Giai đoạn dưới 6 tháng tuổi, em bé vẫn được bảo vệ bởi các kháng thể đi qua bánh nhau trong suốt thai kỳ. Sau 6 tháng tuổi, em bé không còn được bảo vệ bởi các kháng thể này. Trong giai đoạn này, bé vẫn tiếp tục nhận được kháng thể từ sữa mẹ nếu bú mẹ. Mặt khác, hệ miễn dịch của bé vẫn còn non yếu và hoàn thiện dần.

Muốn trẻ không mắc bệnh, phụ huynh cần chú ý 2 điều là tăng cường hệ miễn dịch tự thân và tránh để trẻ tiếp xúc với các mầm bệnh.

Để tăng cường miễn dịch tự thân, trẻ cần được bú mẹ càng lâu càng tốt và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Dinh dưỡng cung cấp chất liệu cho hệ thống miễn dịch chống lại mầm bệnh.

Mỗi lần trẻ bệnh, cha mẹ cần cung cấp năng lượng, dinh dưỡng ở dạng dễ tiêu cho con và tuyệt đối không được kiêng ăn.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần tiêm chủng các bệnh đầy đủ cho con. Những bệnh được tiêm chủng thường là không có thuốc điều trị đặc hiệu, có tác động nặng nề và có thể để lại di chứng nặng, thậm chí tử vong cho trẻ. Phụ huynh cần nhớ lịch tiêm nhắc cho con bên cạnh lịch tiêm cơ bản, giúp trẻ bổ sung đủ kháng thể chống lại bệnh tật.

Ngoài ra, trẻ cũng cần ngủ đủ, hoạt động thể chất tốt.

Để giúp trẻ tránh tiếp xúc với mầm bệnh, người lớn cần hạn chế tối đa cho trẻ tiếp xúc những người mắc bệnh. Trẻ mắc các bệnh lây qua đường hô hấp hay tiêu hóa khi tiếp xúc với trực tiếp nước bọt, phân… hoặc gián tiếp qua đồ chơi dính dịch của người bệnh.

Trường học luôn có mầm bệnh, vì vậy, khi đón trẻ đi học về, phụ huynh nên nhỏ mũi, súc nước miệng nước muối, tắm rửa sạch sẽ cho con. Điều này giúp giảm mầm bệnh bám trong họng, mũi, da trẻ.

Hệ thống miễn dịch của trẻ sẽ được trui rèn thông qua tiêm chủng và nhiều lần mắc bệnh vặt. Cơ thể trẻ sẽ tích lũy kháng thể, chống lại mầm bệnh, giúp trẻ không mắc các bệnh nặng.

TS.BS Phạm Diệp Thùy Dương, nguyên giảng viên bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, giảng viên Đại học Quốc tế Miền Đông chia sẻ.

Theo Zing – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link