Thời tiết nồm ẩm là “đặc sản” của miền Bắc. Vào giai đoạn này, độ ẩm cao, nhiệt độ vừa phải tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn và nấm phát triển mạnh hơn.
Chính vì thế, người dân dễ mệt mỏi, căng thẳng, khiến hệ miễn dịch, sức đề kháng cũng bị suy giảm.
Dưới điều kiện thời tiết này, mọi người dễ mắc phải những nhóm bệnh sau:
– Hô hấp: Viêm đường hô hấp cấp do virus như viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi… hay viêm do các vi khuẩn như liên cầu, phế cầu, tụ cầu, haemophilus influenzae…
Ngoài ra, mùa này cũng dễ bị nhiễm virus cúm, adenovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV) hoặc mắc bệnh thủy đậu và tay chân miệng. Đồng thời, bệnh nhân dễ lên cơn hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hay viêm mũi dị ứng.
– Tiêu hóa: Thời tiết nồm ẩm khiến thức ăn dễ ôi thiu, vi khuẩn sinh sôi trên vật dụng gia đình, từ đó làm tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Các loại ngộ độc thường gặp do vi khuẩn E.coli, Campylobacter jejuni, thương hàn, độc tố của tụ cầu vàng, vi khuẩn độc thịt hay nấm aspergillus sinh độc tố alflatoxin.
– Bệnh ngoài da: Gặp thời tiết nồm ẩm, vi khuẩn, virus và nấm vốn có sẵn trên da sẽ phát triển mạnh hơn. Thêm vào đó, quần áo không khô ráo khiến da dễ bị bít tắc, dẫn đến các bệnh ngoài da và viêm nhiễm vùng sinh dục.
– Bệnh xương khớp ở người già: Thời tiết này khiến tình trạng đau nhức xương khớp nặng nề hơn do áp suất hơi nước trong không khí tăng cao.
Bên cạnh đó, tình trạng căng thẳng, rối loạn cảm xúc do thay đổi thời tiết khiến sức đề kháng của người dân suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các nhóm bệnh trên.
Để nâng cao sức khỏe và phòng tránh bệnh trong mùa này, chúng ta nên:
– Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, mặc đồ khô ráo, đảm bảo ga giường không bị ẩm.
– Tăng cường tập thể dục, đảm bảo ăn đủ chất và ngủ đủ giấc.
– Nếu mắc các bệnh mạn tính đường hô hấp và xương khớp, bạn nên đi khám bác sĩ để có hướng dẫn phòng tránh.
– Mua máy hút ẩm, bật điều hòa chế độ hút ẩm.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) chia sẻ.
Theo Zing – Ảnh: T.H