Ăn trứng và hải sản, không để bộ não ‘nhàn rỗi’, duy trì đam mê với cuộc sống hay giữ thói quen ngủ trưa giúp làm chậm thoái hóa não.

Thoái hóa não bộ là một quá trình biến đổi của não bộ khi lớn tuổi, bao gồm những thay đổi mà tất cả các cá nhân trải qua và những thay đổi do bệnh tật (bao gồm cả những căn bệnh không được nhận biết). Thoái hóa não là yếu tố nguy cơ chính đối với hầu hết các bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến, bao gồm suy giảm nhận thức nhẹ, chứng mất trí bao gồm bệnh Alzheimer, bệnh mạch máu não, bệnh Parkinson và bệnh Lou Gehrig.

Vậy làm thế nào để trì hoãn sự thoái hóa não?

Thoái hóa não sẽ gây các bệnh suy giảm nhận thức, Alzheimer hay Parkinson.
Thoái hóa não sẽ gây các bệnh suy giảm nhận thức, Alzheimer hay Parkinson.

1. Ăn thức ăn bổ não

Trứng

Trứng giàu lecithin. Đây là chất cấu trúc cơ bản quan trọng nhất của tế bào não, có thể cung cấp choline và có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe não. Thiếu lecithin gây mất trí nhớ và ảnh hưởng đến chức năng nhận thức.

Cách ăn được khuyên nhiều nhất là trứng luộc, kem sữa trứng hoặc có thể bác trứng với một ít dầu. Không nên dùng trứng rán, do món ăn này có lượng calo tương đối cao và có thể khiến các chất dinh dưỡng bị phá hủy. Tỷ lệ hấp thụ dầu của trứng rán cao tới 43%, không có lợi cho việc kiểm soát cân nặng và tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính.

Hải sản

Hải sản rất giàu DHA, thuộc nhóm axit béo n-3 không no. DHA là thành phần quan trọng của não bộ, được mệnh danh “vàng của não bộ”, không chỉ có lợi cho sức khỏe hệ thần kinh mà còn có tác dụng chống viêm. Ăn cá là cách bổ sung DHA trực tiếp và hiệu quả. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người thường xuyên ăn cá có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer thấp hơn.

Hải sản giàu DHA phổ biến gồm cá thu, cá hồi, cá tuyết, cá rô, cá đuôi gai, cá chỉ vàng, cá mú… Trong đó 60 gam cá hồi có thể cung cấp hơn 500 mg DHA, 50 gam cá thu có thể cung cấp hơn 700 mg DHA.

Rau lá xanh

Các loại rau lá xanh thường giàu vitamin E, axit folic, flavonoid và caroten, có thể làm chậm quá trình lão hóa não.

Trong số các loại rau lá xanh phổ biến, rau dền, bắp cải, cải cúc, cải dầu, cải thảo, rau muống, mồng tơi, tỏi tây, cần tây, rau diếp và rau mùi đều được khuyên dùng. Cần lưu ý các loại rau có hàm lượng axit oxalic cao như mồng tơi, rau dền cần được ăn sau khi chần để tránh ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ và sử dụng các chất dinh dưỡng khác. Nên ăn từ 300 g đến 500 g rau mỗi ngày, trong đó rau lá xanh tốt nhất nên chiếm một nửa.

2. Không ngừng học tập, đừng để bộ não ngừng suy nghĩ

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng quá trình học các kỹ năng mới thực sự giúp tu sửa chức năng và cấu trúc của não bộ. Do đó, về lý thuyết, miễn là chúng ta không ngừng sử dụng bộ não, không ngừng suy nghĩ và học hỏi, chúng ta có thể trì hoãn sự lão hóa của não một cách hiệu quả.

3. Duy trì niềm đam mê cuộc sống

Khi được làm những việc chúng ta quan tâm, bộ não sẽ ở trạng thái hoạt động. Các hoạt động như chơi cờ, khiêu vũ, chơi nhạc cụ, thể thao, đan lát, làm thủ công mỹ nghệ, trồng hoa, viết báo… đều có lợi cho não, do chúng giống như hình thức tập thể dục não. Thậm chí đi dạo quanh khu phố hoặc trò chuyện với người thân và bạn bè cũng tốt hơn suốt ngày ở trong nhà, không giao tiếp với ai.

Tóm lại, bạn phải duy trì niềm đam mê với cuộc sống và đừng để bộ não trở nên “nhàn rỗi” trong một thời gian dài.

4. Duy trì thói quen ngủ trưa

Năm 2021, một nghiên cứu được công bố trực tuyến bởi Giáo sư Sun Lin của Đại học Jiao Tong Thượng Hải và Giáo sư Han Cai của Bệnh viện Nhân dân số 4, thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy trên tạp chí General Psychiatry (Tạp chí Y học của Anh), cho thấy giấc ngủ trưa có thể ngăn ngừa chứng mất trí nhớ do tuổi già (bệnh Alzheimer) một cách hiệu quả. Ngủ trưa thường xuyên cũng có thể cải thiện sự nhanh nhẹn trong suy nghĩ.

Thời gian ngủ trưa tốt nhất từ 11h đến 13h. 15 phút đến nửa tiếng ngủ trưa giúp cho cơ thể cân bằng, sảng khoái tinh thần, bổ sung năng lượng.

5. Chủ động phòng tránh các bệnh liên quan

Cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, tiểu đường và các bệnh khác đều sẽ ảnh hưởng đến chức năng của não bộ. Nhiều bệnh trong số này xuất hiện khi con người còn trẻ, và một số bệnh có xu hướng di truyền trong gia đình. Đối với nhóm nguy cơ cao, nếu phát hiện sớm ở giai đoạn đầu của bệnh thì có thể điều trị hiệu quả.

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tránh các yếu tố có thể kiểm soát được sẽ làm giảm đáng kể tổn thương chức năng não do những căn bệnh trên gây ra. Ngoài ra nên kịp thời phát hiện, chẩn đoán và điều trị để trì hoãn, kiểm soát sự phát triển của bệnh. Trường hợp nhẹ cần điều chỉnh lối sống, cải thiện dinh dưỡng, sửa các thói quen sinh hoạt không tốt, trường hợp nặng thì dùng thuốc.

6. Thường xuyên luyện ngón tay để rèn trí não bằng cách thực hiện các động tác như xoa tay, duỗi ngón tay…

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link