Ung thư ảnh hưởng đến miệng, cổ họng hay các cơ quan gần bụng dễ khiến bệnh nhân giảm cân.
Gần như mọi người đều giảm hoặc tăng cân vào một thời điểm nào đó trong đời. Chế độ ăn uống, tập thể dục, mang thai, thay đổi nội tiết tố và lão hóa đều có thể ảnh hưởng đến cân nặng.
Sụt vài cân thường không phải là vấn đề đáng lo ngại, nhưng sụt từ 4 kg trở lên mà không biết tại sao là một dấu hiệu cảnh báo. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, giảm cân đột ngột xảy ra thường xuyên nhất với các bệnh ung thư ảnh hưởng đến dạ dày, tuyến tụy, thực quản và phổi.
Giảm hơn 4 kg trong thời gian ngắn là dấu hiệu sức khỏe bất ổn. Ảnh: Prevention.
Tiến sĩ Munveer Bhangoo, nhà huyết học và bác sĩ ung thư tại Trung tâm Ung thư Scripps MD Anderson (Mỹ), khuyến cáo: “Đối với nhiều người mắc bệnh ung thư, tình trạng sụt cân không rõ nguyên nhân là một trong những dấu hiệu đầu tiên”.
Trên thực tế, sụt cân có thể vừa là triệu chứng của bệnh ung thư vừa là tác dụng phụ của việc điều trị.
Từ 30 đến 80% số ca mắc ung thư có thể giảm cân tại một số thời điểm trong thời gian bị bệnh, tùy thuộc vào vị trí của khối u. Suy dinh dưỡng được coi là nguyên nhân gây ra từ 20 đến 40% tổng số ca tử vong liên quan đến ung thư.
Một số yếu tố có thể góp phần làm giảm cân liên quan đến ung thư. Các tế bào ung thư cần nhiều năng lượng hơn tế bào khỏe mạnh, vì vậy, cơ thể có thể đốt cháy nhiều calo hơn khi nghỉ ngơi so với bình thường. Tế bào cũng giải phóng các chất ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng calo từ thức ăn, góp phần giảm cân.
Theo Scripps, khi cơ thể cố gắng tự bảo vệ khỏi ung thư, hệ miễn dịch sẽ tiết ra cytokine làm tăng tình trạng viêm. Cytokine có thể làm thay đổi quá trình trao đổi chất và can thiệp vào các hormone kiểm soát sự thèm ăn, khiến cân nặng tiếp tục giảm.
Một số loại ung thư có nhiều khả năng dẫn đến giảm cân hơn những loại khác. Ung thư ảnh hưởng đến miệng hoặc cổ họng gây khó khăn cho việc nhai hoặc nuốt. Bệnh nhân bị buồn nôn, ăn rất ít hoặc không thèm ăn.
Các loại ung thư liên quan tới cổ họng, miệng dễ khiến người bệnh giảm cân. Ảnh minh họa: Getwell.
Các khối u ảnh hưởng đến các cơ quan gần bụng, chẳng hạn ung thư buồng trứng, có thể đè lên dạ dày khi chúng phát triển. Vì vậy, bệnh nhân cảm thấy no mặc dù họ ăn ít hơn.
Giảm cân cũng có thể liên quan đến điều trị ung thư. Hóa trị và xạ trị dễ gây buồn nôn, nôn cũng như chán ăn. Một số bệnh nhân bị lở loét miệng khiến việc ăn uống bình thường trở nên khó khăn, đau đớn.
Ung thư không chỉ tác động tiêu cực tới thể chất mà còn cả cảm xúc. Cùng với sự mệt mỏi và suy nhược, bệnh nhân dễ căng thẳng, trầm cảm hoặc lo lắng. Tất cả điều này tác động tiêu cực đến sự thèm ăn.
Theo Zing – Ảnh: T.H