nếu ăn quá nhiều sẽ tồn đọng lại cơ thể dẫn tới béo phì. Thậm chí có thể gây hại cho sức khoẻ. Nếu muốn ăn chim cút thường xuyên, bạn nên có một chế độ tập luyện hợp lý để tiêu hao bớt năng lượng và chất dinh dưỡng từ các món ăn này nhé!
Theo Leep.app – Ảnh: T.H