Đôi travel blogger người Phillippines cho rằng món Việt vừa tốt cho sức khỏe, vừa đạt sự cân bằng trong hương vị, chất dinh dưỡng và cách trình bày.

JB và Renée là hai travel blogger người Philippines, có đam mê mãnh liệt với ẩm thực Việt. Bộ đôi từng đến Việt Nam nhiều lần và cho biết với họ, Việt Nam là một trong những quốc gia có đồ ăn ngon nhất thế giới. “Ẩm thực Việt Nam luôn khiến chúng tôi muốn ăn mãi không ngừng”, họ nói. Ngoài ra, nếu dùng một từ để miêu tả món ăn truyền thống Việt Nam, đó sẽ là “sự cân bằng” (balance) – JB và Renée nói thêm. “Sự cân bằng” rất quan trọng trong tất cả các loại hình ẩm thực, nhưng nó dường như có tầm quan trọng đặc biệt trong ẩm thực Việt, theo JB và Renée. “Các món ăn ở đây đạt được sự cân bằng trong nhiều khía cạnh như: hương vị, chất dinh dưỡng và cách trình bày” – họ nói.

JB và Renée chụp ảnh cùng chủ quán ốc tại quận 1, TP HCM trong một chuyến du lịch Việt Nam. Ảnh: JB và Renée
JB và Renée chụp ảnh cùng chủ quán ốc tại quận 1, TP HCM trong một chuyến du lịch Việt Nam. Ảnh: JB và Renée

Trong các loại gia vị được sử dụng, đầu bếp món Việt thường tìm kiếm sự cân bằng giữa 5 vị: chua, đắng, ngọt, cay và mặn. Còn nếu để ý, khi trình bày, các đầu bếp muốn đồ ăn của họ có 5 màu: xanh, đỏ, vàng, trắng và đen. Món Việt cũng được coi là một trong những món ăn lành mạnh nhất trên thế giới, một phần nhờ sự cân bằng 5 chất dinh dưỡng như: carbohydrate, chất béo, protein, khoáng chất và nước.

JB và Renée cho biết nhận thấy hai yếu tố âm – dương thể hiện rõ trong ẩm thực Việt Nam khi thưởng thức những món chiên ngập dầu như: nem của bể, bánh gối… tại Hà Nội. “Ở Philippines, chúng tôi từng ăn nem chiên ngập dầu giống nem cua bể”, JB và Renée kể. “Nhưng nem rán của chúng tôi thường chỉ ăn kèm tương cà hoặc giấm nên cảm giác đơn điệu và không cầu kỳ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nem rán phục vụ với nước chấm, dưa chuột thái lát, nước mắm và các nguyên liệu khác. Chúng cũng được ăn kèm rau sống như: rau diếp, rau mùi, tía tô và bạc hà. Vì vậy, dù chả giò Việt Nam được chiên ngập dầu và nhiều dầu mỡ, nhưng khi cho vào miệng thì thật bất ngờ, không bị ngấy và phần lớn điều đó liên quan đến sự cân bằng của các thành phần, hương vị và nhiệt độ khi chế biến”, JB và Renée nói thêm, đồng thời cho biết: “Đây là một trải nghiệm khiến tôi mở rộng tầm mắt, giúp hiểu rõ và đánh giá cao hơn về ẩm thực Việt Nam. Tôi đã là một người hâm mộ ẩm thực Việt Nam ngay sau đó”.

Nem cua bể gây ấn tượng với bộ đôi travel blogger người Philippines. Ảnh: JB và Renée
Nem cua bể gây ấn tượng với bộ đôi travel blogger người Philippines. Ảnh: JB và Renée

Lần gần đây nhất, cả hai có kỳ nghỉ dài một tháng tại Việt Nam, đi từ Bắc vào Nam, qua các tỉnh, thành như: Sapa, Hà Nội, Huế, Hội An, Sài Gòn và miền Tây khám phá ẩm thực đa dạng, với mục tiêu viết một cẩm nang ẩm thực truyền thống, giới thiệu về “những món ngon và thú vị nhất tại Việt Nam”, theo cách riêng của cả hai. Nếu bạn không biết ăn gì khi lần đầu đến Việt Nam, danh sách này sẽ rất hữu ích với 45 món có thể thưởng thức trên khắp đất nước.

Bộ đôi tiết lộ đã ăn rất nhiều món Việt, vẫn cảm thấy rất khó tìm ra được đâu là món ngon nhất bởi mỗi món có một đặc trưng. “Không ai am hiểu ẩm thực Việt Nam hơn dân địa phương”, JB và Renée nói và đã ghi danh học nấu ăn tại Hội An, tham gia nhiều tour trải nghiệm ẩm thực cùng hướng dẫn viên du lịch địa phương để hiểu chi tiết hơn về những món họ được thưởng thức, sau đó đúc kết danh sách 45 món họ cho rằng du khách nên ăn khi du lịch Việt Nam.

“Khi thưởng thức những món này, tôi hy vọng bạn yêu thích các món truyền thống của Việt Nam nhiều như chúng tôi”, JB và Renée nói.

Bát thắng cố JB và Renée từng ăn ở Sa Pa. Ảnh: JB và Renée
Bát thắng cố JB và Renée từng ăn ở Sa Pa. Ảnh: JB và Renée

Danh sách 45 món du khách nên ăn khi đến Việt Nam, theo JB và Renée: Phở, bánh mì, nem cuốn hoặc gỏi cuốn, bánh cuốn, bánh bao bánh vạc, bánh Huế, chạo tôm, bò lá lốt, súp cua, bún đậu mắm tôm, bánh cóng, nem cua bể, bột chiên, bánh tráng nướng, bánh gối hoặc bánh tôm, bánh xèo hoặc bánh khoái, giò lụa hoặc chả lụa, bún bò Huế, cao lầu, mì Quảng, hủ tiếu, bún bò Nam bộ, bún riêu, bánh canh, bún thang, cơm gà, cơm tấm sườn nướng, xôi, cơm hến hoặc bún hến, cháo gà, bún chả, bún thịt nướng, nem nướng hoặc nem lụi, thắng cố, chả cá Lã Vọng, ốc, lươn, bạch tuộc nướng sa tế, chè, bánh xoài, xí mà (chí mà), cà phê trứng, cà phê muối, nước mía, bia hơi.

Theo Diệp Tử (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link