Kwa Lay Teng phải ngừng cho con bú khi bé mới 4 ngày tuổi, trải qua 8 tháng hóa trị, xạ trị và phẫu thuật để điều trị ung thư vú.

Tháng 9/2021, Kwa Lay Teng, khi đó 25 tuổi, đang chăm sóc đứa con 4 ngày tuổi trong thời gian ở cữ tại nhà mẹ đẻ thì nhận được điện thoại từ bác sĩ.

“Ông ấy nói ‘Chào Lay Teng, rất tiếc khi phải thông báo cô đang mắc ung thư vú. Cô cần ngừng cho con bú ngay lập tức’. Khi ấy, tôi không thể ngừng khóc. Chồng tôi ở ngay cạnh, tôi thậm chí không cần phải nói chuyện gì đã xảy ra. Anh ấy biết đó là tin xấu. Anh gọi mẹ tôi đến để bế con đi'”, cô kể.

Kwa phải can thiệp để mãn kinh sớm, do các hormone có thể khiến tình trạng ung thư nặng hơn. Đây là cú sốc lớn với cô, người ấp ủ giấc mơ cùng chồng nuôi dạy 5 đứa trẻ.

“Tôi đã từ chối điều trị. Tôi lo lắng liệu mình có thể quay lại cuộc sống bình thường hay không”, Kwa, hiện 27 tuổi, kể lại.

Kwa Lay Teng trước (trái) và sau khi được chẩn đoán ung thư vú, khi cô đang ôm đứa con nhỏ (phải). Ảnh: Kwa Lay Teng
Kwa Lay Teng trước (trái) và sau khi được chẩn đoán ung thư vú, khi cô đang ôm đứa con nhỏ (phải). Ảnh: Kwa Lay Teng

Gần hai năm trôi qua, căn bệnh ung thư vú đã thuyên giảm nhưng nỗi sợ hãi ung thư tái phát của Kwa vẫn còn.

Tháng 10/2022, Kwa tham gia một chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần kéo dài bốn buổi do bác sĩ chuyên khoa ung thư của cô, Tiến sĩ Karmen Wong, mở ra một năm trước đó dành cho những người sống sót sau ung thư vú. Các buổi học của chương trình này, diễn ra qua Zoom, được hỗ trợ bởi những người sống sót sau ung thư vú và đã giúp đỡ cho 85 phụ nữ trong ba năm hoạt động. Qua chương trình, Kwa đã học được cách kiểm soát nỗi sợ hãi của mình.

Bác sĩ Wong, người làm việc với các bệnh nhân ung thư vú trong 30 năm, cho biết: “Họ sẵn sàng trải qua nhiều đợt điều trị, đồng thời cắt bỏ ngực và tóc để sống lâu hơn. Sau khi chẩn đoán, họ nói rằng họ không còn như trước nữa, về cả mặt thể chất, cảm xúc và tinh thần… Nếu bạn không đối mặt với nó, bạn sẽ sa sút và mất kiểm soát”.

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Singapore, nơi cứ 13 người thì có một người bị ung thư vú trong đời. Hầu hết những người được chẩn đoán đều trên 40 tuổi. Theo Giáo sư Lee Soo Chin từ Viện Ung thư Đại học Quốc gia Singapore, ít nhất 30%-40% trường hợp ung thư vú giai đoạn đầu có nguy cơ tái phát cao.

Khóa học của tiến sĩ Wong bắt đầu bằng cách dạy những người sống sót sau ung thư vú các bài tập vượt qua nỗi sợ hãi và đau buồn, cải thiện lòng tự trọng và thiết lập thói quen để bước tiếp trong cuộc sống.

Điều phối viên chính của khóa học, Wendy Chua, người được đào tạo về tâm lý học, cho biết cô đã tổ chức những buổi học nhóm tập trung với phụ nữ, giới thiệu các quy trình giúp họ cởi mở và kể câu chuyện của mình, cũng như thừa nhận, điều chỉnh lại những suy nghĩ tiêu cực.

Kwa và chồng cùng con gái hồi tháng 12/2022. Ảnh: Kwa Lay Teng
Kwa và chồng cùng con gái hồi tháng 12/2022. Ảnh: Kwa Lay Teng

Đối với một số người như Kwa, việc chia sẻ những gì đã trải qua không chỉ giúp cô đối phó mà còn mang đến sự hài lòng khi tiếp thêm sức mạnh cho những người sống sót khác. Lúc đầu, Kwa cũng phải vật lộn để chấp nhận sự thật rằng mình bị ung thư giai đoạn 2B.

Kwa kể cô phát hiện có khối u ở ngực khi mang thai 38 tuần và đi siêu âm nhưng nghĩ nguyên nhân do tắc ống dẫn sữa. “Tôi phẫn uất và sợ hãi. Tôi phẫn nộ vì biết mình bị ung thư… Tôi sợ rằng mình có thể nhắm mắt xuôi tay mà không tỉnh lại. Tôi sợ rằng mình sẽ sớm không còn ở bên con gái bé bỏng nữa”, Kwa chia sẻ trên mạng xã hội hồi tháng ba về cảm giác của mình khi nghe kết quả chẩn đoán vào gần hai năm trước.

