Sỏi thận khi mang thai có thể gây đau quặn bụng, buồn nôn, nôn, sốt kèm theo ớn lạnh, tiểu gấp và tiểu nhiều lần.

Sỏi thận thường xảy ra ở tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba. Ảnh: Railynews.

Sỏi thận là vấn đề tiết niệu khá phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 1/10 người tại một thời điểm nào đó trong đời. Nhưng sỏi thận có thể là thách thức đặc biệt đối với phụ nữ mang thai. Cách chẩn đoán và điều trị sỏi có thể cần được điều chỉnh trong thai kỳ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Phần lớn sỏi thận xảy ra vào thời điểm tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba.

Trong buổi phỏng vấn với Hindustine Times, tiến sĩ Vikas Bhise, chuyên gia tư vấn tiết niệu, nam khoa và bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tại Bệnh viện Medicover ở Navi Mumbai (Ấn Độ), cho biết cứ 300-1200 bà bầu có một người bị sỏi thận có triệu chứng.

Nguyên nhân

Theo tiến sĩ Vikas Bhise, điều này có thể do những thay đổi sinh lý diễn ra trong cơ thể người phụ nữ khi mang thai.

“Bàng quang bị chèn ép bởi kích thước của thai nhi đang lớn lên khi một người mang thai. Do đó, phụ nữ mang thai sẽ nhận thấy các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên. Tăng canxi niệu sinh lý và tăng axit uric niệu làm tăng lưu lượng máu đến thận dẫn đến tăng bài tiết các chất cặn bã tạo sỏi”, chuyên gia này chia sẻ.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai dễ bị sỏi thận vì những lý do sau:

  • Phụ nữ mang thai dễ bị mất nước hơn: Em bé đang lớn gây áp lực lên bàng quang của người phụ nữ, làm tăng nhu cầu đi tiểu. Do đó, phụ nữ mang thai có thể không uống nhiều nước như bình thường và tình trạng mất nước dẫn đến sỏi thận.
  • Những thay đổi xảy ra trong thành phần nước tiểu khi mang thai: Bà bầu có xu hướng có nhiều canxi trong nước tiểu và hầu hết sỏi thận đều có nguồn gốc từ canxi.
  • Sự thay đổi nội tiết tố ở bà bầu khiến cơ thể khó đào thải nước tiểu hơn: Phụ nữ mang thai có nồng độ hormone progesterone cao hơn, góp phần gây ứ đọng nước tiểu (ngưng hoặc làm chậm dòng nước tiểu). Kết quả là các hợp chất tạo sỏi có nhiều cơ hội kết tinh hơn.

Soi than khi mang thai anh 1

Mất nước khi mang thai có thể là một trong những nguyên nhân gây sỏi thận. Ảnh: Firstcryparenting.

Triệu chứng

Hầu hết sỏi thận đủ nhỏ để tự đi qua đường tiết niệu. Một người bị sỏi thận nhỏ có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng những viên sỏi lớn hơn có thể chặn dòng nước tiểu và gây đau đớn đáng kể.

Trên thực tế, đau quặn bụng là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh sỏi thận. Tiến sĩ Vikas Bhise cho biết đau bụng trên hoặc đau lưng do sỏi thận có thể lan xuống háng hoặc bụng dưới. Các triệu chứng khác là buồn nôn và nôn, sốt kèm theo ớn lạnh, tiểu gấp và tiểu nhiều lần.

Máu trong nước tiểu cũng là một triệu chứng đáng báo động. Cơn đau quặn thận là trường hợp cấp cứu ngoài sản khoa phổ biến nhất trong thời kỳ mang thai.

Cách điều trị sỏi thận

Tham khảo ý kiến bác sĩ tiết niệu và bác sĩ phụ khoa là điều đầu tiên nên làm khi phụ nữ mang thai có triệu chứng sỏi thận. Tiến sĩ Vikas Bhise khuyên bạn nên tránh dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau không kê đơn nào vì nó không chỉ gây hại cho em bé mà còn có thể làm tổn thương thận.

Nếu đã được chẩn đoán sỏi thận trước khi mang thai, bạn nên phẫu thuật trước khi mang thai nếu được tư vấn dựa trên kích thước sỏi. Nó chủ yếu phụ thuộc vào việc bệnh nhân có các triệu chứng trong tam cá nguyệt nào và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

“Chúng tôi đề nghị bệnh nhân duy trì hoạt động và tập thể dục hàng ngày. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ tiết niệu ngay lập tức trong trường hợp bị đau bụng liên tục. Điều rất quan trọng là luôn duy trì bổ sung nước hàng ngày theo trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, hydrat hóa quá mức cũng gây hại nên sự cân bằng là rất quan trọng”, tiến sĩ Vikas Bhise khuyến cáo.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai cần làm xét nghiệm nước tiểu và hội chẩn kịp thời với bác sĩ tiết niệu, phụ khoa để có thể tránh được các biến chứng của bệnh sỏi thận.

Theo Phương Mai (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link