Nhiều nước xung quanh Việt Nam báo cáo số ca bệnh hô hấp, truyền nhiễm tăng cao. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá đây là điều bình thường hậu đại dịch.

Trung Quốc báo động số ca mắc bệnh hô hấp tăng cao ở trẻ em. Ảnh: AP Photo.

Thời gian gần đây, nhiều nước châu Á ghi nhận sự nổi dậy của virus bệnh hô hấp, một vài loại trong số chúng được đánh giá là “bí ẩn”.

Bộ Y tế hôm 4/12 cũng đã đưa ra khuyến cáo đảm bảo phòng, chống dịch bệnh trong thời tiết chuyển mùa. Chia sẻ Znews, một số chuyên gia bệnh hô hấp và truyền nhiễm cho rằng đây là xu hướng dễ hiểu.

Làn sóng gia tăng bệnh truyền nhiễm, hô hấp

Ngày 2/12, Bộ Y tế Singapore cho biết số ca Covid-19 tại quốc gia này có sự gia tăng đáng kể. Theo ước tính, số ca nhiễm đã tăng gấp đôi, từ 10.726 người lên 22.094 người trong tuần trước đó. Tuy nhiên, số ca nặng phải nhập viện và điều trị đặc biệt không có sự tăng vọt.

Theo CNA, Bộ Y tế nước này cho hay sự gia tăng ca nhiễm có thể là do mùa du lịch đến gần và khả năng miễn dịch của người dân suy yếu. Trong khi đó, nước láng giềng Malaysia cũng cho biết số ca mắc Covid-19 đã tăng 57,3%. Theo Bộ trưởng Y tế Muhammad Radzi Abu Hassan, số ca mắc Covid-19 tăng nhưng tình hình vẫn được kiểm soát, không gây áp lực đối với các cơ sở y tế.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Campuchia cũng ghi nhận 6 trường hợp mắc virus H5N1, trong đó 4 ca tử vong. Đầu năm nay, quốc gia này cũng ghi nhận ca lây nhiễm H5N1 từ người sang người đầu tiên trên thế giới.

benh ho hap anh 1
Nhiều quốc gia Đông Nam Á như Malaysia hay Singapore đều báo cáo số ca Covid-19 tăng mạnh. Ảnh: CNA.

Cách đây xa hơn, vào tháng 9, Ấn Độ cũng phải hứng chịu đợt bùng phát virus Nipah, một loại virus lây từ động vật sang người, được cho là đã truyền sang người từ loài dơi ăn quả. Một loại virus lây từ động vật sang người có thể lây lan từ động vật sang người và Nipah có tỷ lệ tử vong ở người từ 40% đến 75%.

Mới đây nhất, theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung Quốc ghi nhận sự gia tăng số trẻ em nhập viện vì các bệnh hô hấp như cảm lạnh, cúm và virus RSV trong tháng 10 cao hơn cùng kỳ so với 3 năm qua. Cơ quan này cũng cho biết số ca nhiễm mycoplasma pneumoniae, một loại vi khuẩn gây bệnh hô hấp nhẹ, đã gia tăng tại quốc gia này kể từ tháng 5. Ngoài ra, số ca viêm phổi được ghi nhận tại Trung Quốc cũng tăng tới 40%.

Thông tin với truyền thông, chính quyền Trung Quốc giải thích bệnh hô hấp tăng đột biến là do việc dỡ bỏ các hạn chế đối với Covid-19 và sự lây lan của các mầm bệnh thường thấy như cúm, SARS-CoV- 2, virus hợp bào hô hấp (RSV) và Mycoplasma pneumoniae.

Theo tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Vanderbilt (Mỹ), không có nơi nào trên thế giới không có mycoplasma, virus rhovirus và virus cúm. “Chúng là những loại virus và vi trùng hô hấp bình thường mà chúng ta dễ mắc khi lớn lên”, ông chia sẻ với New York Times.

Không bất thường

Tại Việt Nam, theo quan sát, TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), nhận định số ca nhiễm khuẩn hô hấp có tăng lên về tỷ lệ bệnh nhân đến khám và nhập viện.

“Điều này có thể do sức đề kháng của con người thay đổi, giảm sút sau dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi chưa ghi nhận chủng gây bệnh hô hấp nào bất thường”, ông chia sẻ.

benh ho hap anh 2
Theo các chuyên gia, việc bùng phát bệnh hô hấp có thể do đề kháng của con người thay đổi hậu giãn cách. Ảnh: Nhật Sinh.

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), tất cả dịch bệnh thường xuyên đến hẹn lại lên sau thời gian cách ly vì Covid-19. Do đó, tình hình này không có gì bất thường.

Bổ sung thêm, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cũng cho biết Việt Nam đang bước vào mùa đông, là mùa hoạt động của các siêu vi đường hô hấp.

“Báo cáo của WHO cũng đánh giá các tác nhân gây bệnh hô hấp trong thời gian gần đây là những virus quen thuộc. Cộng thêm yếu tố giao mùa khiến nhiều nơi ghi nhận trẻ em mắc bệnh hô hấp tăng cao”, bác sĩ nói.

Theo bác sĩ Nam, một yếu tố khác khiến trẻ mắc bệnh hô hấp nhiều trong thời gian này là không được tiêm chủng đầy đủ cũng như cha mẹ chủ quan trong việc phòng các bệnh đường hô hấp.

Để phòng bệnh viêm hô hấp cho trẻ em cũng như cộng đồng, bác sĩ Nam khuyến cáo mọi người nên rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng; luôn luôn che miệng, mũi khi ho, khi hắt hơi.

Mọi người cũng nên duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý để tăng cường sức đề kháng từ bên trong.

Ngoài ra, TS Nguyễn Hải Công khuyến cáo mọi người, đặc biệt là những người có hệ đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính nên tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây bệnh hô hấp như người bệnh, môi trường y tế.

Bác sĩ khuyến khích mọi người, đặc biệt nhóm nguy cơ cao, nên tiêm các loại vaccine cúm, phế cầu. Khi có triệu chứng hô hấp, mọi người nên đến cơ sở y tế để được phát hiện bệnh và điều trị sớm.

Theo Linh Thùy (znews) – Ảnh: T.H

Nguồn: www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link