Chế độ ăn thiếu ngũ cốc hoặc có quá nhiều gạo tinh chế, lúa mì hay thịt chế biến sẵn liên quan đến việc gia tăng số ca mắc tiểu đường type II tại Mỹ.

Thịt chế biến sẵn là một trong những thực phẩm liên quan đến bệnh tiểu đường type II. Ảnh: iStock.

NYPost cho biết phát hiện trên được trích ra từ nghiên cứu gần đây trên tạp chí Nature Medicine. Theo ước tính từ nghiên cứu, khoảng 14 triệu ca mắc bệnh tiểu đường type II tại Mỹ là do chế độ ăn uống kém.

Ngoài ra, việc uống nhiều nước ép trái cây, ăn không đủ rau, quả hạch hoặc hạt không chứa tinh bột cũng ảnh hưởng một phần nhỏ đến chẩn đoán này.

Bệnh tiểu đường type II xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, gây cản trở khả năng điều chỉnh và sử dụng đường làm nhiên liệu trong cơ thể.

Trong hơn 37 triệu người Mỹ, cứ 10 người sẽ có khoảng một người mắc bệnh tiểu đường không thể chữa khỏi. Điều này khiến nó trở thành nguyên nhân gây tử vong thứ 7 trên toàn quốc.

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tufts (Mỹ) đã phân tích chế độ ăn của 184 quốc gia trên toàn thế giới bằng cách sử dụng dữ liệu trong giai đoạn 1990-2018. Kết quả tiết lộ hơn 70% chẩn đoán mắc tiểu đường mới trong năm 2018 là do chế độ ăn uống không lành mạnh gây ra.

Tất cả 184 quốc gia được đưa vào nghiên cứu đều ghi sự gia tăng bệnh tiểu đường type II trong gần 30 năm phân tích. Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường, việc thay đổi lối sống như giảm cân, tập thể dục và ăn uống lành mạnh có thể kiểm soát tình trạng này.

benh tieu duong anh 1

Việc tiêu thụ quá nhiều gạo và lúa mì cũng có mối liên hệ với căn bệnh mạn tính như tiểu đường type II. Ảnh: Thespruceeats.

Nghiên cứu tập trung vào 11 yếu tố của chế độ ăn uống và đưa ra 3 yếu tố có ảnh hưởng đáng lo ngại đến sự gia tăng chẩn đoán bệnh tiểu đường.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chất lượng carbohydrate kém là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiểu đường type II trên toàn cầu”, Dariush Mozaffarian, tác giả nghiên cứu, cho biết.

Phân tích cũng chỉ ra chế độ ăn uống kém khiến tỷ lệ nam giới, người trẻ tuổi và người dân thành thị được chẩn đoán mắc bệnh mạn tính cao hơn, lần lượt so với nữ giới, người lớn tuổi và người ở nông thôn.

Ngoài ra, khu vực Trung và Đông Âu hay Trung Á ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type II cao nhất liên quan đến chế độ ăn uống. Nguyên nhân có thể là dữ liệu thu thập đến từ các quốc gia với chế độ ăn kết hợp nhiều thịt đỏ, thịt chế biến hay khoai tây như Ba Lan và Nga.

“Những phát hiện này giúp cung cấp thông tin cho bác sĩ lâm sàng hay nhà hoạch định chính sách về việc ưu tiên dinh dưỡng khi chúng khuyến khích các lựa chọn ăn uống lành mạnh hơn để giải quyết tình trạng toàn cầu này”, Meghan O’Hearn, tác giả nghiên cứu, cho hay.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ và Viện Y tế Quốc gia (Mỹ) cảnh báo số lượng thanh niên nước này mắc bệnh tiểu đường type II được dự đoán tăng vọt gần 700% vào năm 2060 nếu tình trạng ăn uống kém không được kiểm soát.

Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link