Cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao cũng là lúc nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tăng cao.
An toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối mỗi dịp Tết. Ảnh: elevate.
Chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa, người dân Việt Nam sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Năm nay, Chính phủ đã đồng ý phương án thời gian nghỉ kéo dài tới 7 ngày. Thời gian nghỉ dài cùng các lễ hội sau Tết là nguy cơ lớn dẫn đến các vụ việc ngộ độc thực phẩm đáng tiếc.
Yếu tố gây ngộ độc thực phẩm
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thực phẩm là tất cả đồ ăn, thức uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến.
Từ đây, ngộ độc thực phẩm thường đến từ 3 nguyên nhân chính là thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn); thực phẩm bị nhiễm hóa chất; bản thân thực phẩm có độc (chất độc có tự nhiên trong thực phẩm là thực vật, động vật như cá nóc, gan cóc, trứng cóc, vỏ sắn, nấm độc, lá ngón…).
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống Độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Ảnh: Quốc Toàn.
“Do tác nhân gây độc là rất đa dạng, triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng khá phong phú. Tùy vào loại nguyên nhân gây độc, triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài giờ hoặc muộn trong một vài ngày”, vị chuyên gia nói.
Ông cho rằng hầu hết triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường bắt đầu từ đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại… xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn.
Trong trường hợp diễn biến nặng, người bệnh có thể có biểu hiện bệnh phức tạp ngoài ở đường tiêu hóa như thần kinh, tim mạch, hô hấp…
Trước nguy cơ đó, BS Nguyên khuyến cáo ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể xử trí ở nhà bằng cách cố gắng nôn hết thực phẩm đã ăn hoặc uống nước gây nôn nếu người bệnh từ 2 tuổi trở lên, còn tỉnh táo, mới ăn trong vòng vài giờ và chưa nôn.
Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng, gia đình cần nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế, người hỗ trợ để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
BS Nguyên lưu ý thêm: “Người xung quanh cũng nên giữ lại thực phẩm nghi ngờ, bao gồm nhãn mác, thậm chí chất nôn của người bệnh để giúp việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm”.
Tết là thời gian nguy cơ cao
Mới đây, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhận định Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 có thời gian nghỉ Tết dài ngày, sau đó lại là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước với nhiều lượt khách tham dự.
Mặt khác, Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát, những loại hạt…
“Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng hoạt động. Bên cạnh đó, thời gian này thời tiết phía bắc thường ẩm ướt, phía nam thường nắng nóng gay gắt. Tất cả là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm”, bộ trưởng khẳng định.
Đoàn thanh tra về an toàn thực phẩm trong thời gian giáp Tết. Ảnh: Thắng Đạt.
Do đó, từ ngày 15/12 đến hết 12/3/2023, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương…) sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, những làng nghề chế biến thực phẩm, một số tỉnh có cửa khẩu, thành phố lớn; huy động tối đa kênh truyền thông phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Cơ quan chức năng sẽ tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, lễ hội như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm… và cơ sở dịch vụ ăn uống.
Trong khi đó, các đoàn của tuyến tỉnh sẽ tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận/huyện, xã/phường kiểm tra.
Thực hiện yêu cầu từ Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, UBND Hà Nội mới đây cũng đã ban hành kế hoạch liên quan. Cụ thể, thành phố sẽ tổ chức 4 đoàn kiểm tra ngành an toàn thực phẩm từ ngày 15/12 đến hết 12/3/2023.
Theo Quốc Toàn (zing) – Ảnh: T.H