Chia sẻ trên trang See.News, tiến sĩ Magdy Badran nhận định việc kiểm soát tốt bệnh hen suyễn trong thời kỳ mang thai giúp em bé giảm nguy cơ mắc các biến chứng về sau.

Bệnh hen suyễn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho thai nhi. Ảnh: Novant Health.

Thông thường, phụ nữ mắc bệnh hen suyễn có xu hướng lo lắng về việc mang thai sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp như thế nào và liệu thuốc trị hen suyễn có gây hại cho em bé hay không.

Theo thống kê, bệnh hen suyễn ảnh hưởng khoảng 4-12% phụ nữ trong độ tuổi sinh nở. Tiến sĩ Magdy Badran cho rằng kiểm soát tốt bệnh hen suyễn có thể giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng về sau; và những phương pháp điều trị bệnh hen suyễn đều không gây hại cho em bé đang phát triển.

Ảnh hưởng của bệnh hen suyễn đối với phụ nữ mang thai

Theo ông Magdy Badran, mức độ trầm trọng của những người mắc bệnh hen suyễn khi mang thai dường như không có nhiều thay đổi. Cụ thể, tỷ lệ cải thiện rơi vào khoảng 23%, trong khi tỷ lệ xấu đi là 30%. Tuy nhiên, nếu bị mắc hen suyễn nặng, nhiều khả năng tình trạng bệnh nhân sẽ diễn biến theo hướng xấu đi.

Ngoài ra, những phụ nữ có triệu chứng hen suyễn xảy ra vào thời gian kinh nguyệt, nhiều khả năng bị hen suyễn nặng hơn khi mang thai. Quá trình này cũng lặp lại trong các lần mang thai kế tiếp. Do đó, việc điều trị bệnh hen suyễn có thể khác nhau tùy theo giai đoạn của thai kỳ.

Cũng theo ông Badran, tình trạng trầm trọng của bệnh hen suyễn nhiều khả năng xảy ra vào khoảng tháng thứ 6 thai kỳ. Nhưng may mắn, phụ nữ mang thai có thể kiểm soát tốt bệnh hen suyễn bằng cách dùng thuốc điều trị và theo dõi thường xuyên.

Trong thời kỳ mang thai, tỷ lệ cơn hen nguy kịch cần can thiệp y tế xảy ra vào khoảng 10-20% phụ nữ và 6% trong số họ cần nhập viện. Một điều cần lưu ý là phụ nữ mang thai thường cảm thấy khó thở, nên nó sẽ khó phân biệt với bệnh hen suyễn. Tuy vậy, hầu hết phụ nữ mang thai mắc bệnh hen suyễn đều sẽ trở lại trạng thái trước khi mang thai trong vòng 3 tháng cuối.

Biến chứng tiềm ẩn

Hen suyễn là một trong những căn bệnh phổ biến nhất xảy ra trong thời kỳ mang thai. Trong đó, tiền sản giật có thể gây hại cho người phụ nữ và thai nhi. Theo ước tính, tình trạng này xảy ra ở ít nhất 5-8% tổng số ca mang thai và nó sẽ nhanh chóng trở nặng nếu không được điều trị kịp thời.

Các triệu chứng của tiền sản giật bao gồm huyết áp cao, protein trong nước tiểu tăng, phù nề, tăng cân đột ngột, đau đầu, đau bụng, buồn nôn và thay đổi thị lực. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm luôn là điều quan trọng.

Nếu không điều trị, tiền sản giật có thể đe dọa tính mạng của người phụ nữ và thai nhi. Nhưng nếu được điều trị với phương pháp đúng đắn, hầu hết phụ nữ đều hồi phục hoàn toàn. Ngoài ra, tiền sản giật còn làm tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh hen suyễn, bệnh chàm và dị ứng.

Không những vậy, các biến chứng tiềm ẩn khác của bệnh hen suyễn đối với thai nhi là hạn chế tăng trưởng, nhẹ cân và sinh non. Đôi khi, người mẹ sẽ cần phải sinh mổ. Hơn nữa, các biến chứng này cũng khiến em bé gặp nguy hiểm vì không nhận đủ oxy trong bụng mẹ.

Benh hen suyen anh 1

Phụ nữ mang thai cần được điều trị hen suyễn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Ảnh: Shutterstock.

Những biện pháp kiểm soát bệnh hen suyễn

Ông Magry Badran khuyên những người mắc bệnh hen suyễn nên tiêm phòng cúm và phụ nữ mang thai cũng không phải ngoại lệ, bởi vì bệnh cúm gây ra nhiều sự nguy hiểm cho nhóm đối tượng này.

Vaccine cúm có thể được tiêm bất kỳ trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Đồng thời, tháng 9 và tháng 10 hàng năm là thời điểm tốt nhất để tiến hành tiêm chủng. Ông Badran lưu ý phụ nữ mang thai nên cân nhắc tiêm phòng sớm hơn (tháng 7 hoặc tháng 8 thai kỳ).

Nếu bệnh hen suyễn được kiểm soát, các cơn hen suyễn hầu như không xảy ra trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Ngoài ra, những phụ nữ mắc bệnh hen suyễn được điều trị tốt đều có thể thực hiện các kỹ thuật thở trong quá trình chuyển dạ mà không gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, phụ nữ cũng cần tuân thủ những biện pháp để ngăn ngừa các biến chứng hen suyễn khi mang thai, bao gồm đi khám bác sĩ thường xuyên, uống thuốc theo toa, tiêm phòng cúm, tránh các tác nhân gây hen suyễn, giảm căng thẳng, ăn nhiều bữa nhỏ, không nằm xuống ngay sau khi ăn, nhận biết sớm các dấu hiệu bùng phát và đi khám bác sĩ khi phát hiện ra triệu chứng của hen suyễn.

Đồng thời, phụ nữ mang thai bị hen suyễn nên tăng cường các biện pháp phòng tránh (không dùng đến thuốc) để đảm bảo sự thoải mái nhất có thể. Họ cần tránh xa những người mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cũng như giảm tiếp xúc với các chất gây dị ứng như mạt bụi, vẩy da động vật, phấn hoa, nấm mốc và gián.

Ông Magry Badran khẳng định việc tập thể dục thường xuyên rất quan trọng đối với sức khỏe. Trong đó, bơi lội là một bài tập hữu hiệu cho người mắc bệnh hen suyễn. Sử dụng thuốc giảm đau nhanh từ 10-15 phút trước khi tập thể dục có thể giúp bà bầu chịu đựng và thực hiện được nhiều bài tập khác nhau.

Theo Minh Uyên (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link