Bơ, gan bò, khoai lang, sữa đậu nành, hàu cùng nhiều thực phẩm khác giúp dưỡng ẩm và phục hồi da nhờ chứa nhiều chất dinh dưỡng như kẽm, vitamin A, vitamin E hay selen.
Chế độ ăn lành mạnh và giàu chất dinh dưỡng sẽ giúp tăng cường hàng rào bảo vệ của da. Ảnh: Pexels.
Theo Medical News Today, da là cơ quan quan trọng của cơ thể. Nó tạo ra “hàng rào” để bảo vệ phần còn lại của cơ thể khỏi các mối đe dọa bên ngoài như vi khuẩn, chất oxy hóa và tia UV.
Chức năng bảo vệ của da giúp ngăn ngừa mất nước cũng như ngăn chặn các hóa chất độc hại và chất gây dị ứng ảnh hưởng đến cơ thể. Nó cũng giúp duy trì nhiệt độ cơ thể.
Nếu một người có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh với đầy đủ chất dinh dưỡng, chức năng bảo vệ của da sẽ hoạt động tốt hơn. Trái lại, việc ăn uống thiếu chất hay ăn không lành mạnh sẽ thay đổi chức năng của da, dẫn đến các triệu chứng như khô da.
Da khô có thể là dấu hiệu của việc thiếu hụt chất dinh dưỡng nhất định như vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, kẽm hay selen. Chế độ ăn uống giàu các vitamin và khoáng chất này có thể giữ cho làn da khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, tiêu thụ omega-3, chất chống oxy hóa từ trà xanh và nghệ cũng có thể ngăn ngừa da khô.
Dưới đây là 14 thực phẩm bạn có thể cân nhắc thêm vào chế độ ăn để dưỡng ẩm và tăng cường hàng rào bảo vệ của da.
Gan bò
Gan bò là thực phẩm giàu vitamin A. Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), một khẩu phần khoảng 85 g gan bò áp chảo chứa 6.582 mcg vitamin A. Khẩu phần cỡ này cung cấp tới 731% giá trị hàng ngày (DV) của vitamin A.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý giới hạn hàng ngày đối với vitamin A là 3.000 mcg. Vì thế, bạn chỉ nên tiêu thụ vitamin A trong khoảng này, nếu bổ sung quá nhiều có thể dẫn đến ngộ độc.
Vitamin A là chất dinh dưỡng cần thiết để chống khô da vì nó có chứa retinoids và carotenoids. Ngoài ra, chất này có thể phục hồi làn da bị tổn thương do tia cực tím và giảm các triệu chứng của bệnh vẩy nến.
Khoai lang
Khoai lang cũng là nguồn vitamin A dồi dào. Mỗi củ khoai lang nướng có vỏ chứa 1.403 mcg vitamin A, tương đương 156% DV.
Theo NIH, ngoài công dụng chống khô da, vitamin A có thể chống lại lượng sắt thấp trong máu và làm tăng khả năng sống sót sau khi mắc một số bệnh như bệnh sởi.
Ớt chuông đỏ
Ớt chuông đỏ là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Nửa chén ớt chuông đỏ chưa qua chế biến chứa 95 mg vitamin C, tương đương với 106% DV.
Vitamin C rất hữu ích trong việc chống khô da vì nó làm tăng đáng kể độ ẩm cho da. Ngoài ra, vitamin này bảo vệ da chống lại các tia UV có hại, tăng sinh collagen, làm giảm các tình trạng da liên quan đến tuổi tác như nếp nhăn và nám.
Quả kiwi
Kiwi là một trong những loại trái cây chứa nhiều vitamin C. Một quả Kiwi vừa chứa 64 mg vitamin C, chiếm 71% DV. Thiếu vitamin C có thể ảnh hưởng xấu đến da, dẫn đến đau khớp, giảm khả năng chữa lành vết thương và thiếu sắt.
Theo NIH, vitamin C có những lợi ích sức khỏe khác ngoài chức năng hydrat hóa và bảo vệ da. Ví dụ, tiêu thụ vitamin C có thể làm giảm nguy cơ phát triển đục thủy tinh thể và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh.
