Theo bác sĩ Cảnh, ung thư đang có dấu hiệu trẻ hóa. Bất cứ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này nhưng những đối tượng nguy cơ cao hơn nên tầm soát ung thư sớm.

Hút thuốc lá là một trong những thói quen gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Ảnh: Hicksdentalgroup.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh, Bệnh viện K, Hà Nội, cho biết các bệnh ung thư thường không có biểu hiện ở giai đoạn đầu hoặc chỉ có những dấu hiệu thoáng qua. Do đó, chúng ta thường có tâm lý chủ quan, không đi khám sớm.

Đến giai đoạn muộn, bệnh mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng rõ rệt, nhưng cơ hội điều trị bệnh ở thời điểm này sẽ thấp hơn rất nhiều.

Những người nên tầm soát ung thư sớm

Theo bác sĩ Cảnh, ung thư đang có dấu hiệu trẻ hóa. Bất cứ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này nhưng những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ cao hơn và nên tầm soát ung thư sớm, thường xuyên hơn:

Người có chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học như lười vận động, thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giấc, hay gặp áp lực, căng thẳng và mệt mỏi, nghiện rượu bia, thuốc lá…

Trong đó, hút thuốc lá là một trong những thói quen gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Ngoài ra, người hút thuốc lá còn có nguy cơ mắc phải một số bệnh lý khác như ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư gan…

Nếu trong gia đình có người thân như cha mẹ, anh chị em ruột thịt bị ung thư, nguy cơ ung thư của bạn cũng cao hơn so với những người khác. Do đó, bạn cũng cần tầm soát ung thư theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bên cạnh đó, người làm việc và sinh sống trong môi trường độc hại, tiếp xúc với hóa chất hoặc phóng xạ cũng cần chú ý việc đi tầm soát ung thư sớm.

Nguy cơ khác nhau theo độ tuổi

Theo bác sĩ Bệnh viện K, mỗi độ tuổi, bạn sẽ có nguy cơ và cần tầm soát các bệnh lý ung thư khác nhau.

Từ 21 đến 29 tuổi

Đối với nam giới:

  • Ung thư đại tràng: Gia đình có người mắc ung thư đại tràng, bệnh nhân có polyp đại tràng… nên thực hiện sàng lọc sớm.
  • Ung thư tuyến giáp: Những đối tượng có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp cũng nên thực hiện sàng lọc trong độ tuổi này.

ung thu som anh 1

Mỗi độ tuổi, bạn sẽ có nguy cơ và cần tầm soát các bệnh lý ung thư khác nhau. Ảnh: Scriptmag.

Đối với nữ giới:

  • Ung thư vú: Bạn nên tầm soát khi có những dấu hiệu bất thường ở ngực như xuất hiện khối u, vú to hơn bình thường, núm vú thay đổi màu sắc, tiết dịch… Người đã có tiền sử gia đình mắc ung thư vú cũng nên khám và tầm soát sớm.
  • Ung thư cổ tử cung: Đây là độ tuổi mà phụ nữ nên thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung, xét nghiệm Pap Smear định kỳ. Nếu kết quả xét nghiệm Pap Smear có nghi ngờ, bạn nên thực hiện xét nghiệm HPV.
  • Ung thư đại tràng: Bạn nên thực hiện sàng lọc với những đối tượng có nguy cơ cao.
  • Ung thư tuyến giáp: Trong gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em mắc phải căn bệnh này, bạn cũng nên thực hiện sàng lọc ung thư tuyến giáp.

Từ 30 đến 39 tuổi

Đối với nam giới: Nam giới nên thực hiện sàng lọc ung thư đại tràng ở thời điểm này, nhất là những đối tượng có nguy cơ ung thư cao.

Đối với nữ giới: Đây là độ tuổi phụ nữ nên thực hiện tầm soát ung thư tử cung và ung thư vú. Từ độ tuổi 30 trở đi, nữ giới nên thực hiện xét nghiệm HPV 5 năm/lần. Với những đối tượng có nguy cơ cao, việc sàng lọc có thể cần thực hiện thường xuyên hơn, ngay cả khi bạn đã thực hiện tiêm phòng HPV.

Từ 40 đến 49 tuổi

Đối với nam giới: Đây là thời điểm nam giới nên thực hiện sàng lọc ung thư đại tràng bằng phương pháp như tìm máu ẩn trong phân hàng năm và phương pháp nội soi theo lịch hẹn của bác sĩ. Bên cạnh đó, nam giới cũng nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, nhất là đối với những trường hợp có nguy cơ cao.

Đối với nữ giới: Từ sau tuổi 40, chị em nên thực hiện chụp X-quang tuyến vú mỗi năm một lần. Tùy vào từng trường hợp, các chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp để thực hiện xét nghiệm tiếp theo. Bên cạnh đó, nữ giới cũng nên thực hiện sàng lọc các loại bệnh ung thư khác như ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng…

Từ 50 tuổi trở lên

Đối với nam giới: Nam giới nên thực hiện xét nghiệm ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi. Đặc biệt, những trường hợp có thói quen hút thuốc lá, việc tầm soát ung thư lại càng cần thiết hơn.

Đối với nữ giới: Bạn nên được tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng và ung thư phổi.

Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp, yếu tố nguy cơ hay triệu chứng cụ thể, các bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân thực hiện một số loại xét nghiệm để sàng lọc những bệnh ung thư khác. Người bệnh cũng được lên lịch tầm soát cho lần tiếp theo cho từng đối tượng.

Bác sĩ cảnh khuyến cáo người dân nên tìm những cơ sở khám, chữa bệnh đáng tin cậy, tìm những chuyên gia uy tín để thực hiện tầm soát ung thư sớm chính xác nhất, tránh tiền mất tật mang.

Theo Phương Anh (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link