Theo News Wire, những căn bệnh như cảm lạnh, cúm, viêm phổi và RSV có thể khiến phụ huynh lo lắng khi gửi con đến trường vào thời điểm giao mùa.
Cảm cúm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập và vui chơi của trẻ. Ảnh: Integris.
Nhiệt độ thay đổi thất thường cũng là lúc nhiều căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường hô hấp của trẻ gia tăng. Dưới đây là 4 căn bệnh phổ biến trẻ dễ mắc phải trong lớp học mà trang News Wire liệt kê.
Cảm lạnh
Trung bình, mỗi người trưởng thành có khả năng mắc ít nhất 2 lần cảm lạnh/năm, nhưng nguy cơ này ở trẻ em thì lại nhiều hơn. Cảm lạnh có thể khiến trẻ phải ở nhà trong vài ngày, thậm chí là 10 ngày. Những bệnh nhiễm trùng này có thể xảy ra quanh năm, không chỉ riêng thời điểm giao mùa.
Các triệu chứng cảm lạnh bao gồm ho, nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, sốt nhẹ và đau họng. Trang News Wire khuyên phụ huynh không nên cho trẻ em dưới 6 tuổi uống thuốc cảm. Thay vào đó, phụ huynh cần duy trì hydrat hóa bằng cách cung cấp dụng cụ hút mũi và nước muối sinh lý cho trẻ.
Viêm họng do liên cầu khuẩn
Đây là căn bệnh do vi khuẩn gây ra và rất dễ lây lan. Dù có thể dễ dàng điều trị bằng thuốc kháng sinh, nó vẫn kéo dài vài ngày. Sau khi bắt đầu dùng thuốc điều trị bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn, trẻ không nên ở gần những người khác trong ít nhất 24 giờ.
Các triệu chứng của viêm họng liên cầu khuẩn bao gồm sốt, đau họng, đau bụng và khó nuốt. Trường hợp nặng có thể sốt phát ban.
Cúm
Bệnh cúm có 2 dạng là cúm Influenza và cúm dạ dày. Bệnh cúm Influenza có thể kéo dài đến 7 ngày, trong khi bệnh cúm dạ dày kéo dài 1-3 ngày.
Cúm Influenza biểu hiện bằng đau cơ, nhức đầu, sổ mũi, đau họng và mệt mỏi. Cúm dạ dày lại bao gồm các triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, sốt nhẹ và đau dạ dày.
Trang News Wire khuyến cáo khi bệnh nhân đang điều trị bệnh cúm dạ dày để ý tình trạng mất nước. Khi mắc 2 loại cúm này, bệnh nhân (trong đó có trẻ em) đều cần nghỉ ngơi và bù nước.
Viêm phổi
Virus và vi khuẩn gây nhiễm trùng phổi, được gọi là viêm phổi. Những nhiễm trùng này có thể kéo dài vài tuần. Bác sĩ nhi khoa có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh viêm phổi do vi khuẩn, nhưng bệnh viêm phổi do virus thì cần phải điều trị. Trong trường hợp này, những lựa chọn như siro ho hoặc thuốc long đờm được xem là phương án tối ưu.
Các triệu chứng viêm phổi bao gồm đau ngực, sốt cao, thở nhanh hoặc nông, ớn lạnh và ho. Thông thường, ho sẽ sinh ra chất nhầy có màu vàng hoặc xanh lá cây (hay còn gọi là đờm).
Bệnh hô hấp do virus RSV có thể khiến trẻ phải nhập viện. Ảnh: 123RF.
RSV (Virus hợp bào hô hấp)
Khi virus RSV lây nhiễm vào phổi, nó có thể tồn tại lên đến 2 tuần. Virus này gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ em có hệ thống miễn dịch yếu, trẻ thậm chí có thể phải nhập viện.
Các triệu chứng của RSV bao gồm chảy nước mũi, sốt, thở khò khè, thở nhanh, ngưng thở khi ngủ, ho và nghẹt mũi. Thông thường không có loại thuốc nào được kê đơn, nhưng phụ huynh có thể bổ sung cho trẻ dụng cụ hút mũi, nước muối sinh lý; đảm bảo trẻ được cung cấp đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ.
Cách để phòng bệnh
Để phòng tránh bệnh tật cho trẻ, trang News Wire khuyên các bậc phụ huynh giúp trẻ tạo những thói quen tốt như rửa tay, không đưa tay lên mặt, tập thể dục, che miệng, mũi khi hắt hơi hoặc ho.
Đồng thời, phụ huynh cũng nên vệ sinh nhà cửa thường xuyên để đảm bảo diệt khuẩn và tạo môi trường sạch sẽ.
Không những vậy, các loại vitamin dạng kẹo dẻo sẽ là lựa chọn hiệu quả để tăng cường hệ thống miễn dịch cho trẻ. Ngoài ra, việc cung cấp các bữa ăn lành mạnh, đủ dưỡng chất cũng góp phần giúp trẻ tăng khả năng chống lại bệnh tật.
Theo trang News Wire, phụ huynh cần theo dõi triệu chứng và làm những gì có thể để ngăn ngừa các căn bệnh hô hấp cho trẻ. Chỉ cần một vài thay đổi nhỏ trong lối sống, trẻ sẽ được khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng khi thời điểm giao mùa diễn ra.
Theo Minh Uyên (zing) – Ảnh: T.H