Dù là triệu chứng khá nhỏ, ngứa da mặt hoàn toàn có thể là biểu hiện của những tình trạng bệnh lý khó lường.

Nhiều nguyên nhân có thể gây ngứa da mặt, thậm chí bệnh lý nguy hiểm. Ảnh: eMediHealth.

Trên thực tế, hầu hết người dân đều từng có trải nghiệm về cảm giác ngứa da mặt với nhiều lý do khác nhau như côn trùng cắn, viêm nhiễm, vảy nến…

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phan Vũ Lam Phương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), rất nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra vấn đề này, thậm chí có những trường hợp là bệnh lý tiềm ẩn.

Da khô

BS Phương cho rằng nguyên nhân đầu tiên có thể nghĩ tới khi xuất hiện cảm giác ngứa là da mặt bị khô. Theo đó, một người có thể bị khô da mặt từ một trong nhiều lý do như:

  • Rửa mặt quá thường xuyên.
  • Sử dụng hóa chất mạnh.
  • Độ ẩm không khí thấp.

Từ đây, để phòng ngừa tình trạng khô da, BS Phương khuyến cáo người dân có thể thực hiện một số cách gồm:

  • Tắm và rửa mặt bằng nước ấm.
  • Lựa chọn sữa tắm dịu nhẹ, không mùi, không cồn.
  • Rửa mặt với sữa rửa mặt mỗi ngày một lần vào buổi tối và rửa nhẹ lại với nước vào buổi sáng.
  • Chỉ tắm trong khoảng từ 5 đến 10 phút.
  • Thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm, khi da còn ẩm để giúp da khóa ẩm.
  • Nếu có nhu cầu cạo lông, mọi người nên thực hiện ngay sau khi tắm và sử dụng kem hoặc gel cạo lông giúp làm mềm lông.
  • Thay dao cạo sau khoảng 5-7 lần sử dụng.
  • Đắp vải mát lên vùng da bị khô.
  • Thoa dưỡng môi có thành phần petrolatum để làm mềm môi.
  • Sử dụng khăn quàng bảo vệ mặt khỏi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.

“Trong các trường hợp cảm giác ngứa xuất hiện vì da khô gây ra, việc thường xuyên dưỡng ẩm có thể giúp giải quyết cơn ngứa. Mục đích của dưỡng ẩm chính là ngăn cản sự mất nước và giữ nước cho da”, vị chuyên gia giải thích.

nguyen nhan ngua da mat anh 1

Việc giữ ẩm cho da là giải pháp đơn giản, tối ưu nhằm hạn chế tình trạng ngứa. Ảnh minh họa: Everyday Health.

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại dưỡng ẩm chứa các thành phần khác nhau với mục đích khác nhau. Ví dụ, dưỡng ẩm dạng băng bịt có thể chứa petrolatum ngăn mất nước bằng cách tạo ra một hàng rào bảo vệ cho da. Trong khi đó, dưỡng ẩm dạng hút ẩm như urea và glycolic và acid lactic, hút và giữ nước để dưỡng ẩm cho da.

Lão hóa

Một nguyên nhân ít người nghĩ tới khi ngứa da mặt là lão hóa. Theo BS Phương, thực thế cho thấy cảm giác ngứa rất phổ biến ở người lớn tuổi.

“Khi già đi, độ pH của cơ thể có thể thay đổi và giảm nồng độ hormone cũng như khả năng giữ nước. Lúc này, da ít ẩm sẽ mỏng hơn từ đó có thể gây ra khô da và ngứa”, vị chuyên gia giải thích.

Việc điều trị ngứa ở người già sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Tuy nhiên, do cơ chế khá tương tự với trường hợp khô da, bệnh nhân có thể làm dịu cơn ngứa bằng cách tăng cường dưỡng ẩm cho da.

Côn trùng cắn

Đây là một trong những nguyên nhân gây ngứa da mặt phổ biến nhất trong cộng đồng. Với các trường hợp ngứa do muỗi đốt, cảm giác này thường có thể tự hết sau vài ngày. Tuy nhiên, với một số loại côn trùng khác như chấy hoặc rệp giường, chúng có thể sống ký sinh trên da và gây ngứa.

Về điều trị, bệnh nhân thường được yêu cầu chăm sóc tại nhà vết côn trùng đốt. Cụ thể:

  • Rửa sạch vùng da bị đốt với xà phòng và nước.
  • Đắp gạc lạnh
  • Một số trường hợp có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm đau như thuốc kháng viêm không steroid.
  • Thuốc kháng histamine giúp giảm ngứa.

Với trường hợp không may sốc phản vệ, triệu chứng có thể gồm khò khè, cảm giác nghẹn, đau bụng và nôn – một dạng phản ứng dị ứng nghiêm trọng, cần đi khám ngay.