Dầu gan cá tuyết
Dầu gan cá tuyết là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào với một muỗng canh chứa đến 34 mcg vitamin D, tương đương 170% DV.
Có nhiều loại vitamin D khác nhau bao gồm vitamin D3 và vitamin D2. Trong đó, vitamin D3 có thể ức chế tế bào sừng gây ra tình trạng da khô như bệnh vẩy nến. Loại vitamin này cũng có thể giảm viêm, thúc đẩy quá trình lành vết thương và giúp chống lại tác động của tia UV.
Sữa đậu nành, hạnh nhân và yến mạch
Đây là những thực phẩm bạn có thể ăn hàng ngày để bổ sung vitamin D. Theo NIH, một khẩu phần các thực phẩm trên chứa 2,5-3,6 mcg vitamin D, cung cấp tới 13-18% DV.
NIH cho biết thêm một trong những tác dụng có lợi của vitamin D là chống viêm, giúp da giữ được độ ẩm của mình.
Hạt hướng dương
Hạt hướng dương rất giàu vitamin E, khoảng 28 g hạt này chứa 7,4 mg vitamin E, tương đương 49% DV.
Vitamin E vốn là chất chống oxy hóa nổi tiếng. Nó giúp chống lại các tác động có hại của tia cực tím như khô da và tăng sắc tố. Kết hợp thực phẩm giàu vitamin E và vitamin C có thể giúp giảm viêm và đỏ da.
Hàu
Hàu có hàm lượng kẽm cao với 85 g hàu tẩm bột chiên chứa 74 mg kẽm, tương đương 673% DV.
Kẽm là chất dinh dưỡng cần thiết trong việc bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím. Nó hạn chế lượng bức xạ thấm vào da và có thể giúp da không bị khô. Đặc biệt, kết hợp thực phẩm giàu kẽm và vitamin C có thể trị mụn trứng cá vì cả hai đều có tác dụng kháng khuẩn.
Hàu chứa hàm lượng kẽm cao, giúp kháng viêm cho da. Ảnh: Pexels.
Đậu nướng
Nửa cốc đậu nướng chay hoặc đậu nướng đóng hộp chứa 2,9 mg kẽm, tương đương với 26% DV. Theo NIH, ngoài việc giữ ẩm và dưỡng ẩm cho da, kẽm còn có thể tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng chữa lành vết thương và giúp điều trị tiêu chảy.
Cá ngừ vây vàng
Cá ngừ vây vàng là thực phẩm chứa nhiều chất selen. Khoảng 85 g cá ngừ vây vàng nấu chín chứa 92 mcg selen, tương đương 167% DV.
Chất này bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV bằng cách tăng hoạt động của các enzym trong da. Ngoài ra, nó cũng hữu ích trong việc điều trị các triệu chứng của bệnh vẩy nến bằng cách tăng mức độ glutathione peroxidase ở người mắc bệnh này.
Trái bơ
Bơ là thực phẩm phổ biến chứa omega-3. Việc tiêu thụ ít omega-3 có thể gây ra nhiều tình trạng như khô da, bong vảy và viêm da.
Nghiên cứu trên động vật gặm nhấm năm 2015 cho thấy uống bổ sung omega-3 trong 60 ngày giúp giảm ngứa và cải thiện độ ẩm cho da.
Trà xanh
Trà xanh có khả năng ngăn ngừa lão hoá da do ánh sáng. Tình trạng này có thể dẫn đến tăng sắc tố, khô da và các dấu hiệu tổn thương do tia cực tím khác.
Trà xanh giúp tăng hàm lượng sợi collagen và elastin trong da cũng giảm mất cân bằng oxy hóa. Nhờ đó, làn da trở nên mịn màng và ẩm hơn.
Nghệ
Nghệ là loại thực phẩm khác giúp chống khô da. Nó chứa hợp chất curcumin có đặc tính chống viêm.
Một đánh giá năm 2019 cho thấy chất curcumin chống lại tác động của bệnh vẩy nến và viêm da. Thoa curcumin có thể giúp trị mụn trứng cá vì hợp chất này có đặc tính kháng sinh.
Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H