Chức năng điều hành có mối liên hệ chặt chẽ với việc điều chỉnh cảm xúc. Nếu chức năng điều hành bị rối loạn, trẻ dễ gặp trầm cảm hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
Chức năng điều hành được ví như hệ thống kiểm soát không lưu của bộ não. Ảnh: Pexels.
Chức năng điều hành là tập hợp các quá trình mà bộ não quản lý và ưu tiên các suy nghĩ, trí nhớ ngắn hạn, cảm xúc và hành động của con người. Các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard gọi đó là “hệ thống kiểm soát không lưu của bộ não”, theo Forbes.
Theo nhà báo giáo dục Jeffrey Selingo, các sinh viên đại học trên khắp nước Mỹ đang gặp phải các vấn đề về chức năng điều hành, bao gồm việc lạm dụng thuốc và không giao tiếp đúng cách.
Bà Temple Grandin, giáo sư khoa học động vật tại Đại học Colorado State (Mỹ), cũng nhận thấy điều tương tự. Bà cho biết các sinh viên đang đấu tranh để thành công, nhưng nhiều vấn đề đang níu chân các em. Những vấn đề đó chủ yếu liên quan “động lực”.
“Tôi lấy ví dụ sinh viên giống như một cục pin, dần dần em ấy hết năng lượng và cuối cùng bỏ học”, GS Grandin nói.
Các vấn đề về chức năng điều hành có thể liên quan lý do sinh học hoặc lâm sàng. Nhà tâm lý học Ludmila Praslova chỉ ra rằng chức năng điều hành có mối liên hệ chặt chẽ với việc điều chỉnh cảm xúc. Rối loạn chức năng điều hành cũng có liên quan đến trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
Trước tình trạng những vấn đề này gia tăng, Viện Nhi khoa Mỹ, Viện Tâm thần Trẻ em và Trẻ vị thành niên Mỹ, Hiệp hội Bệnh viện nhi đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về sức khỏe tâm thần ở thanh, thiếu niên. Phụ huynh và các nhà giáo dục phải hỗ trợ nhiều hơn để giúp học sinh cải thiện chức năng điều hành.
Tình trạng rối loạn chức năng điều hành có thể được cải thiện bằng nhiều cách. Ảnh: Pexels.
Người lớn nên làm gì?
Theo Forbes, những trẻ gặp vấn đề liên quan chức năng điều hành có thể rơi vào những tình huống sau.
- Không nhớ nơi cất sách vở, bài tập.
- Gặp khó khăn khi lập kế hoạch cho một dự án và khó theo dự án cho đến khi hoàn thành.
- Gặp khó khăn khi duy trì sự tập trung khi lên lớp hoặc khi làm bài về nhà.
- Không thể duy trì một thói quen nhất định.
- Đưa ra những lựa chọn tự hủy hoại bản thân như lạm dụng thuốc.
- Khó duy trì các mối quan hệ tích cực.
Các vấn đề về chức năng điều hành rất khó để giải quyết dứt điểm, nhưng phụ huynh và các nhà giáo dục có thể áp dụng những cách sau để giúp trẻ cải thiện chức năng điều hành.
Cách thứ nhất là quản lý thời gian và năng lượng. Người lớn hãy khuyên trẻ duy trì thói quen ngủ nhất quán, ít nhất 8-10 giờ mỗi ngày với trẻ 13-18 tuổi và hơn 7 giờ mỗi ngày đối với trẻ trên 18 tuổi.
Bên cạnh đó, người lớn hãy hỗ trợ trẻ lập kế hoạch, lịch trình theo từng ngày, từng tuần, từng tháng. Cách này giúp các em nhìn được những ưu tiên trong kế hoạch và có thể duy trì tập trung, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cách thứ hai là xem xét các yếu tố giúp trẻ tập trung và khiến trẻ mất tập trung. Với những trẻ sống cùng gia đình, cha mẹ có thể đặt quy định về thời gian cho phép con sử dụng thiết bị điện tử để con tránh bị phân tâm.
Thay vì chơi điện thoại, trẻ cần được khuyến khích tham gia các hoạt động thể chất, cụ thể là các môn thể thao đồng đội (bóng đá, bóng rổ), yoga… Không gian học tập của trẻ cũng cần được sắp xếp lại và nên tách riêng phòng ngủ, phòng học, tránh để trẻ biến phòng ngủ trở thành “văn phòng làm việc”.
Cách thứ ba là cho trẻ tự duy ngẫm, tự nhận thức. Bạn hãy khuyến khích trẻ viết nhật ký và ghi lại những hoạt động cần làm trong ngày, suy nghĩ thường ngày. Cách này giúp các em giải tỏa tâm trạng, đồng thời cho phép trẻ tập trung vào những điều quan trọng.
Ngoài ra, người lớn có thể cho trẻ tham gia các hoạt động tự nhận thức, cho phép các em xác định những thách thức và vượt qua chúng. Một số gợi ý cho bạn là cho trẻ tham gia huấn luyện chức năng điều hành, trị liệu tâm lý hoặc thiền.
Theo Thái An (zing) – Ảnh: T.H