Những ngày qua, chỉ số chất lượng không khí ở nhiều nơi tại TPHCM và Hà Nội vượt mức cảnh báo đỏ; trong khi nồng độ bụi mịn PM2.5 luôn ở mức rất cao, vượt ngưỡng tiêu chuẩn nhiều lần. Các chuyên gia khuyến cáo, điều này sẽ để lại hệ lụy lâu dài về sức khỏe với thế hệ tương lai như giảm tuổi thọ, gia tăng gánh nặng về y tế.
Nhiều bệnh nhi nhập viện do mắc các bệnh lý về đường hô hấp. Ảnh: THÀNH SƠN
Ô nhiễm vượt quy chuẩn
Hiện các tỉnh miền Bắc đang có những đợt không khí lạnh cường độ mạnh liên tục gây ảnh hưởng tới đời sống người dân. Đáng lo ngại là không khí lạnh kết hợp với các đợt ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang gây ra những nguy hại cho sức khỏe. Ghi nhận từ hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air (mạng lưới theo dõi chất lượng không khí thực tế đầu tiên phủ khắp 63 tỉnh, thành phố) cho thấy, nhiều ngày qua, hàng loạt điểm quan trắc trên địa bàn Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức 160-198 (không khí xấu, có hại cho sức khỏe), thậm chí một số điểm AQI ở mức 211-290 (nguy hại) và một số điểm ở mức vượt ngưỡng 300 – rất nguy hại cho sức khỏe. Thời điểm không khí bị ô nhiễm nhất thường vào sáng sớm và kéo dài tới trưa, thậm chí có ngày tới chiều tối. Nhiều tỉnh phía Bắc đang có tốc độ xây dựng cao và phát triển mạnh về công nghiệp cũng bị ô nhiễm trầm trọng, như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng.
Nồng độ bụi mịn PM2.5 (tác nhân gây nguy hại lớn nhất đối với sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch) đo được trong không khí ở mức rất cao. Theo quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT, nồng độ bụi mịn trung bình là 25μg/m3; còn tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 10μm/m3. Nhưng thực tế tại nhiều điểm quan trắc ở Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh cho thấy, bụi mịn PM2.5 ở mức 70-135μg/m3.
Tại TPHCM, nhiều ngày qua, toàn địa bàn bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc từ sáng sớm; và trên các ứng dụng quan trắc không khí, AQI luôn ở mức có hại cho sức khỏe. Kết quả quan trắc không khí 4 đợt gần nhất của Sở TN-MT TPHCM cho thấy, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở TPHCM vượt ngưỡng cho phép so với quy chuẩn Việt Nam là 50µg/m3. Trong tháng 9, giá trị tối đa của nồng độ bụi mịn PM2.5 đo được là 52µg/m3. Tháng 10, nồng độ tối đa là 59µg/m3, và lên 66µg/m3 trong đợt đo gần nhất vào cuối tháng 11.
Ảnh hưởng lớn tới sức khỏe
Theo các chuyên gia y tế, người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 có thể bị hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt… Tiếp xúc lâu dài sẽ làm giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính, tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư. Một số nghiên cứu chỉ ra, Hà Nội và TPHCM có tỷ lệ trẻ em, người già nhập viện liên quan đến các bệnh về hô hấp gia tăng trong thời gian xuất hiện ô nhiễm không khí nghiêm trọng kéo dài. Ở Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao thì 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí.
Do vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào khi không khí bị ô nhiễm nặng, thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống, trồng cây xanh trong và quanh nhà. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách. Vệ sinh mũi, súc họng sáng – tối bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, tình trạng không khí bị ô nhiễm nặng có nhiều yếu tố như: gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa, độ ẩm cao làm giảm khuếch tán của không khí, các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được khiến nồng độ PM2.5 ngày càng tăng. Ngoài ra, các yếu tố từ nguồn khí thải giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, làng nghề và các hoạt động dân sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí.
Để giảm thiểu tình trạng không khí ô nhiễm nặng nề như hiện nay, cần kiểm soát phát thải khí thải từ ô tô, xe máy và đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến, thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị. Phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành, chú trọng phát triển các phương tiện giao thông xanh như: xe chạy bằng nhiên liệu sạch, ô tô điện, xe máy điện. Đẩy nhanh tiến độ di chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để dành đất phát triển không gian xanh.
Theo Thái An – Minh Khang (sggp) – Ảnh: T.H