Theo nghiên cứu mới, việc thường xuyên uống nhiều rượu có thể phá vỡ hệ miễn dịch của cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cấp sau khi nhiễm nCoV.
Nghiện rượu có thể là yếu tố tiềm ẩn làm tăng nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: Pexels.
Nghiện rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 bằng cách gây ra các tình trạng khiến cơ thể bị nhiễm trùng. Đây là cảnh báo từ nghiên cứu của các tác giả người Đức, được công bố trên tạp chí Rượu: Nghiên cứu lâm sàng và thử nghiệm.
Quá trình nghiên cứu
Theo Express, các nhà nghiên cứu làm thí nghiệm trên loài gặm nhấm để tìm hiểu tác động của việc tiếp xúc với rượu trong thời gian dài lên các enzyme liên quan việc mắc Covid-19.
Họ phát hiện ra nghiện rượu làm tăng nồng độ enzyme ACE2 trong phổi. Virus Corona sử dụng enzyme này để gắn và xâm nhập vào tế bào, do đó cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm virus khi tiếp xúc.
Trong nghiên cứu, nhà dược lý học Marion Friske, Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương ở Mannheim (Đức), và các đồng nghiệp của bà đã cho chuột tiếp xúc với hơi ethanol.
Sau đó, họ phân tích việc tiếp xúc với rượu có tác động như thế nào với các cơ quan thường bị ảnh hưởng khi mắc Covid-19, gồm phổi, não, tim, thận và gan.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu phân tích tác động với 3 loại enzyme thường liên quan quá trình lây nhiễm SARS-CoV-2.
– ACE2: Thụ thể mà Covid-19 gắn vào tế bào khỏe mạnh như bước đầu tiên để xâm nhập vào cơ thể và lây nhiễm.
– TMPRSS2: Tạo ra các protein gai của virus.
– Mas: Kích hoạt tác dụng bảo vệ, chống tăng sinh và chống viêm sau khi virus xâm nhập vào tế bào.
Nồng độ cồn trong máu có thể đẩy nhanh tốc độ khiến virus gây Covid-19 xâm nhập vào các tế bào của cơ thể. Ảnh: Wineandbeersupply.
Rượu gây ra tác động khác nhau ở mỗi enzyme
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra sau khi tiếp xúc lâu dài với rượu, nồng độ ACE2 trong phổi của chuột tăng lên, dẫn đến tăng khả năng virus SARS-CoV-2 xâm nhập và lây nhiễm các tế bào của phổi.
Phát hiện này có thể giải thích dữ liệu dịch tễ học trước đây về người mắc chứng rối loạn sử dụng rượu có xu hướng nhiễm virus gây Covid-19 cao và nghiêm trọng hơn.
Hơn hết, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý sau thời gian hạn chế tiếp xúc với rượu, chuột có phản ứng chống viêm tăng lên. Điều này cho thấy cơ thể xuất hiện tác dụng bảo vệ khi ngừng uống nhiều rượu.
Trong khi đó, với TMPRSS2, rượu làm gia tăng tổng thể mức độ enzyme mà không có bất kỳ tác dụng cụ thể nào đối với cơ quan được quan sát.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh điều này nghĩa là nồng độ cồn trong máu có khả năng đẩy nhanh tốc độ virus gây Covid-19 xâm nhập vào các tế bào của cơ thể. Họ cho biết phần lớn mô não dường như ít bị tổn thương hơn trước tác động của rượu.
Tuy nhiên, các trường hợp ngoại lệ là hành khứu giác, khối mô tròn chứa tế bào thần kinh liên quan khứu giác, nơi có mức độ enzyme Mas giảm. Các nhà nghiên cứu cho hay điều này có thể dẫn đến phản ứng chống viêm trong hành khứu giác thấp hơn và tăng mắc chứng mất khứu giác.
Họ kết luận: “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng ở cấp độ phân tử rằng nghiện rượu có thể là yếu tố tiềm ẩn làm tăng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2”.
Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ đưa ra lý do gián tiếp về khả năng dễ mắc Covid-19 ở người uống rượu thường xuyên và không đưa ra bất kỳ kết luận nào về mức độ nghiêm trọng của bệnh, ngoại trừ mắc chứng mất khứu giác.
Theo các tác giả, cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ tác động tiềm ẩn của việc nghiện rượu đối với nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Họ đề xuất phân tích các gene liên quan bệnh Covid-19 ở loài gặm nhấm bị nhiễm SARS-CoV-2 do tác động từ rượu.
Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H