Thịt đỏ, rượu bia, đồ nhiều đường, caffein và sản phẩm từ sữa nếu không kiểm soát liều lượng có thể ảnh hưởng đến các hormone trong cơ thể.
1. Thịt đỏ
Theo chuyên gia dinh dưỡng Largeman-Roth, cả thịt đỏ đã qua chế biến và chưa qua chế biến đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung (tình trạng nồng độ estrogen trong cơ thể tăng cao).
Trong một nghiên cứu năm 2019, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ ăn nhiều hơn hai khẩu phần thịt đỏ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung cao hơn 56% so với những người ăn ít hơn một khẩu phần thịt đỏ mỗi tuần. Người ta cho rằng thịt đỏ làm tăng mức độ estrogen và viêm nhiễm, góp phần vào sự phát triển của bệnh lạc nội mạc tử cung.
May mắn là có nhiều lựa chọn thay thế ngon miệng cho thịt đỏ, bao gồm thịt gia cầm và cá. Đậu là một lựa chọn ngon và có giá cả phải chăng, đặc biệt là khi dùng với burger hoặc các món cơm. Largeman-Roth gợi ý xay nhỏ hạt óc chó cho đến khi kết cấu giống như thịt xay, sau đó xào với các nguyên liệu như hành tây thái hạt lựu, bột ớt và bột tỏi. Largeman-Roth cho biết “món thịt từ hạt óc chó” đã nấu chín có thể được thưởng thức giống như cách bạn làm với thịt bò xay.
2. Thức ăn và đồ uống chứa caffein
Theo Tiến sĩ Kelley, chuyên gia dinh dưỡng, người sáng lập và giám đốc y tế của Case Integrative Health, caffein có thể làm tăng hormone căng thẳng cortisol. Hơn nữa, nếu bạn tiêu thụ caffein quá gần giờ đi ngủ, nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, một tình huống cũng làm tăng nồng độ cortisol.
Tuy nhiên, bạn không cần phải bỏ cà phê hoặc trà hàng ngày vì lý do sức khỏe nội tiết tố. Tiến sĩ Kelley đề nghị nên uống ở mức giới hạn khoảng 1-2 cốc mỗi ngày. Trong khi dùng, hãy tránh tiêu thụ caffein sáu giờ trước khi đi ngủ để đảm bảo có được một giấc ngủ chất lượng.
3. Thực phẩm siêu chế biến, nhiều đường
Tiến sĩ Kelley cho biết ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là những loại có nhiều đường, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nội tiết tố. Cụ thể, lượng đường dư thừa đã được chứng minh là thúc đẩy tình trạng kháng insulin, một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Cuối cùng, tình trạng kháng insulin có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, vì vậy điều quan trọng là phải kiểm soát nó.
Cô cho biết thêm: “Chế độ ăn uống của người phương Tây, chủ yếu dựa vào thực phẩm chế biến sẵn và đường, cũng có liên quan đến lượng estrogen cao hơn. Do đó, nguy cơ mắc ung thư vú và buồng trứng cũng cao hơn”.
Để hạn chế ăn thực phẩm chế biến kỹ hoặc siêu chế biến, hãy cố gắng tiếp cận với các lựa chọn nguyên hạt, không đóng gói hoặc chế biến tối thiểu bất cứ khi nào có thể. Ví dụ, nếu bạn đang thèm một thứ gì đó ngọt ngào, hãy ăn trái cây tươi (hoặc sinh tố trái cây) nếu có sẵn. Bằng cách này, bạn có thể thỏa mãn cơn thèm đường đồng thời bổ sung chất xơ, một chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe nội tiết tố.
4. Các sản phẩm từ sữa
“Tất cả sữa đều chứa hormone một cách tự nhiên, bao gồm prolactin, estrogen, progesterone, corticoid, androgen, yếu tố tăng trưởng giống như insulin-1 và prostaglandin”, tiến sĩ Kelley nói. Cô lưu ý rằng việc bổ sung thêm liều lượng các hormone này, cho dù đó là từ thuốc, thực vật hay sữa, đều có thể gây ra những tác động sinh học bất lợi.
5. Rượu bia
“Rượu có thể tác động đến một số con đường nội tiết tố, bao gồm những con đường ảnh hưởng đến vùng dưới đồi và tuyến yên”, Largeman-Roth nói. Những thành phần này chịu trách nhiệm sản xuất các hormone sinh sản quan trọng, bao gồm estrogen và progesterone. Do đó, uống nhiều rượu có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, khả năng sinh sản và ham muốn tình dục.
May mắn là có rất nhiều cách để thưởng thức một thức uống thơm ngon và sảng khoái với ít hoặc không chứa cồn. Largeman-Roth gợi ý bạn có thể trộn một vài giọt rượu đắng với nước có ga và nước cam, hoặc thử một công thức pha chế cocktail không cồn.
Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H