Một số bệnh về da

BS Phương cho hay nhiều bệnh lý hoạt động trên vùng mặt cũng có thể gây ra cảm giác ngứa như:

  • Thủy đậu: Bệnh lý do nhiễm virus đang phát triển thời gian gần đây.
  • Viêm nang lông: Tình trạng này làm các nang lông bị viêm, dẫn tới cảm giác ngứa.
  • Chàm: Bệnh lý gây ngứa, đỏ, nứt nẻ và viêm trên da.
  • Mề đay: Tình trạng này xuất hiện khi có phản ứng dị ứng gây ra những mảng sưng phù trên da.
  • Vảy nến: Đây là bệnh mạn tính gây những mảng đỏ, bong vảy trên da.
  • Viêm da tiết bã: Có thể ảnh hưởng đến cả vùng da đầu.
  • Lang ben: Một tình trạng nhiễm nấm.
  • Zona: Bệnh do nhiễm virus gây phát ban.

Với những trường hợp ngứa do các bệnh lý kể trên, để kiểm soát triệu chứng, các bác sĩ sẽ buộc phải chẩn đoán chính xác bệnh để lên kế hoạch điều trị cũng như để giảm cơn ngứa.

Tuy nhiên, BS Phương cho hay một số phương pháp điều trị thường thấy có thể bao gồm calamine lotion, thuốc thoa và kháng histamin.

Ung thư da

BS Phương cho biết: “Một trong những dấu hiệu có thể nhìn thấy được của ung thư da hoặc ung thư tế bào hắc tố là các vết tổn thương mới xuất hiện hoặc thay đổi trên da. Những vết tổn thương này có thể gây ngứa”.

Trong trường hợp này, cảm giác ngứa có thể là phản ứng của da với khối u đang tiến triển thành ung thư tại chỗ ngứa hoặc ung thư ở vị trí khác.

Về điều trị, các lựa chọn xử trí đối với ung thư tế bào hắc tố gồm áp lạnh, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch và phẫu thuật cắt bỏ. Ngoài ra, để giảm ngứa, các bác sĩ có thể kê thuốc ức chế Histone deacetylase và Corticoid đường uống.

Triệu chứng của một số bệnh nền

BS Phan Vũ Lam Phương nhận định trong một số trường hợp, triệu chứng ngứa kéo dài nhưng không có dấu hiệu nào khác có thể là gợi ý một bệnh nền đang diễn biến trên cơ thể. Đặc biệt, bệnh lý nền này có thể đang ảnh hưởng đến máu, thận, gan hoặc tuyến giáp, từ đó gây ra ngứa.

nguyen nhan ngua da mat anh 2

Ngứa da mặt có thể là triệu chứng của một số bệnh lý tiềm ẩn. Ảnh minh họa: MSLH.

Cụ thể, bệnh nhân tiểu đường và HIV cũng có thể bị ngứa. Bệnh nhân suy thận mạn gần tới giai đoạn cần lọc máu có thể xuất hiện những đợt ngứa mạn tính.

Những bệnh lý về gan cũng có thể gây ra ngứa. Theo một nghiên cứu năm 2015, 69% bệnh nhân xơ gan mật nguyên phát gặp tình trạng ngứa. 75% nhóm bệnh nhân này được báo cáo có triệu chứng ngứa trước khi được chẩn đoán bệnh.

Ngoài ra, ngứa mạn tính có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ, từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Trong trường hợp này, việc điều trị ngứa phụ thuộc vào tình trạng bệnh nền. Ví dụ, bệnh nhân gan có thể cần kem hoặc thuốc mỡ cho những cơn ngứa nhẹ và tại chỗ. Trong khi đó, một số trường hợp khác cần thuốc hệ thống nếu mức độ ngứa nghiêm trọng và lan rộng nhiều nơi.

Nguyên nhân khác

Bên cạnh những tình trạng trên, triệu chứng ngứa còn có thể là dấu hiệu của một số vấn đề như phản ứng dị ứng, phản ứng với thực vật hoặc sinh vật biển, tác dụng phụ của thuốc, tổn thương thần kinh…

Từ những nguyên nhân kể trên, vị chuyên gia nhấn mạnh mọi người khi bị ngứa cần tránh chủ quan và tìm gặp bác sĩ da liễu vì triệu chứng này hoàn toàn có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh mạn tính nghiêm trọng.

“Một số bệnh lý có thể gây ngứa như vảy nến, viêm nang lông và dị ứng có thể đòi hỏi người bệnh phải sử dụng thuốc. Do đó, khi sử dụng kem thoa tại chỗ và thuốc kháng histamine nhưng không hiệu quả trong việc kiểm soát ngứa, đây là thời điểm chúng ta cần đi để tìm nguyên nhân khác”, BS Phương khuyến cáo.

Theo Quốc Toàn (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link