Khoảng một tuần sau khi nhận chẩn đoán, Kwa trải qua 8 tháng hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Hóa trị khiến cô kiệt sức và không thể đi dạo hoặc bế con trong hơn 10 phút. Cô trải qua những cơn buồn nôn, tóc rụng và móng tay chuyển sang màu đen. Kwa giấu đồng nghiệp về bệnh tình của mình cho tới khi một người bạn của cô vô tình chia sẻ bức ảnh cô với mái đầu trọc lên tài khoản mạng xã hội dịp Giáng sinh.

“Điều duy nhất tôi muốn là sự cảm thông”, cô viết trong bài đăng trên mạng xã hội. “Trong đầu tôi lúc đó đầy sự nghi ngờ. Mọi người đều nói tôi có thể làm được, y học rất tiên tiến, tôi còn trẻ, sẽ không sao đâu… Tôi biết mình mạnh mẽ, nhưng lúc đó, tôi không khỏi cảm thấy mình yếu đuối và nhỏ bé. Khi điều trị, tôi không thừa nhận cảm xúc của mình và luôn tự nhủ đó không phải là vấn đề lớn. Nhưng người bạn thân nhất nói với tôi rằng đó là một vấn đề lớn”.

Người bạn sau đó khuyên Kwa dùng chính câu chuyện của mình để lan tỏa nhận thức của mọi người về ung thư vú.

Hơn một năm sau khi được chẩn đoán ung thư, Kwa cuối cùng cũng lấy hết can đảm để chia sẻ về bệnh tình của mình, không chỉ với những người thân yêu mà còn cả với thế giới thông qua mạng xã hội.

“Chương trình đã cung cấp cho tôi các công cụ để tôi có thể quản lý và hiểu được cảm xúc của mình… Tôi cũng thấy thoải mái khi gặp những người đang trải qua những vấn đề giống mình”, Kwa nói.

Trước đây, Kwa từng làm việc nhiều giờ trong vai trò kế toán quỹ cấp cao cho một công ty dịch vụ tại chính toàn cầu. Nhưng sau khi chữa bệnh, cô quyết định nghỉ việc hồi tháng 6/2022 và trở thành tư vấn viên tài chính. Trong ba tháng chuyển đổi công việc, Kwa phải dùng đến tiền tiết kiệm. Nhưng cô vẫn muốn ưu tiên sức khỏe và nâng cao nhận thức về những căn bệnh hiểm nghèo trong giới trẻ.

Julianne Danielle Lim, một người sống sót khác cũng tham gia chương trình trên, từng đứng đầu bộ phận chuyển tiền lẻ trong ngân hàng Standard Chartered khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú vào năm 2020 ở tuổi 38.

“Tôi luôn muốn thăng tiến trong công việc, và khi mắc bệnh ung thư, tôi phải tự hỏi: ‘Mình thực sự là ai nếu không có công việc, không thể điều hành, tập thể dục, uống rượu và hẹn hò ăn tối?'”, cô nói.

Lim duy trì lối sống vui vẻ, tinh thần lạc quan trong cuộc chiến với ung thư vú. Ảnh: Julianne Danielle Lim
Lim duy trì lối sống vui vẻ, tinh thần lạc quan trong cuộc chiến với ung thư vú. Ảnh: Julianne Danielle Lim

Lim đã định nghĩa thành công theo cách khác sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. “Bây giờ, việc tôi cảm thấy vui vẻ như thế nào trong một ngày, thấy tự do như thế nào để làm những gì mình yêu thích mới là điều quan trọng, chứ không phải cảm giác mình đang kiểm soát mọi thứ”, cô cho biết.

Lim, hiện 41 tuổi, đã nghỉ việc và thành lập Strong Bold Grateful Inc vào tháng 10/2021, hoạt động trong lĩnh vực chia sẻ những câu chuyện trong các công ty và tại những sự kiện về việc vượt qua nghịch cảnh, chẳng hạn như mất con. “Bạn bè và gia đình nên cho phép mọi người nói về cuộc đấu tranh của họ với bệnh tật, không nên coi đó là điều cấm kỵ và lảng tránh chủ đề… Điều quan trọng là phải nói rõ chúng ta thực sự cảm thấy thế nào”, cô nói.

Hồi tưởng lại quá trình điều trị, Kwa cho biết: “Nếu được quay ngược thời gian, tôi sẽ chụp nhiều ảnh hơn và đăng lên mạng để mọi người biết những gì tôi đã trải qua. Tôi sẽ cố gắng chấp nhận quá trình điều trị và không bị gục ngã bởi cuộc chiến này”.

Theo tiến sĩ Wong, trải nghiệm quá đau thương, cuộc sống trở nên khó lường buộc nhiều người phụ nữ phải tự hỏi liệu cuộc sống họ đang có có phải là điều họ thực sự muốn hay không. “Họ luôn gạt bỏ những suy nghĩ này sang một bên, cho rằng họ cần phải sống vì con, vì chồng… Nhưng khi một việc nghiêm trọng như vậy xảy ra ngay trước mặt, họ sẽ nghĩ : ‘Tôi muốn sống cho bản thân mình'”, Wong nói.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link