Theo nghiên cứu từ nhóm chuyên gia ở Ấn Độ và Mỹ, việc ho, hắt hơi có thể tái tạo virus SARS-CoV-2 rồi đẩy nó vào sâu hơn trong phổi.
Ho và hắt hơi khiến virus văng ra ngoài, tái tạo khí dung rồi được hít trở lại cơ thể và vào sâu hơn trong phổi. Ảnh: iStock.
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm chuyên gia từ Viện Công nghệ Madras (IIT-Madras), Đại học Jadavpur (Ấn Độ) và Đại học Northwestern (Mỹ).
Đẩy virus vào sâu trong phổi
Ho và hắt hơi có thể đánh bật các cụm virus gây bệnh đường hô hấp như SARS-CoV-2 khỏi cổ họng và tái tạo khí dung cho chúng. Khi con người hít vào, chúng sẽ đi sâu hơn vào hệ hô hấp.
Trong bài báo vừa xuất bản gần đây, nhóm nghiên cứu cho biết quá trình phun khí dung lặp đi lặp lại như vậy là cách virus tiếp cận sâu đến phổi, gây viêm nhiễm ở cơ quan này.
Theo Indian Express, lâu nay, giới khoa học đều biết virus SARS-CoV-2 có thể gây ra các triệu chứng ở đường hô hấp trên như đau họng cũng như các triệu chứng ở đường hô hấp dưới như viêm phổi. Tuy nhiên, họ chưa làm rõ cách thức lây nhiễm từ miệng và mũi đến phổi.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các mô hình toán học về sự nhân lên của virus trong cơ thể và các phương thức lây truyền khác nhau để đi đến kết luận.
“Ý tưởng là đưa ra một cơ chế hợp lý về cách virus di chuyển từ vòm họng đến đường hô hấp dưới. Điều này rất quan trọng vì chúng ta đều biết chỉ khi nhiễm trùng lan đến phổi, bệnh nhân mới mắc bệnh nghiêm trọng với viêm phổi và cơn bão cytokine”, giáo sư Mahesh Panchagnula từ khoa Cơ học Ứng dụng tại IIT-Madras cho biết.
Ông nhấn mạnh đây chỉ là một cơ chế có thể xảy ra vì không có cách nào để nghiên cứu điều này xảy ra cơ thể bệnh nhân.
Một số giả thuyết khác đã được đưa ra, ví dụ virus di chuyển qua màng nhầy đến phổi, virus xâm nhập vào mạch máu rồi đến phổi hoặc virus xâm nhập phổi khi bệnh nhân hít sâu. Tuy nhiên, mốc thời gian từ khi các triệu chứng xuất hiện cho đến khi một người bị viêm phổi không khớp với những lý thuyết này.
Tiến sĩ Panchagnula cho biết: “Giả thuyết của chúng tôi là các khuẩn lạc virus trong lớp niêm mạc bị bong ra do các sự kiện tác động mạnh như ho, hắt hơi. Sau đó, chúng trở thành khí dung và được người đó hít vào, truyền nhiễm trùng sâu hơn vào đường hô hấp. Quá trình này tiếp tục cho đến khi virus đến được đường hô hấp dưới. Mô hình toán học của chúng tôi cho thấy quá trình kéo dài khoảng 4-5 ngày. Đây cũng là những gì chúng tôi thấy về mặt lâm sàng ở bệnh nhân Covid-19”.
Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng mô hình với virus cúm để đi đến kết luận tương tự.
Ông nói thêm: “Chúng tôi tin rằng một khi hiểu được các cơ chế này, chúng ta có thể xem xét các biện pháp can thiệp nhằm trì hoãn hoặc giảm khả năng nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Các chiến lược như sử dụng thuốc giảm ho hoặc thuốc long đờm có thể ngăn chặn quá trình tái tạo khí dung và nhiễm trùng phổi sâu”.
Phát hiện mới cho thấy vaccine thực sự rất quan trọng trong việc phòng ngừa Covid-19 và hạn chế bệnh diễn biến nặng. Ảnh: AP.
Củng cố tầm quan trọng của vaccine
Tiến sĩ Aranyak Chakravarty, trợ lý giáo sư trường Nghiên cứu và Ứng dụng Hạt nhân, Đại học Jadavpur, nói kỹ hơn về vấn đề này. Ông cho hay công trình còn có thêm một phát hiện quan trọng khác.
Cụ thể, nghiên cứu của họ chỉ ra rằng mặc dù việc vận chuyển các giọt chất nhầy bị nhiễm bệnh trong đường thở đóng vai trò quan trọng, sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng cũng phụ thuộc vào phản ứng miễn dịch của người bị nhiễm bệnh.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng một hệ thống miễn dịch được kích hoạt – do bị nhiễm trùng trước đó hoặc do tiêm vaccine – có thể dẫn đến sự hiện diện cao hơn của các kháng thể ban đầu, vô hiệu hóa một số lượng lớn virus và làm chậm quá trình chúng nhân lên. Điều này làm giảm số lượng hạt virus có thể đi vào phổi, do đó làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian cần thiết để chữa lành nhiễm trùng.
Giáo sư Neelesh Patankar từ khoa Kỹ thuật Cơ khí tại Đại học Northwestern cho biết: “Phát hiện này củng cố tầm quan trọng của việc tiêm phòng trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng nặng. Vaccine giúp cơ thể tạo ra các tế bào đặc biệt gọi là tế bào lympho B và tế bào lympho T (hoặc tế bào bộ nhớ). Tế bào lympho T ngăn chặn sự nhân lên của virus. Các tế bào lympho B tạo ra các kháng thể tiêu diệt virus”.
Theo Nguyên Lê (zing) – Ảnh: T.H