Đường có gây ung thư không? Đường có nuôi tế bào ung thư khiến chúng phát triển mạnh hơn? Nhiều câu hỏi được đặt ra về mối liên hệ giữa đường và ung thư.
Dạng đường quen thuộc là đường ăn, vị ngọt, tan trong nước, được tạo thành từ các tinh thể glucose và fructose.
Đường ăn được tinh chế, nghĩa là được xử lý để chiết xuất từ nguồn tự nhiên (mía, củ cải đường…). Thực phẩm chưa qua chế biến có thể chứa nhiều đường đơn, như mật ong gần như là đường nguyên chất.
Khi chuỗi đường dài ra, chúng sẽ mất vị ngọt và không hòa tan trong nước nữa, tạo thành một thành phần lớn trong thực phẩm giàu tinh bột.
Thực phẩm giàu tinh bột như gạo, bánh mì, mì ống và rau củ (khoai tây) có thể không có vị ngọt nhưng chứa nhiều carbohydrate.
Gần như mọi bộ phận của cơ thể đều được tạo thành từ các tế bào sống, giúp chúng ta nhìn, thở, cảm nhận, suy nghĩ… Chúng cần biến chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống thành một dạng năng lượng để tồn tại và làm nhiệm vụ. Quá trình này bắt đầu với glucose – nhiên liệu cơ bản cung cấp năng lượng cho từng tế bào.
Nếu chúng ta ăn, uống thứ chứa nhiều glucose (như đồ uống có ga), glucose sẽ được hấp thụ thẳng vào máu để sẵn sàng cho các tế bào sử dụng.
Nếu một loại thực phẩm giàu tinh bột (như mì ống), enzym trong nước bọt và dịch tiêu hóa sẽ phân hủy và chuyển hóa thành glucose. Lý do nào đó không có carbohydrate trong chế độ ăn uống, các tế bào có thể biến chất béo và protein thành glucose.
Không có bằng chứng cho thấy dùng chế độ ăn kiêng không đường làm giảm nguy cơ mắc ung thư. Ảnh: Mdanderson.org.
Ở đây, đường và ung thư bắt đầu xung đột, vì ung thư là bệnh của tế bào.
Các tế bào ung thư thường phát triển, nhân lên nhanh chóng nên tiêu tốn nhiều năng lượng, cần rất nhiều glucose và chất dinh dưỡng khác, như axit amin và chất béo.
Đây là cơ sở để các “lý luận” cho rằng “đường thúc đẩy ung thư” ra đời. Nếu tế bào ung thư cần nhiều glucose, cắt đường khỏi chế độ ăn uống phải giúp ngăn ung thư phát triển, thậm chí có thể ngăn chặn ngay từ đầu.
Không đơn giản vậy. Các tế bào khỏe mạnh đều cần glucose và không có cách nào bắt cơ thể cung cấp glucose cần thiết cho tế bào khỏe mạnh mà không cấp cho tế bào ung thư.
Không có bằng chứng cho thấy tuân theo chế độ ăn kiêng không đường làm giảm nguy cơ mắc ung thư hoặc tăng cơ hội sống sót nếu được chẩn đoán.
Trong khi tuân theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt với lượng carbohydrate rất thấp có thể gây hại sức khỏe về lâu dài, do loại bỏ các loại thực phẩm cung cấp chất xơ và vitamin tốt.
Điều này đặc biệt quan trọng với bệnh nhân ung thư. Một số phương pháp điều trị có thể làm giảm cân và khiến cơ thể chịu nhiều căng thẳng. Dinh dưỡng kém từ chế độ ăn kiêng có thể cản trở quá trình phục hồi, thậm chí đe dọa tính mạng.
Nếu đường không gây ung thư, tại sao phải lo lắng?
Nếu cắt bỏ đường không giúp điều trị ung thư, tại sao chuyên gia y tế lại khuyến khích cắt giảm thực phẩm có đường trong lời khuyên về chế độ ăn uống?
Đó là bởi có mối liên hệ gián tiếp giữa nguy cơ ung thư và đường. Ăn nhiều đường lâu ngày có thể khiến bạn tăng cân. Bằng chứng khoa học cho thấy thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc 13 loại ung thư. Béo phì là nguyên nhân gây ung thư lớn nhất có thể phòng ngừa, sau hút thuốc.
Một nghiên cứu công bố năm 2019 cho thấy người dùng nhiều đồ uống có đường có nguy cơ mắc ung thư cao hơn một chút, bất kể trọng lượng cơ thể.
Làm thế nào để cắt giảm lượng đường “xấu”? Hãy bắt đầu từ cắt giảm đồ uống có đường như đồ uống có ga, nước tăng lực. Kẹo, chocolate, bánh ngọt và bánh quy tốt nhất nên làm đồ ăn vặt. Đọc nhãn thông tin dinh dưỡng và kiểm tra thành phần có thể giúp bạn chọn loại thực phẩm ít đường hơn.
Nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu, các thực phẩm nhiều chất xơ giúp tiêu hóa đường tự nhiên chậm hơn, giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm nguy cơ ung thư ruột.
Theo Zing – Ảnh: T.H