Sốc nhiệt là bệnh lý xảy ra khi thân nhiệt tăng trên 40 độ C, kèm theo những rối loạn chức năng thần kinh (rối loạn ý thức, hôn mê, co giật).
Sốc nhiệt có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Ảnh: Reuters.
Dù World Cup đã được tổ chức vào tháng 11, cái nóng của Qatar vẫn là quan ngại đối với sức khỏe của vận động viên và cổ động viên tại giải đấu năm nay. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ các cầu thủ bị sốc nhiệt hoặc đưa ra quyết định sai lầm giữa thời tiết nóng trên 30 độ tại Doha những ngày này.
Theo Mayo Clinic, sốc nhiệt là dạng chấn thương do nhiệt nghiêm trọng nhất, cần điều trị khẩn cấp. Nếu không kịp thời chữa trị, sốc nhiệt có thể gây tổn thương não, tim, thận và cơ bắp. Thậm chí, việc trì hoãn cấp cứu người bị sốc nhiệt có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong.
Triệu chứng
Theo Cleveland Clinic, có hai loại sốc nhiệt: Sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức. Hai loại này khác nhau về cơ chế nhưng triệu chứng lâm sàng giống nhau.
- Sốc nhiệt cổ điển (classic heatstroke): Hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, hay các rối loạn nội tiết. Xảy ra do tiếp xúc một cách thụ động với môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.
- Sốc nhiệt do gắng sức (exertional heatstroke): Thường gặp ở những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường. Bệnh nhân phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời xảy ra do sự sinh nhiệt lúc thể dục, gắng sức. Tình trạng này có thể phát triển trong một vài giờ.
Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc nhiệt gồm:
- Thân nhiệt cao: Nhiệt độ của cơ thể tăng lên trên 40 độ C, đo bằng nhiệt kế trực tràng.
- Thay đổi trạng thái tinh thần hoặc hành vi: Nhầm lẫn, kích động, nói lắp, khó chịu, mê sảng, co giật và hôn mê đều có thể xảy ra do sốc nhiệt.
- Thay đổi tiết mồ hôi:Khi bị sốc nhiệt do thời tiết nóng bức, người bệnh sẽ cảm thấy nóng, da khô khi chạm vào. Trong cơn sốc nhiệt do tập thể dục, vận động quá sức, da sẽ khô hoặc hơi ẩm.
- Buồn nôn và nôn: Người bệnh có thể cảm thấy đau bụng hoặc nôn
- Da ửng đỏ: Khi bị sốc nhiệt, da của bệnh nhân chuyển sang màu đỏ do thân nhiệt tăng nhanh.
- Thở nhanh, gấp: Hơi thở nhanh kèm khí nóng
- Tim đập nhanh: Mạch của bệnh nhân có thể tăng lên đáng kể vì căng thẳng nhiệt, gây áp lực rất lớn lên tim trong quá trình làm mát cơ thể.
- Đau đầu: Cảm giác đau nhói, nhức đầu
Người hoạt động trong thời tiết nắng nóng lâu cần uống đủ nước. Ảnh: Freepik.
Nguyên nhân
Sốc nhiệt xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, chủ yếu là tiếp xúc với môi trường nóng và hoạt động gắng sức.
- Tiếp xúc với môi trường nóng: Đây cũng là nguyên nhân gây sốc nhiệt cổ điển. Người bệnh ở trong môi trường nóng lâu dẫn đến nhiệt độ cơ thể tăng lên. Loại sốc nhiệt này thường xảy ra sau khi tiếp xúc với thời tiết nóng ẩm, đặc biệt là trong thời gian dài. Nó xảy ra thường xuyên nhất ở người lớn tuổi và ở những người mắc bệnh mạn tính.
- Hoạt động gắng sức: Sốc nhiệt do gắng sức xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng lên trong quá trình hoạt động thể chất cường độ cao dưới thời tiết nóng. Bất kể ai tập thể dục hoặc làm việc trong thời tiết nắng nóng đều có thể gặp phải loại sốc nhiệt này. Tuy nhiên, nguy cơ cao hơn ở những người không quen với môi trường khắc nhiệt.
Khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể bài tiết nhiệt mồ hôi, gây mất nước. Điều này dẫn tới lưu thông máu kém, tăng huyết áp, tăng nguy cơ bị đột quỵ. Nắng nóng còn khiến hệ tuần hoàn, đặc biệt là tim hoạt động kém, kèm theo sự giãn mạch dễ dẫn đến thiếu máu nuôi não, đặc biệt ở người có tiền sử xơ vữa động mạch, cao huyết áp.
Với cả hai nguyên nhân, người bệnh cần được xử trí bằng cách làm mát ngay lập tức; đưa ra khỏi môi trường nóng, cởi bớt quần áo, chuyển tới nơi bóng râm; mặc quần áo rộng, thoáng mát để làm hạ nhiệt độ trong cơ thể; bổ sung nước để bù lại lượng chất lỏng đã bị mất do đổ mồ hôi…
Để hạ nhiệt cơ thể, chúng ta có thể xịt nước mát vào người rồi ngồi trước quạt, di chuyển vào bóng râm, đi vào tòa nhà hoặc ôtô có điều hòa nhiệt độ, tắm nước mát, uống nước hoặc đồ uống thể thao, không uống đồ uống có cồn hoặc caffein, cởi bớt quần áo đang mặc, đặt một túi lạnh hay vải mát lên cổ, nách và bẹn.
Sốc nhiệt có thể dẫn đến một số biến chứng, tùy thuộc vào nhiệt độ cơ thể cao trong bao lâu. Nếu không được xử lý kịp thời để hạ nhiệt độ cơ thể, sốc nhiệt dễ gây viêm não và nhiều cơ quan quan trọng khác, dẫn tới tổn thương vĩnh viễn. Nặng hơn, người bị sốc nhiệt có thể tử vong.
Phòng ngừa
Sốc nhiệt có thể dự đoán và ngăn ngừa được. Các chuyên gia của Mayo Clinic khuyến cáo chúng ta nên mặc quần áo rộng rãi, nhẹ; đội mũ, đeo kính, mặc quần áo dài tay; nên tập thể dục sớm, mặc quần áo rộng, không mặc quá nhiều lớp, tránh ngồi trong xe quá lâu.
Ngoài ra, người dân không nên hoạt động quá nhiều dưới thời tiết nắng nóng, cần nghỉ giải lao khi làm việc trong môi trường nóng, ẩm, uống đủ nước (nước lọc hoặc đồ uống thể thao), để không cảm thấy khát, nên uống từng ít một.
Đặc biệt, người dân cần theo dõi các triệu chứng chuột rút do nóng hoặc kiệt sức vì nóng. Chuột rút do nhiệt gây ra hiện tượng chuột rút cơ đau đớn. Kiệt sức do nhiệt có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, gây khát, mệt mỏi. Nếu có triệu chứng chuột rút do nóng hoặc kiệt sức vì nóng, người dân nên hạ nhiệt cơ thể ngay tránh bị say nóng.
Theo Thiên Nhan (zing) – Ảnh: T.H