Rau đay mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng ăn được rau đay.
Cây rau đay tên khoa học là Corchorus olitorius, được xếp vào họ đay (Tiliaceae), là loại rau ăn lá, được trồng và thu hoạch quanh năm.
Theo BSCKI Nguyễn Trần Như Thuỷ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM Cơ sở 3, rau đay không chỉ là món thực phẩm bổ dưỡng ngon miệng mà còn chứa đựng những công dụng tốt cho sức khỏe.
Theo đông y, rau đay vị cay, tính lạnh, không độc, công dụng giải nhiệt, nóng trong, nhuận tràng, tiêu đàm, cảm nắng, tẩm bổ, giải nhiệt, lợi tiêu hóa, nhuận tràng, lợi tiểu, lợi hô hấp, tiêu đờm, kháng viêm, cầm máu, lợi sữa… và nhiều công dụng khác với sức khỏe.
Rau đay có tác dụng tẩm bổ, giải nhiệt, lợi tiêu hóa, nhuận tràng, lợi tiểu, lợi hô hấp, tiêu đờm, kháng viêm, cầm máu, lợi sữa và an thai. Theo các sách cổ phương, rau đay có thể được sử dụng làm thuốc chữa trúng nắng, phòng ngừa say nắng, trị táo bón, bí tiểu, tiểu buốt, tiểu rát, tiểu ra máu, chữa ho ra máu, nôn ra máu. Với bà mẹ mang thai và cho con bú, món ăn có rau đay tác dụng an thai và lợi sữa giúp sữa về nhiều hơn và nhanh hơn.
Theo các nghiên cứu hiện đại về thực vật học, dược tính học, rau đay là loại rau tương đối giàu chất dinh dưỡng như sắt, leucine, threonine, lysine, vitamin C, Vitamin K, Vitamin B6, Vitamin A, đồng, Polysaccharid, Sucrose, Inositol.
Rau đay mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng ăn được rau đay. Ảnh: VTC.
Vậy rau đay có phải rau giúp trường thọ như lời đồn hay không?
Bác sĩ Thuỷ cho biết, không tài liệu nào nói về việc ăn rau đay giúp kép dài tuổi thọ. Tuy nhiên, loại rau giàu dinh dưỡng này có tính nhuận tràng, phòng ngừa táo bón.
Đến nay cũng chưa có bất kỳ nghiên cứu hay báo cáo nào cho thấy rau đay kỵ hoặc khắc với nhóm hay loại thực phẩm nào. Vì thế, bạn có thể yên tâm khi lựa chọn rau đay để chế biến món ăn hàng ngày. Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý một số điều sau:
Người dễ bị tiêu chảy, dễ lạnh bụng không nên ăn nhiều và liên tục rau đay. Khi rửa rau, không nên làm dập rau, hạn chế vò rửa quá kỹ làm mất chất nhầy từ rau và các vitamin, khoáng chất trong rau.
Người khỏe mạnh nên ăn lượng rau đay vừa phải, khoảng 2-5 lần/tuần giúp thúc đẩy nhu động đường ruột và giúp đi tiểu dễ dàng. Tuy nhiên, ăn quá nhiều rau đay có thể gây khó tiêu, nên người đang bị bệnh đường tiêu hóa không nên ăn quá nhiều.
Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi không ăn quá nhiều rau đay, vì điều này gây cản trở sự hấp thu canxi và kẽm trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển xương và trí não.
Theo Zing – Ảnh: T.H