Mỹ phẩm để làm giảm sắc tố da, giúp da sáng hơn là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.
Việc tiếp xúc với thủy ngân có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, bao gồm tổn thương thận, não và hệ thần kinh. Ảnh: Shutterstock.
Theo các nhà nghiên cứu thị trường Global Industry Analysts (Mỹ), ngành công nghiệp làm sáng da có trị giá khoảng 8 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 12,6 tỷ USD vào năm 2027. Nó cũng gây nhiều tranh cãi và được thúc đẩy bởi chủ nghĩa màu da, trong đó làn da sáng hơn có liên quan đến sự giàu có và địa vị.
Ở châu Á, làn da sẫm màu từ lâu đã gắn liền với nghèo đói và công việc trên các cánh đồng, trong khi làn da nhạt màu phản ánh cuộc sống thoải mái hơn, theo South China Morning Post.
Ở Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc, tục lệ này bắt nguồn từ những lý tưởng làm đẹp không thực tế. Đó không chỉ là khía cạnh xấu của ngành công nghiệp làm đẹp, nơi làn da trắng hoặc sáng hơn được săn đón, những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cũng đáng được lo ngại.
Mối đe dọa lớn nhất là các loại kem có chứa thủy ngân, chất làm trắng da này ngăn chặn việc sản xuất melanin – một sắc tố tạo màu cho da, tóc và mắt của một người.
Các sản phẩm mỹ phẩm có thủy ngân thường được bán trên thị trường dưới dạng kem làm sáng da và điều trị chống lão hóa, điều này giúp loại bỏ các đốm đồi mồi, tàn nhang và nếp nhăn. Chúng cũng được sử dụng như phương pháp điều trị mụn trứng cá. Nhưng việc tiếp xúc với thủy ngân có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, bao gồm tổn thương thận, não và hệ thần kinh.
Tháng trước tại Hong Kong, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe (CHP) đã kêu gọi người dân không sử dụng hai sản phẩm kem làm trắng da vì lo ngại chúng chứa quá nhiều thủy ngân. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi hai phụ nữ 39 và 43 tuổi nhập viện vì nghi ngờ ngộ độc thủy ngân sau khi sử dụng các sản phẩm này.
Theo CHP, các triệu chứng do tiếp xúc lâu dài với thủy ngân bao gồm run, khó chịu, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, khó tập trung, suy giảm thính giác, thị lực và thay đổi vị giác.
“Trong những trường hợp nghiêm trọng, suy thận có thể xảy ra”, người phát ngôn của CHP cảnh báo.
Hai bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh “protein niệu” – tình trạng có lượng protein cao được phát hiện trong nước tiểu và thường là dấu hiệu của tổn thương thận.
Cả hai bệnh nhân đều có điểm chung là sử dụng hai sản phẩm mang thương hiệu Goree của Pakistan. Các sản phẩm đó là “kem làm đẹp ngày và đêm Goree không dầu” và “kem làm đẹp Goree với Lycopene, Avocado & Aloevera”.
Làm sáng da là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Ảnh: Sohu.
CHP đã kêu gọi mọi người ngừng sử dụng các sản phẩm và tham khảo ý kiến chuyên gia nếu họ cảm thấy không khỏe. Đầu năm nay, một nghiên cứu của Zero Mercury Working Group, liên minh gồm hơn 110 tổ chức phi chính phủ về môi trường và sức khỏe cộng đồng đã tìm thấy mức độ nguy hiểm của thủy ngân trong các loại kem bôi da được bán trên Amazon, eBay và các nhà bán lẻ trực tuyến khác.
Tiến sĩ Nichola Salmond, bác sĩ gia đình tại Hong Kong, cho biết các loại kem dưỡng da có chứa thủy ngân có thể gây độc tính với các tác dụng phụ từ viêm da gây mẩn đỏ, kích ứng, bong tróc đến làm mỏng da, thậm chí làm sắc tố da xấu đi nếu bạn sử dụng không đúng cách.
Tiến sĩ Salmond nói những người tìm kiếm phương pháp điều trị da nên tham khảo ý kiến chuyên gia.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể kê toa các phương pháp điều trị bao gồm axit tranexamic, loại thuốc kiểm soát chảy máu nhưng cũng có thể bôi tại chỗ dưới sự giám sát của bác sĩ nhằm giảm các đốm đen và cải thiện tình trạng tăng sắc tố da.
Theo Lan Anh (zing) – Ảnh: T.H