Theo bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến, sốc nhiệt có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

tre bi soc nhiet anh 1

Phụ huynh đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) trong ngày nắng nóng. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, nắng nóng diện rộng ở TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì đến hết ngày 7/5. Trong khi đó, Hà Nội và các tỉnh, thành phố Đồng bằng Bắc Bộ cũng hứng nắng nóng, có lúc gay gắt khi nhiệt độ cao nhất đạt 38 độ C. Một số nơi ở Bắc Bộ và Trung Bộ có thể trên 40 độ C.

Các chuyên gia cảnh báo người dân cần cẩn trọng trước hiện tượng sốc nhiệt rất dễ xảy ra, đặc biệt ở trẻ em.

Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết sốc nhiệt (heat stroke) là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức (40-41 độ C) khi nhiệt môi trường gia tăng. Lúc này, cơ thể không có khả năng tiêu tan, tản mát nhiệt nội sinh, hoặc sự kết hợp của hai yếu tố này. Sốc nhiệt có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ai dễ bị sốc nhiệt?

Sốc nhiệt được chia thành 2 nhóm: Sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức. Hai thể này khác nhau về cơ chế nhưng biểu hiện lâm sàng giống nhau.

Theo bác sĩ Tiến, sốc nhiệt kinh điển (classic heat stroke) hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, hay các rối loạn nội tiết, bệnh lý nền. Hiện tượng này xảy ra khi người dân tiếp xúc thụ động với môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

Sốc nhiệt do gắng sức (exertional heat stroke) hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường. Hiện tượng này xảy ra khi phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và sự sinh nhiệt lúc thể dục, gắng sức.

Dân gian còn gọi sốc nhiệt là say nắng hoặc say nóng. Say nắng thường do nạn nhân trực tiếp ở dưới ánh nắng mặt trời, bị ảnh hưởng của tia tử ngoại chiếu lên da.

Say nóng thường do tia hồng ngoại của sức nóng (hầm mỏ, lò lửa, nhà xe, nhà mái tôn, trên tàu xe chật chội, nóng bức, xe hơi đóng kín không máy lạnh…) tác động lên cơ thể kéo dài.

Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến cho hay khi bị nắng nóng, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm nhiệt như: Giãn nở mạch máu để máu dồn nhiều tới da làm thoát nhiệt ra ngoài; tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, tiết ra nhiều mồ hôi.

Cơ thể có khả năng điều hoà thân nhiệt ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh. Khả năng này ở mỗi người khác nhau. Người trưởng thành, khỏe mạnh có sức chịu đựng tốt nhất.

Trái lại, người cao tuổi và trẻ em có sức chịu đựng kém hơn nhiều và dễ gặp nguy hiểm khi nhiễm nắng nóng. Những người trẻ khỏe nếu hoạt động dưới ánh nắng gắt kéo dài cũng có thể bị sốc nhiệt.

Dấu hiệu nào nhận biết trẻ bị sốc nhiệt?

Theo bác sĩ Tiến, triệu chứng thường gặp là nhức đầu, vã nhiều mồ hôi, mặt đỏ gay, lừ đừ, mệt, khó thở, đau bụng, nôn mửa, người bứt rứt.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhi có thể dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, sốt cao 40 độ C đến 41 độ C, mạch nhanh, sắc mặt chuyển qua tái nhợt. Khi bị nặng, trẻ sẽ rơi vào ngất xỉu, mê sảng, co giật, hôn mê, trụy mạch và dễ tử vong.

Khi trẻ lừ đừ, mệt, bứt rứt, da xanh tái, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay. Trẻ hôn mê co giật là dấu hiệu đã nặng.

Khi trẻ bị sốc nhiệt, người dân đem ngay nạn nhân ra khỏi chỗ nắng, nóng, cho nằm nghỉ ở nơi thoáng mát. Nới rộng quần áo hoặc cởi bỏ bớt, quạt cho trẻ. Hãy dùng khăn tẩm nước mát lạnh, đắp vùng trán, gáy, nách, lau khắp người để làm hạ thân nhiệt, có thể kèm quạt mát để thoát nhiệt.

Bạn nên theo dõi cho đến khi thân nhiệt trẻ hạ xuống dưới 38 độ C. Hãy cho bé uống nhiều nước (nước chín, nước lọc, nước Oresol) để bù các chất điện giải.

Khi trẻ bị sốc nhiệt, người dân tuyệt đối không cạo gió, xoa dầu nóng, quấn kín trẻ.

Về dinh dưỡng, gia đình nên cho bé dùng thức ăn lỏng, dễ tiêu, ăn nhiều bữa nhỏ, uống nhiều nước, bổ sung thêm rau quả tươi.

Cách phòng sốc nhiệt trong mùa hè

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo để dự phòng sốc nhiệt cho trẻ, phụ huynh cần nhớ:

  • Vui chơi hay tập luyện trong môi trường thoáng mát.
  • Khi cần phải tập luyện ngoài trời nắng, trước đó vài ngày, bạn nên có thời gian cho trẻ ra nắng để cơ thể quen dần với tác động của nắng nóng.
  • Cho trẻ mặc quần áo nhẹ, mỏng, ngắn tay, màu sáng, đội nón rộng vành.
  • Cho trẻ uống thêm nhiều nước khi học và luyện tập trong môi trường nóng bức.
  • Tránh tập luyện quá sức ở ngoài trời nắng. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, trẻ cần ngừng ngay việc tập luyện và vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi.
  • Nếu trẻ phải thường xuyên tập luyện, học tập ngoài nắng, hãy giới hạn mỗi lần tập 20-25 phút, tối đa 45-60 phút/ngày. Bạn nên cho trẻ giải lao sau một khoảng thời gian, vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi và uống nước.
  • Nhà trường thiết kế sân chơi, tập luyện thể thao thoáng mát, có mái che.

Theo Phương Anh (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link