Theo nghiên cứu, chỉ số BMI cao có thể làm tăng 81% nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng. Trong khi đó, người hút thuốc suốt đời có nguy cơ nhập viện cao hơn 61% khi nhiễm nCoV.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng. Ảnh: Shutterstock.
Trong khi phần lớn thế giới tập trung vào việc thích nghi với thời kỳ hậu Covid-19, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm kiếm về những yếu tố có thể khiến việc lây nhiễm nCoV ở một số người trở nên nghiêm trọng hơn so với người khác.
Theo South China Morning Post, cuộc nghiên cứu di truyền quy mô lớn có sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu từ Đại học Hong Kong (HKU) và Đại học Hong Kong Trung Quốc (CUHK) kết luận hút thuốc và béo phì có khả năng làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 từ nhẹ đến nặng. Kết quả này được công bố trên tạp chí Virus học Y tế.
Tiến sĩ Ryan Au Yeung Shiu-lun, nhà nghiên cứu, trợ lý giáo sư tại HKU, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi xác nhận tầm quan trọng của hút thuốc và béo phì trong việc làm tăng nguy cơ mắc tất cả dạng Covid-19”.
Kết quả cũng phát hiện ra việc nhắm mục tiêu vào một loại enzyme quan trọng mà virus Corona sử dụng để lây nhiễm tế bào như enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2) có thể bù đắp rủi ro mà bệnh béo phì gây ra.
ACE2 là “thụ thể” protein được tìm thấy trên bề mặt của nhiều tế bào trong cơ thể con người, đặc biệt là những tế bào ở tim, thận và phổi. Enzyme này cung cấp một điểm để virus Covid-19 xâm nhập và lây nhiễm vào cơ thể.
Một số bệnh nhân nhiễm nCoV đã được điều trị bằng thuốc điều chỉnh ACE2, loại thuốc có hiệu quả kiểm soát sự xâm nhập của virus.
BMI cao làm tăng khả năng mắc Covid-19 nghiêm trọng
Nhóm tác giả đã sử dụng các nghiên cứu liên kết trên hệ gene học và trích xuất gene liên quan đến hút thuốc, béo phì cũng như các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khác. Từ quá trình suy luận này, họ đã tìm ra mối liên hệ đáng báo động giữa béo phì và Covid-19.
Chỉ số khối cơ thể (BMI) là tỷ lệ giữa cân nặng và chiều cao của một người. Trong khi đó, tỷ lệ eo – hông là tỷ lệ giữa chu vi vòng eo, vòng hông để xác định lượng chất béo được lưu trữ trên eo, hông và mông.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra chỉ số BMI cao có thể làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng lên tới 81%, tăng nguy cơ nhập viện lên tới 55% và tăng nguy cơ nhiễm virus lần đầu tiên đến 18%. Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm nCoV nặng đối với người có tỷ lệ eo – hông lớn có thể vượt 34%.
Năm 2016, khoảng 13% người trưởng thành trên thế giới được coi là béo phì, trong đó Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ có tỷ lệ béo phì lần lượt là 25% và 37%. Thời kỳ đại dịch, các quốc gia giàu có ở châu Âu và Mỹ nằm trong số những nơi có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao.
Người có BMI cao và thường xuyên hút thuốc cần tiêm mũi nhắc lại càng sớm càng tốt. Ảnh: Shutterstock.
Nhật Bản, Hàn Quốc có tỷ lệ béo phì thấp hơn nhiều nước phương Tây. Tuy nhiên, các quốc gia, vùng lãnh thổ khác của khu vực Đông Á như Trung Quốc không như thế. Khoảng 50% dân số Trung Quốc đại lục, tức hơn nửa tỷ người, bị thừa cân và 16,4% dân số bị béo phì.
Tính riêng Hong Kong, tỷ lệ này cũng tương tự. Số trẻ em mẫu giáo và tiểu học thừa cân ở đây tăng gần gấp đôi trong đại dịch Covid-19. Đối với trẻ 9-13 tuổi, mức tăng là khoảng 7-24% trong giai đoạn này.
Người hút thuốc thường xuyên có nguy cơ mắc Covid-19 nặng
Mặc dù tỷ lệ cư dân Hong Kong (Trung Quốc) hút thuốc giảm xuống còn 9,5%, thuốc lá điện tử (vaping) tăng gần 1,5 lần trong 2 năm qua.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra người hút thuốc suốt đời có nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng cao hơn 65%, nguy cơ nhập viện trên 61% và dễ nhiễm nCoV vào lần đầu tiên cao hơn 23% so với người không hút thuốc.
Đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất cho đến nay nhằm khám phá vai trò của các yếu tố rủi ro khác nhau đối với mức độ nghiêm trọng khác nhau của các trường hợp mắc Covid-19.
Nó nhấn mạnh sự nguy hiểm của béo phì và hút thuốc, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết là 2 trong số những nguyên nhân lớn nhất gây ra các vấn đề sức khỏe.
“Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ gene học và phân tích dữ liệu lớn trong việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, nó cho thấy giá trị của việc nâng cao hiểu biết về sự tương tác giữa bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm”, Kwok Kin-on, nhà nghiên cứu, trợ lý giáo sư của trường Y tế Công cộng và Chăm sóc Ban đầu tại CUHK, chia sẻ.
Theo ông Kwok, các nhóm có nguy cơ cao như người hút thuốc khó bỏ cai nghiện và người có chỉ số BMI cao khó giảm cân nên được khuyến khích đi tiêm mũi nhắc lại càng sớm càng tốt, từ đó giúp giảm thiểu tác động nghiêm trọng có thể xảy ra khi họ mắc Covid-19.
Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H